Vẹn nguyên cảm xúc Tết Độc lập đầu tiên

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 2/9 trở thành ngày Tết Độc lập của mỗi người dân đất Việt. 76 năm đã đi qua, những người được sống trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân và ngày Quốc khánh mùa Thu năm 1945 thì vẫn còn vẹn nguyên.

Ông Đinh Thanh Xuân nói chuyện truyền thống cách mạng của quê hương với thế hệ trẻ xã Thượng Hòa. Ảnh: Trường Giang

Ông Đinh Thanh Xuân nói chuyện truyền thống cách mạng của quê hương với thế hệ trẻ xã Thượng Hòa. Ảnh: Trường Giang

Năm nay đã bước sang tuổi 93, cái tuổi khiến ông Lê Văn Thiêm, 74 năm tuổi Đảng, ở thôn Phúc Sơn 1, xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) đôi lúc quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng cảm xúc về ngày Tết Độc lập đầu tiên thì vẫn còn vẹn nguyên. Ông Thiêm kể: Trước ngày 2/9/1945, không khí trong làng Phúc Sơn đã rộn ràng niềm vui, sự phấn khởi bởi được sống trong khí thế hào hùng của một dân tộc vừa giành độc lập. Và khi được thông tin chính thức về sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ai cũng trào dâng niềm hạnh phúc. Mọi người kéo nhau ra đình làng Phúc Sơn để mít tinh chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước. Trên khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm tự hào, hãnh diện vì mình được làm dân của nước độc lập, được làm chủ cuộc đời và được làm chủ vận mệnh đất nước. Tất cả đều tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân sẽ ấm no, đất nước dân chủ, hạnh phúc và tiến bộ.

Niềm tin sâu sắc vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn đã thôi thúc chàng thanh niên Lê Văn Thiêm nô nức đi tòng quân để cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham gia bảo vệ chính quyền non trẻ. Nhiều năm sau đó, ông cùng với quân và dân các địa phương Ninh Bình, Nam Định… tham gia chiến đấu, lao động sản xuất. Đến năm 1973, ông chuyển nghề, công tác tại Công đoàn tỉnh Hà Nam Ninh.

Điều đáng trân trọng trong gia đình ông Lê Văn Thiêm, đó là truyền thống yêu nước, trách nhiệm với quê hương luôn được truyền qua các thế hệ con, cháu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, noi gương theo cha, người con trai cả và con trai thứ hai của ông là Lê Văn Liêm và Lê Văn Nghiêm khi mới học xong lớp 10 đã xung phong ra trận, tham gia chiến đấu và các anh đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam. Những đóng góp và sự hy sinh của gia đình ông Thiêm đối với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước trân trọng, tri ân.

Ông Thiêm chia sẻ: Chính khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã hun đúc trong tôi ý chí, khát khao hiến dâng tuổi xuân của mình cho cách mạng. Quá trình chiến đấu, công tác, tôi đã luôn vận dụng những bài học trong lịch sử Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng ta chỉ ra, đó là: trong mọi hoàn cảnh, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới; thực hiện tốt phương châm "lấy dân làm gốc" … Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp tôi dù ở bất cứ cương vị công tác nào cũng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao phó.

Đối với những người từng được sống, chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng của đất nước vào mùa Thu Cách mạng năm 1945 thì những ngày tháng ấy luôn đem đến cho họ những cung bậc cảm xúc khó phai. "Đó thật sự là những ngày vui sướng, một niềm hạnh phúc lớn lao mà có lẽ chỉ những ai đã từng sống trong cảnh nô lệ lầm than mới thấu cảm được một cách rõ ràng nhất!"- Lão thành cách mạng Đinh Thanh Xuân đã chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân và niềm hạnh phúc khi đón nhận thông tin về sự kiện trọng đại của dân tộc - ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

