'Vết sẹo' của ngành lúa gạo Việt

Giải thưởng gạo quốc tế năm 2023 được trao cho Việt Nam nhẽ ra là tin vui cho ngành lúa gạo Việt Nam, tuy nhiên đã để lại 'vết sẹo' không đáng có.

Khi những lùm xùm không đáng có

Bên cạnh kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%, gạo Việt tiếp tục đón tin vui khi được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”.

Xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2023 đạt 4,41 tỷ USD

Cụ thể, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã vượt qua các đối thủ và được vinh danh giải Nhất "gạo ngon Nhất thế giới" (World’s Best Rice). Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.

Theo đó, Việt Nam có 3 doanh nghiệp tham dự hội nghị và gửi 6 mẫu gạo tham gia giải thưởng. Cụ thể, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí gửi 2 mẫu gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời gửi 2 mẫu gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed gửi 2 mẫu gạo TBR39-1 và nếp A Sào.

Nhẽ ra, cả nước Việt Nam có thể cùng nhau ăn mừng chiến thắng này. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin được đưa ra là những tranh cãi về việc "gạo Việt Nam" hay "gạo ST25" ngon nhất thế giới?

Do có những tranh cãi từ Việt Nam nên buộc ban tổ chức phải công bố sớm hơn dự kiến 6 tháng. Theo đó, giống gạo nhận được giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023 là gạo ST25 đến từ Việt Nam, được phát triển bởi Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí. Ngoài ST25, không giống gạo Việt Nam nào lọt vào Top 3 chung cuộc và cũng không giống gạo nào ảnh hưởng đến kết quả hội thi.

Như vậy, sau một tuần ngày tranh cãi thì mọi thông tin cũng đã sáng tỏ. Việc tuyên bố gạo ST25 đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2023 sớm hơn dự kiến được ban tổ chức cho biết: “Trước vấn đề không lường trước được phải đối mặt, chúng tôi thấy cần phải can thiệp để bảo vệ sự trong sạch của giải thưởng và khuyến khích sự xuất sắc của cá nhân mà chúng tôi rất trân trọng”.

Được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế. Câu chuyện nhẽ ra là niềm vui chung của ngành lúa gạo Việt thì lại trở thành những sự cố không đáng có.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra lùm xùm về chủ nhân của gạo ngon nhất thế giới. Năm 2019, lễ công bố giải gạo ngon nhất thế giới của The Rice Trader cũng xảy ra lùm xùm khi thông tin không thống nhất về loại gạo ngon nhất là ST24 hay ST25. Sau đó, ST25 được ban tổ chức công bố là gạo ngon nhất thế giới.

Năm 2022, tại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam cũng xảy ra lùm xùm khi "cha đẻ" ST25 và giống ST24 nghi ngờ và đề nghị đánh giá lại nguồn gạo của các đơn vị sử dụng để dự thi xem có việc sử dụng loại gạo của người khác đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ để đem đi thi hay không.

Đến câu chuyện thương hiệu của gạo Việt

Hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lôgô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam chỉ có 2 sản phẩm có Nhãn hiệu chứng nhận, trong đó có “Gạo Việt Nam”.

Mặc dù Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số nước, nhưng cho đến nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng vì còn một số vướng mắc.

Nguyên nhân do cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ. Việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn bởi 2 lý do: Thiếu kinh phí đăng ký; một số nước chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức Nhãn hiệu chứng nhận.

Thiếu tính liên kết là câu chuyện cố hữu đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp vốn đã yếu lại thêm yếu hơn. Câu nói của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett là “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” hay câu tục ngữ “Buôn có bạn, bán có phường” trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh vẫn nguyên vẹn tính thời sự và giá trị của nó.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy bình luận, đi thi thì doanh nghiệp nào cũng mong đạt giải. Đây không chỉ là khẳng định thương hiệu giống gạo của doanh nghiệp mình mà còn là vấn đề danh dự của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thương mại, doanh nghiệp cũng việc cân nhắc giữa việc “đi buôn” với phát triển thị trường. Bởi chỉ khi nào tạo nên được sự tin cậy của khách hàng, sự tin cậy có kỷ cương và đạo đức thì đến lúc đấy thị trường mới bền vững. Và rõ ràng, sự việc lần này đã để lại “vết sẹo” không đáng có của thương mại ngành lúa gạo Việt.

Nhìn sang Đông Nam Á, Thái Lan cũng tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm. Từ thương hiệu quốc gia "Thailand - Kitchen of the world" với mong muốn Thái Lan trở thành "gian bếp" của thế giới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thực phẩm của nước này đang ở con số rất ấn tượng 10%/năm.

Hiện tại thực phẩm Thái Lan đang được đánh giá là xếp thứ 4 (sau Italia, Pháp và Trung Quốc) về mức độ nhận biết đối với thực khách trên thế giới, điều này cũng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy ngành du lịch và thương mại ở quốc gia này.

Với sản phẩm cụ thế, Thái Lan đã thành công trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng của họ. Thương hiệu THAI’S RICE là thương hiệu quốc gia của Thái Lan được dùng cho nhiều sản phẩm như: Thai Hom Mali, Thai Pathumthani (là 2 loại sản phẩm trong thương hiệu quốc gia về gạo).

Thương hiệu quốc gia “Thai’s rice” là sự bảo đảm của Chính phủ Thái Lan về các đặc tính của sản phẩm, bao gồm về chất lượng, nguồn gốc, truyền thống... đối với người tiêu dùng trên thế giới, thương hiệu này do Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại quản lý.

Thái Lan xây dựng nhận biết thương hiệu dựa trên uy tín về chất lượng, hương vị gạo Thái Lan trên thị trường và hình ảnh nhận diện chung gạo Thái Lan, nâng cao chất lượng và giống gạo để tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Quan trọng hơn cả, Chính phủ và khu vực tư nhân có sự hợp tác để quảng bá chất lượng và hương vị gạo Thái trên thị trường thế giới.

Câu hỏi đặt ra liệu các mặt hàng nông lâm thủy sản khác sẽ như thế nào? nếu ngành lúa gạo Việt vẫn còn tư duy "đi buôn" thì hạt gạo Việt có thể đi xa được hay không?

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vet-seo-cua-nganh-lua-gao-viet-290133.html