VEPR: Nhập khẩu vàng không giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới

Các chuyên gia nhận định, việc nhập khẩu vàng ồ ạt sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết. Thay vào đó, có thể sử dụng nhiều biện pháp hành chính để can thiệp thị trường vàng.

Nhập khẩu vàng ồ ạt không phải là biện pháp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Ảnh: Minh Đức

Nhập khẩu vàng ồ ạt không phải là biện pháp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Ảnh: Minh Đức

Tại phiên thảo luận chuyên đề "Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định" ngày 17/5, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, kể từ năm 2021, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động.

Gần 10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại, đặc biệt chạm mốc 2.431 USD/ounce trong ngày 12/4. Trong nước, 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần trong một ngày.

Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều tiết thị trường vàng. Để tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước tiến hành các phiên đấu thầu vàng miếng SJC nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cùng "cơn sốt" vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4, trước khi vượt 92 triệu đồng vào tháng 5, mức cao nhất lịch sử. Chênh lệch với giá thế giới cũng neo ở mức cao, có thời điểm tới 20 triệu đồng một lượng. Bình quân 4 tháng đầu năm, kim loại quý tăng 20,75%.

Nhập khẩu vàng ồ ạt sẽ lãng phí nguồn lực dự trữ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định: "Chúng ta đấu thầu vàng nhằm mục tiêu tăng cung, cung tăng để mà giảm giá. Tuy nhiên chúng ta thấy mấy phiên vừa qua hàng nghìn lượng vàng không phải là số lượng nhiều so với tổng cầu của thị trường.

Hơn nữa mỗi phiên đấu giá đều đặt ra mức giá tham chiếu và mức giá trúng đấu giá, thường cao hơn mức giá thị trường đã xác lập trước đó, vô hình trung đấu giá làm giá vàng lên, như vậy việc đấu thầu vàng chưa đạt mục tiêu giảm giá vàng".

Các chuyên gia nhận định, cốt lõi của vấn đề giá vàng tăng nóng trong thời gian gần đây do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều rủi ro, vì vậy, vàng đang là hầm trú ẩn an toàn với nhiều người dân.

Để quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Chính phủ có thể xem xét cho một vài công ty nhập khẩu vàng nguyên liệu, Nhà nước quản lý thị trường vàng bằng thuế, kinh doanh vàng có hóa đơn điện tử, tăng cung vàng đủ lớn với giá đầu vào hợp lý để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Theo các chuyên gia VEPR và Think Future, chênh lệch giá này "không hoàn toàn phản ánh cân đối cung - cầu". Do đó, việc giảm mức chênh này không chỉ dựa vào nhập khẩu vàng ồ ạt.

Các chuyên gia nhận định, việc nhập khẩu vàng ồ ạt sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết. Các biện pháp "không tốn dự trữ ngoại hối nhưng có thể mang tới hiệu quả cao tức thì" gồm các biện pháp hành chính như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá...

Ngoài ra, còn có một số công cụ tiền tệ, như lãi suất, cũng giúp ngăn các loại bong bóng tài sản bao gồm vàng.

Theo các chuyên gia, thời gian trước, có những giai đoạn giá vàng trong nước và thế giới đồng pha dù không cần nhập khẩu vàng, hay phá độc quyền mặt hàng này.

Ví dụ, giai đoạn 2016-2019, giá vàng trong nước ổn định, gần như đi ngang, chênh lệch về 0 khi giá thế giới tăng. Hoặc giữa năm 2023, giá vàng trong nước đi ngang khi thế giới dao động mạnh, tăng 10% rồi giảm 3%. Thời điểm này tương đối trùng với giai đoạn các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền đồng để ổn định tỉ giá.

Ngược lại, có giai đoạn nhà chức trách tăng cung, nhưng giá không ổn định. Như 2014-2015, sau khi Nhà nước bán ra 74 tấn vàng, chênh lệch giá khoảng 10%-20% so với thế giới.

Thực tế, các biện pháp hành chính như hóa đơn điện tử được Chính phủ đưa ra nhiều lần, trong bối cảnh các giao dịch mua bán kim loại quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu minh bạch.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vepr-nhap-khau-vang-khong-giup-thu-hep-khoang-cach-giua-gia-vang-trong-nuoc-va-the-gioi-179240517152756645.htm