Vén màn bí mật đằng sau cảnh quay võ thuật trong phim Trung Quốc

Đằng sau những phân cảnh võ thuật hoành tráng, đẹp mắt là những bí mật bất ngờ khiến khán giả thêm nể phục sức sáng tạo của đội ngũ làm phim.

Trang tin tức Sina (Trung Quốc) từng có bài viết tiết lộ các cảnh hậu trường thú vị trong phim truyền hình. Trong đó, bật mí cách đạo diễn quay các cảnh hành động, cưỡi ngựa khiến khán giả bất ngờ.

Theo Sina, cảnh tắm trong phim có thể được thực hiện dưới nước, nhưng để tiết kiệm chi phí và tạo hiệu ứng đẹp như khói bay lên khi nhân vật vận nội công, nhà sản xuất sử dụng công nghệ phun khói. Bồn tắm cũng không rộng rãi mà chỉ là một bình thủy tinh nhỏ để tiết kiệm nước, hoa. Trong ảnh trên là cảnh tắm gây tranh cãi của Viên San San trong Cung tỏa liên thành.

Khung cảnh trị thương sương giăng khói biếc, mờ mờ ảo ảo của Thẩm Mộng Thần thực chất được tạo nên từ những chiếc máy phun hơi nước mini. Nữ chính của chúng ta chỉ cần nhắm mắt và diễn thật sâu.

Khi thực hiện cảnh quay hành động, không phải diễn viên nào cũng có thể đá chân cao, do đó, đạo diễn đã sử dụng chân giả để thực hiện động tác võ thuật.

Không chỉ trong các cảnh cần dùng chân, tay giả cũng được sử dụng nhiều trong khi quay để tiết kiệm thời gian. Trong phim, nữ diễn viên hắc hóa, tay cô biến đổi, đạo diễn đã sử dụng tay của nhân viên hậu kỳ được trang điểm từ trước để cảnh quay diễn ra nhanh gọn.

Diễn viên Trần Khôn là người có nhiều kinh nghiệm đóng phim cổ trang hay các vai võ thuật. Tuy nhiên, trong một cảnh quay rượt đuổi, anh đóng giả đang phi ngựa nước đại, thực chất nam diễn viên ngồi trên xe tải đi trước, các diễn viên phụ đuổi theo sau. Sau khi kết thúc cảnh quay, chính Trần Khôn cũng bật cười vì khả năng "diễn sâu" của mình.

Trong phim Tuyệt đại song kiêu 2020 (Giang hồ thập ác), tài tử Hồ Nhất Thiên đóng vai Hoa Vô Khuyết được đạo diễn chỉ đạo tư thế cưỡi ngựa giả. Nam diễn viên được hướng dẫn tỉ mỉ vì đây là lần đầu tiên anh đóng phim cổ trang, chưa có nhiều kinh nghiệm diễn trên đạo cụ ngựa.

Trong ảnh, một đoạn quay diễn viên lên ngựa bỏ trốn mất rất nhiều thời gian. Đầu tiên, các diễn viên được treo dây cáp để phi lên thân ngựa giả. Sau đó, ngựa được thay bằng vật thật, diễn viên nữ cũng được đổi thành nam nghệ sĩ đóng thế.

Trong trường hợp khác như phim Tương Dạ 2, việc mang ngựa lên vùng núi cao, lạnh và bắt nó hợp tác liên tục khá khó khăn. Vì vậy, đoàn làm phim cũng phải để Vương Hạc Đệ đứng trên hai chiếc thùng và diễn với sự tưởng tượng. Vương Hạc Đệ hài hước chia sẻ: "Tôi học 20 phút là biết cưỡi ngựa".

Thịnh Nhất Luân và Vương Tử Văn ra sức đua trên hai chú ngựa giả trong phim Thái cổ thần vương.

Ngoài khung gỗ, nhân viên đoàn phim cũng được huy động để thay thế cho những chú ngựa.

Theo Sina, chi phí dành cho sản xuất phim và thời lượng ghi hình cũng ngày càng ít. Do đó, đội ngũ sản xuất phải nghĩ ra nhiều cách để cảnh quay diễn ra nhanh chóng. Trong đó, việc loại bỏ các diễn viên thú là điều dễ hiểu. Hiện tại, nhiều dự án hạn chế cảnh cưỡi ngựa mà sử dụng công cụ kéo hoặc để nghệ sĩ diễn "chay". Cách này mang lại nhiều tiện ích trong quá trình quay phim, đồng thời đảm bảo cho các diễn viên không bị thương nếu ngựa có vấn đề. Ví dụ Triệu Lệ Dĩnh khi đóng Cung tỏa trầm hương bị ngã ngựa dẫn đến vết thương ở lưng khiến cô đau đớn suốt nhiều năm.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ven-man-bi-mat-dang-sau-canh-quay-vo-thuat-trong-phim-trung-quoc-a587212.html