Về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) đến nay, Đảng ta đã đề ra việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Bản chất của Nhà nước này là Nhà nước của dân, do dân, vì dân và đi theo con đường XHCN. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm nêu bật vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, về cả 2 phương diện: một là, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; hai là, mọi cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức nhà nước cũng như mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Vì thế, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cần được thực hiện trên hai phương diện nói trên.. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là. trách nhiệm của Quốc hội, bởi trọng tâm hoạt động của Quốc hội là công tác lập pháp. Quốc hội đã và đang tiếp tục thực hiện định hướng trên một cách tích cực và hiệu quả. Việc nâng cao nhận thức của công dân về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân là một vấn đề bức xúc lâu nay ở nước ta. Việc vi phạm pháp luật, không nghiêm túc chấp hành pháp luật xảy ra phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông vận tải. Sự nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân ta thực sự rất mờ nhạt, là một vấn đề cơ bản cần được nhấn mạnh và có giải pháp trong văn kiện của Đảng và Nhà nước, song song với vấn đề xây dựng luật pháp. Đổi mới quản lý nhà nước (QLNN) về kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Trong mọi lĩnh vực quản lý của Nhà nước thì QLNN về kinh tế có ý nghĩa hàng đầu, bởi sự phát triển kinh tế là trung tâm của sự phát triển đất nước và của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay ở các nước tư bản phát triển, qua cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế vừa qua, các Nhà nước ở đấy đã phải nhấn mạnh đến việc gia tăng và đổi mới QLNN đối với khu vực tài chính và cả nền kinh tế. Nước ta, vừa chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, tất yếu phải có sự QLNN về kinh tế, hơn nữa, phải tiếp tục đổi mới việc quản lý ấy. Vấn đề quan trọng là quản lý theo phương thức nào? Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: QLNN về kinh tế là quản lý vĩ mô nền kinh tế nhằm mục tiêu phát triển theo định hướng XHCN, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cụ thể là thực hiện các cân đối vĩ mô, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, hệ thống an sinh xã hội, phát triển nền giáo dục - đào tạo, khoa học-công nghệ, nâng cao dân trí, sức khỏe nhân dân, tạo nguồn lực, nguồn thông tin, mở đường giao lưu kinh tế quốc tế... Mặt khác, nó phải có biện pháp phòng tránh chu kỳ khủng hoảng của kinh tế thị trường và hạn chế rủi ro và tác động tiêu cực của thị trường. Trong QLNN về kinh tế thì quản lý khâu phân phối có vai trò quan trọng đối với sự phát triển. Xét về sự công bằng xã hội theo mục tiêu của chủ nghĩa xã hội thì sự phân phối thu nhập hiện nay là bất hợp lý và nó đã trở thành một vấn đề xã hội quan tâm. Hơn nữa, phân phối như thế đã gây nên những tiêu cực, những tệ nạn xã hội nhất định làm giảm động lực của người lao động đối với sản xuất và tác động nhất định đến ưu việt của Nhà nước XHCN và chủ nghĩa xã hội nói chung. Phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước là yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và của việc cải thiện đời sống nhân dân đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và có nhiều giải pháp tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Các giải pháp đó bao gồm việc đổi mới các cơ chế quản lý kinh tế - tài chính, tài sản công, ngân sách nhà nước... đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành và thực hiện Luật Phòng, Chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Khiếu nại, tố cáo, hoàn thiện cơ chế dân chủ, thực hiện việc giám sát, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm chỉnh, tăng cường giáo dục chính trị và phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên v.v. Cùng với các giải pháp toàn diện và sự quyết tâm nói trên của Đảng và Nhà nước lại được nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia thì việc phòng, chống tham nhũng nhất định sẽ mang lại kết quả. Tuy vậy, với thực trạng tình hình tham nhũng, lãng phí như hiện nay, nếu cứ tiến hành như lâu nay e rằng không dứt điểm thành công, mà nên nghiên cứu và đề ra một số giải pháp có tính đột phá như bảo đảm cho đa số có mức sống trung lưu của xã hội và có những phúc lợi ưu việt hơn, riêng đối với những người có tài năng cần có mức lương cao đặc biệt và có sự ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, có chủ trương nghiêm trị những hành vi tham nhũng. Ngoài ra, trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nên tạo thành một phong trào quần chúng giám sát một cách tích cực và năng động hoạt động của cán bộ, công chức Nhà nước và cơ quan công quyền đặc biệt là sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã hội, các hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng. Quyền lực Nhà nước pháp quyền XHCN là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp quyền lực tất nhiên bao gồm cả việc kiểm tra, giám sát quyền lực, cả việc phản biện xã hội như là một yêu cầu, một điều kiện của Nhà nước pháp quyền đồng thời là những vấn đề của việc xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay. PGS Nguyễn Văn Ninh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=19810&menu=1427&style=1