Về Yên Thế, nghe chuyện Bác Hồ

NDĐT- Trong hồi ức về những tháng ngày "đẹp nhất cuộc đời mình", ông nhớ như in những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời gian được phục vụ bên Người. Ông là Hoàng Tấn Quang, từng có hơn chín năm được gần Bác cho tới tận khi Người "về với Các Mác, Lê-nin"...

Ông Hoàng Tấn Quang.

NDĐT- Trong hồi ức về những tháng ngày "đẹp nhất cuộc đời mình", ông nhớ như in những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời gian được phục vụ bên Người. Ông là Hoàng Tấn Quang, từng có hơn chín năm được gần Bác cho tới tận khi Người "về với Các Mác, Lê-nin"...

Chúng tôi về thôn Tân Hồng (xã Đồng Tâm, Yên Thế, Bắc Giang) vào những ngày cuối tháng Tám lịch sử. Anh cán bộ phòng Văn hóa huyện đưa chúng tôi vào một nếp nhà đơn sơ nằm kế bên nhà văn hóa thôn, "đó là nhà cụ Quang, cụ ở cùng cụ bà vui thú điền viên chứ không ở cùng mấy anh con trai có nhà mấy tầng ngoài xã đâu".

Trong căn nhà đơn sơ ấy là những vật dụng đơn sơ như chính cuộc đời mình, run run mở ngăn tủ cũ kỹ, ông thận trọng lấy ra từng món đồ đã ở cùng ông từ lâu lắm rồi. Nghe cụ bà bảo, đó là kho báu của ông, ngày nào ông ấy cũng phải mang ra ngắm nghía, lau chùi một lần mới yên tâm. Nghe giọng trách móc quen thuộc của bà, ông lại cười và xúc động kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về chín năm được sống và làm việc bên Bác, những kỷ niệm như là báu vật của riêng ông.

Ông Quang còn nhớ như in cái ngày đầu năm 1960, khi ông cán bộ Nông trường Yên Thế (Bắc Giang) dẫn một người lạ mặt đến tận chỗ ông làm việc. Sau một hồi quan sát, hỏi han, hai người mời ông về văn phòng Nông trường. Tại đây, ông được người lạ mặt đề nghị về làm việc chăm sóc cây cối ở một cơ quan trung ương. Ông không ngờ mình được về chăm sóc vườn cây trong Phủ Chủ tịch, chăm sóc vườn cây cho Bác.

- "Lần đầu tiên nhìn thấy Bác khi đang lúi húi vun mấy gốc cam Bố Hạ mới trồng, tôi cứ đứng ngây người nhìn, đến cả chào Bác mà cũng không nói được thành lời". Giọng bồi hồi, ông Quang kể lại những ngày đầu mới bước chân vào Phủ Chủ tịch và được gặp Bác. "Khi biết tôi là công nhân nông trường được nhận về chăm sóc cây, Bác hay hỏi han và dạy bảo chúng tôi nhiều điều về cây cối. Gần Bác, mới thấy Bác rất yêu thiên nhiên và hiểu biết rất sâu về từng loại cây, thậm chí từng gốc cây trong khu vườn Phủ Chủ tịch".

Đầu năm 1965, ông Quang được phân công làm cần vụ cho Bác, ở vị trí này, ông được gần Bác nhiều hơn và cũng hiểu thêm nhiều điều về vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Không ít lần ông khóc vì cảm động, vì thương Bác và vì cả những lần mình làm việc không hết sức để Bác buồn. Đó là những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc, Bác đề ra chủ trương tiết kiệm một phần lương thực dành cho bộ đội và đồng bào miền nam đánh Mỹ. Bác là người thực hiện đầu tiên, bữa ăn cháo, bữa độn ngô. Rồi chuyện Bác nhờ ông vá chiếc chiếu rách, chuyện thay đôi guốc cũ bằng đôi dép mới, thay chiếc áo kiểu Tôn Trung Sơn đã sờn rách hay xây ngôi nhà trệt cho Bác đỡ phải leo cầu thang nhà sàn... Ông cầm tấm ảnh chụp khi cả nước tiễn đưa Bác, trong sáu người đứng dọc hai bên linh cữu, ông Quang đứng hàng đầu, bên trái linh cữu, mắt ông nhòe đi: Lúc đó, sáu chúng tôi đứng nghiêm trang lắm, nhưng cứ nghĩ đến Bác vừa nằm xuống là nước mắt lại trào ra. Nhắc mãi không được, một đồng chí, tôi cũng không nhớ tên nữa, chắc là bực quá chạy đến nói to "tôi lệnh cho các đồng chí không được khóc nữa" nhưng mắt ông ấy cũng đỏ hoe. Kể đến những việc đó, giọng ông Quang cứ nghẹn đi, và ông khóc, những giọt nước mắt hiếm hoi của người già...

Anh cán bộ đi cùng vội vàng đỡ ông dậy, vừa an ủi vừa dìu ông đi ra vườn. Đã quá quen với những xúc động của ông Quang mỗi lần nói chuyện về Bác nên anh đưa ông ra vườn cho thoáng đãng. Ở cái tuổi xấp xỉ tám mươi của ông, lại phải cái bệnh cao huyết áp thường gặp đối với người già, lẽ ra không nên có những xúc động thái quá. Thế nhưng chả có lần nào ông và những người tiếp chuyện ông lại không xúc động cả, nhất là khi nghe ông kể về những phút cuối cùng của Bác.

"Năm 1971, ông ấy xin về, và một mạch về thẳng quê chứ không đi làm ở nông trường nữa", bà Quang nãy giờ ngồi nghe thủng thẳng nói thêm, "nhìn ông ấy gầy xọp đi mãi đến khi tham gia công tác ở thôn thì mới lại người đấy". Quả thật, nghe ông kể hồi Bác mới mất, ông khóc Bác mà sụt liền sáu, bảy cân. Sau này về quê, tham gia công tác xã hội và chú tâm vào trồng, chăm sóc vườn cây nên cũng dần nguôi ngoai. Khu vườn của ông tuy nhỏ nhưng có nhiều loại cây lắm, một số cây có nguồn gốc từ chính những cây ông từng chăm sóc ở Phủ Chủ tịch do những cán bộ ở Ban Quản lý Lăng mang lên tặng. Ngoài ra, biết chuyện của ông, một số đoàn khách đến thăm cũng mang tặng ông các loại cây ở địa phương họ. Vườn cây giúp ông như lúc nào cũng cảm thấy hình bóng Bác ấm áp bên cạnh bảo ban.

Anh cán bộ Phòng Văn hóa huyện kể, hồi còn khỏe, ông thường xuyên đi kể chuyện truyền thống cho học sinh các trường trong huyện, nhiều nhất là những câu chuyện về Bác. Đang tư lự bên gốc bưởi Diễn trái vàng suộm, ông quay lại, mắt ngời sáng: Tôi kể chuyện về Bác các cháu thích lắm, nhiều đứa nghe rồi còn tìm về tận nhà đòi nghe, xem ảnh nữa đấy.

VIỆT DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/24158302-ve-yen-the-nghe-chuyen-bac-ho.html