Vẹn nguyên ký ức ngày toàn thắng

Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức về ngày toàn thắng 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thanh Bình (SN 1955, ở xã Quảng Thạch, Quảng Trạch). Ông và đồng đội đã từng trải qua một trận đánh oanh liệt, giải phóng Xuân Lộc (Đồng Nai), mở toang 'cánh cửa thép' để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.Nói về CCB Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Trạch Phạm Văn Thanh đánh giá: 'Là một sĩ quan Quân đội, tuy nhiên khi trở về với cuộc sống đời thường CCB Nguyễn Thanh Bình vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương và làm kinh tế giỏi. Với tinh thần của người lính Bộ đội Cụ Hồ 'xưa thắng giặc, nay thắng nghèo', ông luôn đi đầu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ nhiều CCB cùng vươn lên. CCB Nguyễn Thanh Bình còn là tấm gương điển hình trong phong trào CCB gương mẫu học tập và làm theo lời Bác'.

Mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc

Giống như bao thanh niên khác lớn lên khi đất nước còn chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1972, khi vừa 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Thanh Bình rời quê hương lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện tân binh ở Tiểu đoàn 53 (bộ đội chủ lực của tỉnh), khi Sư đoàn 341 (thuộc Quân khu 4) được thành lập, ông được điều về làm chiến sĩ trinh sát ở Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266 và trở thành một trong những người lính đầu tiên của sư đoàn.

CCB Nguyễn Thanh Bình kể lại: Tháng 1/1975, khi ông cùng đơn vị đang đóng quân huấn luyện ở khu vực miền núi phía Tây huyện Lệ Thủy thì được lệnh hành quân “thần tốc” vào mặt trận miền Đông Nam bộ. Sau khoảng 3 tháng hành quân, vừa đi xe vận tải, vừa đi bộ xuyên rừng Trường Sơn, cuối tháng 3/1975, toàn bộ Sư đoàn 341 đã có mặt ở Chiến khu D, chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Xuân Lộc (Đồng Nai), “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Trong trận đánh Xuân Lộc lịch sử kéo dài 12 ngày đêm, từ 9-21/4/1975, ông Bình là lính trinh sát (lúc đó là tiểu đội phó) đã mưu trí, dũng cảm xác định được các mục tiêu quan trọng và sát cánh cùng đồng đội bám sát trận địa chiến đấu, giành giật với quân địch từng ngôi nhà, từng con hẻm, từng góc phố.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình trong vườn tiêu của gia đình.

Sau khi bẻ gãy tuyến phòng thủ Xuân Lộc, đơn vị của ông Bình tiếp tục nổ súng tấn công ở Trảng Bom. Với khí thế hừng hực, đoàn quân tiếp tục tiến đánh, chiếm sân bay Biên Hòa rồi cùng với các đơn vị bạn vượt sông Đồng Nai tiến thẳng vào Sài Gòn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bình vẫn nhớ như in cảm giác thôi thúc, rạo rực vào chiều ngày 29/4/1975. Thời điểm đó, tiểu đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 9 của ông được bổ sung thêm 2 trung đội, cùng 4 xe tăng, được lệnh đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Trên đường tiến vào Sài Gòn, đơn vị của ông Bình còn đối mặt một vài trận chống cự yếu ớt của quân địch nhưng không đáng kể.

“Trong đoàn quân chiến thắng, đơn vị của tôi tiến thẳng vào Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 lịch sử. Trên đường vào thấy người dân rất phấn khởi, kéo ra hết ngoài đường vẫy chào đoàn xe của quân giải phóng. Trong thời khắc lịch sử thiêng liêng đó, nhiều lần nước mắt chúng tôi đã trào ra. Để có ngày toàn thắng, biết bao đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống; có người hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn, cách ngày toàn thắng chỉ vài giờ đồng hồ…”, ông Bình xúc động nhớ lại.

Giữ trọn phẩm chất người lính Cụ Hồ

Sau ngày toàn thắng, ông Bình cùng đơn vị được cử lên biên giới tỉnh Sông Bé và Tây Ninh để trinh sát địa hình, truy quét FULRO. Đầu năm 1978, ông được cử đi học sĩ quan, trở thành sinh viên khóa 1 của Trường sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai).

Sau khi tốt nghiệp, ông Bình được Trường sĩ quan Lục quân 2 giữ lại làm giảng viên. Đến năm 1982, ông được điều về Trường quân chính Quân khu 4, sau đó về làm việc ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Trạch. Năm 2006 ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Trở về quê hương, người CCB ấy vẫn luôn hăng say trong lao động sản xuất và các hoạt động ở địa phương.

Khi nhắc đến ông Bình, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đều bày tỏ sự kính trọng, mến mộ một người CCB đầy nhiệt huyết, đã dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu bảo vệ quê hương, giải phóng miền Nam và phục vụ trong Quân đội. Khi về hưu ông đã đóng góp rất nhiều cho các phong trào ở địa phương. Hiện, ông Bình đang làm Bí thư Chi bộ thôn 4 và Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Quảng Trạch.

Không chỉ có vậy, ở xã Quảng Thạch, ông Bình còn được biết đến là một CCB làm kinh tế giỏi. Nhận thấy lợi thế trên mảnh đất của gia đình là vùng gò đồi, đất đai rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trọt và chăn nuôi.

Hiện, gia đình ông Bình có trang trại rộng 3ha, trong đó có 1ha rừng thông đã đến kỳ thu hoạch, 2ha trồng tiêu và các loại cây hoa màu như nghệ, nén. Ngoài ra, dưới tán vườn tiêu, ông Bình còn nuôi hơn 100 đàn ong mật, mỗi năm thu gần 200 lít mật. Chưa kể nguồn thu từ rừng, mỗi năm từ vườn tiêu, nén, chăn nuôi bò và ong mật, gia đình ông Bình có thu nhập gần 200 triệu đồng.

Từ nguồn lương hưu và trang trại, người CCB này đã nuôi 5 người con ăn học trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Có lẽ đó cũng là điều mà ông Bình thấy mãn nguyện nhất.

“Niềm hạnh phúc và tự hào của bản thân tôi không chỉ là được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mà sau khi đánh thắng quân xâm lược, tôi tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Quân đội đào tạo lên cao.

Nhờ vậy, hàng chục năm phục vụ trong Quân đội, bản thân đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng và Nhà nước, Quân đội giao phó. Tôi cũng rất tự hào về những đứa con của mình, tất cả 5 đứa đều có ý thức tự rèn luyện, vươn lên trong học tập, công tác mà không hề cậy thế, ỷ lại vào ai…”, ông Bình tự hào tâm sự.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202404/ven-nguyen-ky-uc-ngay-toan-thang-2217676/