Về việc xếp lương theo bằng cấp

Ông Nguyễn Lê (lenguyenhn88@...) tốt nghiệp hệ cao đẳng và tiếp tục theo học hệ liên thông đại học. Tháng 6/2012 ông Lê trúng tuyển làm kế toán tại trường mầm non. Do điều kiện chỉ xét tuyển người có bằng đại học, cao đẳng chính quy, nên ông Lê đã làm đơn xin xét tuyển theo bằng tốt nghiệp cao đẳng.

Sau khi trúng tuyển cơ quan xếp lương ông Lê theo hệ cao đẳng (hệ số 2,1). Ông Lê hỏi: Việc xếp lương của ông như vậy có đúng quy định không?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Đào tạo liên thông

Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 4 Bản Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học (Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định thì đối tượng đào tạo liên thông là những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng có nhu cầu học tập lên trình độ cao đẳng hoặc đại học.

Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

Văn bằng tốt nghiệp

Văn bằng tốt nghiệp đào tạo liên thông được quy định tại Điều 13 của Bản quy định này như sau:

Người học theo hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, sau khi kết thúc khóa học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ chính quy, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy.

Người học theo hình thức vừa làm vừa học, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học, sau khi kết thúc khóa học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ vừa làm vừa học, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.

Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức

Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Điều 22 Luật Viên chức quy định điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức như sau:

- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

- Có đơn đăng ký dự tuyển;

- Có lý lịch rõ ràng;

- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

- Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Trường hợp ông Nguyễn Lê đã tốt nghiệp cao đẳng sau đó liên thông lên đại học và đã được cấp bằng tốt nghiệp đại học. Theo Bản Quy định Đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học (Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/2 /2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì đào tạo liên thông là quá trình đào tạo, không phải là hệ đào tạo. Tại Điều 13 của Bản Quy định này quy định văn bằng đào tạo liên thông chỉ có 2 loại bằng tốt nghiệp là bằng tốt nghiệp hệ chính quy và bằng tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học, tương ứng với việc thực hiện quy chế tuyển sinh và quy chế đào tạo cao đẳng, đại học hiện hành. Do ông Lê không nêu rõ ông được cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy, hay bằng tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học. Vì vậy, để biết đơn vị tuyển dụng xếp lương có đúng với nhu cầu công việc, vị trí việc làm không, đề nghị ông Lê tham khảo hai tình huống sau:

- Nếu ông Lê liên thông học đại học theo hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường, thực hiện đúng quy chế về tuyển sinh, quy chế đào tạo đại học hệ chính quy, sau khi kết thúc khóa học, ông Lê được cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Trường hợp này văn bằng ông được cấp đáp ứng điều kiện tuyển dụng. Khi lập hồ sơ dự tuyển ông Lê đã đăng ký và nộp bằng đại học chính quy như yêu cầu tuyển dụng, thì khi trúng tuyển vào viên chức ông được xếp lương theo trình độ đại học, sau khi hoàn thành chế độ tập sự, ông Lê được hưởng 100% lương bậc 1, hệ số 2,34.

- Nếu ông Lê liên thông học đại học theo hình thức vừa làm vừa học, thực hiện quy chế về tuyển sinh, quy chế đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học, sau khi kết thúc khóa học, ông Lê được cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học. Như ông Lê phản ánh, điều kiện tuyển dụng là phải có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy. Do không có văn bằng đại học hệ chính quy, chỉ có văn bằng cao đẳng hệ chính quy, nên ông Lê đã đăng ký dự tuyển theo bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy để đáp ứng điều kiện tuyển dụng. Trường hợp này khi trúng tuyển vào viên chức ông Lê được xếp lương theo trình độ đào tạo cao đẳng, sau khi hoàn thành chế độ tập sự, ông được hưởng 100% lương bậc 1, hệ số 2,1.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

Xếp lương đối với hệ cao đẳng

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/ve-viec-xep-luong-theo-bang-cap/20128/147567.vgp