Lão thành cách mạng Đinh Thanh Xuân hiện sinh sống tại thôn Hữu Thường, xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan). Năm nay đã bước sang tuổi 94, sức khỏe giảm sút nhiều và trí nhớ cũng không còn mẫn tiệp, ấy vậy mà mỗi khi nói về những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và Tết Độc lập đầu tiên ông lại trở nên hoạt bát khác thường. Ông bảo: Hồi ấy thông tin liên lạc rất khó khăn nên chúng tôi đón nhận tin Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập thông qua cán bộ Việt Minh. Sau ngày 2/9/1945 ít hôm, bà con trong làng nhận được thông báo và tề tựu tại đình làng Hữu Thường để mít tinh chào mừng sự kiện trọng đại của dân tộc. Khi được các đồng chí cán bộ thông báo: "ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa", bà con trong làng vô cùng phấn khởi, nắm chặt tay nhau rồi hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm"! "Hồ Chủ tịch muôn năm"! Niềm hạnh phúc vỡ òa trong những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc bởi chúng tôi hiểu rằng sau đêm trường nô lệ đau thương và tủi nhục, từ đây chúng tôi đã là dân của một đất nước độc lập, tự do.

Trong miền ký ức của lão thành cách mạng Đinh Thanh Xuân, những năm tháng ông tham gia cách mạng vẫn như một dòng chảy bất tận và ở đó luôn tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ với tinh thần đấu tranh quả cảm. Ông hồi tưởng: Trước Cách mạng Tháng Tám, cũng như bao người dân ở khắp mọi miền đất nước, nhân dân Thượng Hòa phải sống trong cảnh lầm than dưới ách thống trị "một cổ ba tròng". Chính vì vậy mà lòng dân luôn căm phẫn bè lũ cướp nước và bán nước. Là một trong những thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, năm 1945, ông tham gia Mặt trận Việt Minh ở thôn Hữu Thường và được chọn cử vào Tổ tự vệ chiến đấu; được cử đi huấn luyện quân sự ở Phú Long và sau này trở thành huấn luyện viên quân sự cốt cán ở địa phương. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, ông tiên phong tham gia cùng các cán bộ Việt Minh, nhân dân trong xã vùng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến và thực dân Pháp, phát xít Nhật.

"Tôi được Mặt trận Việt Minh cử làm cán bộ hoạt động bí mật, tuyên truyền cách mạng và được giao nhiệm vụ tập hợp thanh niên, nông dân tham gia cao trào kháng Nhật. Chiều ngày 19/8/1945, tôi cùng quân, dân Tổng Vân Trình (khoảng hơn 100 người) đi thuyền tiến thẳng về trung tâm huyện để cùng với nhân dân thị trấn và các xã lân cận tham gia khởi nghĩa giành chính quyền huyện lỵ Nho Quan (sáng ngày 20/8/1945, chính quyền huyện lỵ Nho Quan chính thức về tay nhân dân). Đoàn quân khi đó khí thế hăng hái lắm, ai cũng mong muốn đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập nước nhà"- lão thành cách mạng Đinh Thanh Xuân nhớ lại.

Hôm chúng tôi tới thăm lão thành cách mạng Đinh Thanh Xuân còn có các bạn đoàn viên thanh niên của xã. Dưới gốc cây đa trong sân đình làng Hữu Thường-một trong những chứng tích lịch sử ghi dấu những chiến công oanh liệt của nhân dân Thượng Hòa qua các cuộc kháng chiến cứu quốc, mọi người như được lắng mình theo dòng cảm xúc của lão thành cách mạng Đinh Thanh Xuân. "Qua câu chuyện kể của lão thành cách mạng, lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ, thôi thúc chúng tôi - những thế hệ trẻ của nước nhà hôm nay thấy được trách nhiệm của mình, cần phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, góp sức mình dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của bao lớp cha anh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc"- Đồng chí Nguyễn Thị Ngân, Bí thư Đoàn xã Thượng Hòa khẳng định.

Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ven-nguyen-cam-xuc-tet-doc-lap-dau-tien/d20210901085427810.htm