Về tin đồn 'nới tay' ở cụm thi THPT tại địa phương, giám thị nói gì?

Việc giao cho các địa phương chủ trì kỳ thi “2 trong 1” nhận được sự ủng hộ của dư luận, khi giảm áp lực đi lại cho thí sinh và người nhà, nhưng lại khiến không ít người lo về chuyện thiếu công bằng trong một kỳ thi quan trọng.

Giáo viên làm nhiệm vụ coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Hải Nguyễn

Người đỗ đại học phải là người xứng đáng!

Những hình ảnh được coi là “đặc sản” của những mùa thi trước, như phụ huynh vạ vật ở cổng trường chờ con, kẹt đường, quá tải tàu xe trong những ngày thi đã không còn xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Thay vào đó là hình ảnh hàng nghìn giảng viên các trường đại học về địa phương, nhận nhiệm vụ coi thi, giám sát kỳ thi THPT quốc gia cùng với các giáo viên đang giảng dạy và công tác ở tỉnh.

Tuy nhiên, việc giao cho các địa phương chủ trì kỳ thi “2 trong 1” cũng khiến không ít người lo về chuyện thiếu công bằng giữa các cụm thi. Có hay không việc giáo viên, vì thương học trò, vì bệnh thành tích nên “rỉ tai” các giám thị trên thành phố về nhận nhiệm vụ phối hợp coi thi ở tỉnh “nới lỏng tay” để học sinh đỗ tốt nghiệp? Nhất là sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2017 kết thúc, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều luồng thông tin nói về tính công bằng trong công tác coi thi giữa các cụm - điểm thi.

Về vấn đề này, cô Trần Hương Giang – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát tại điểm thi THPT Hồng Đức, phường Quang Trung, TP. Uông Bí (Quảng Ninh) - chia sẻ: “Trong kỳ thi này, một giảng viên đại học làm nhiệm cùng một giáo viên ở tỉnh. Các cán bộ coi thi được sở GDĐT địa phương tập huấn rất chuyên nghiệp, có kỹ năng tốt, làm nhiệm vụ rất nghiêm túc. Hơn nữa đây là kỳ thi tích hợp, không chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT mà còn xét tuyển vào các trường đại học. Chúng tôi - những giảng viên đại học – luôn mong muốn những người đặt chân vào giảng đường phải là người xứng đáng nhất. Không có chuyện chúng tôi giúp đỡ thí sinh ở dưới tỉnh, tạo sự không công bằng với các học sinh ở trên này. Điều đó hoàn toàn không có ở điểm thi của chúng tôi”.

Cô Giang cũng nói khi xuất hiện luồng thông tin trên mạng xã hội nói về việc giáo viên ở tỉnh coi thi lỏng lẻo, cô và nhiều đồng nghiệp – là giảng viên, cùng được cử về tỉnh coi thi – rất bức xúc. Cô cũng khuyên các thí sinh tại cụm thi ở thành phố yên tâm về tính công bằng của kỳ thi, không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Giám thị coi thi nghiêm túc sẽ đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh dự thi ở những cụm thi khác nhau. (Ảnh minh họa: Hải Nguyễn)

Không dại dột “đánh cược” danh dự

Những năm gần đây, không ít cán bộ, giám thị đã bị kỷ luật vì để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong thi cử tại điểm thi, phòng thi nơi mình làm nhiệm vụ. Ngay trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, cũng có giám thị bị nhắc nhở vì để thí sinh mang đề thi ra khỏi phòng.

Năm nay, các giảng viên đại học đi “tác nghiệp” trên “sân khách”, về địa phương làm nhiệm vụ coi thi nên chịu nhiều áp lực về tâm lý, nhưng không có nghĩa họ bất chấp “đánh cược” danh dự của bản thân và nhà trường. Bởi quy trình thi cử nhiều thủ tục, khâu nào cũng cần chính xác nghiêm ngặt, “sai một li đi một dặm” và có thể bị kỷ luật rất nặng.

“Công tác coi thi là vấn đề cốt tử, có tính chất quyết định đến sự thành công hay thất bại của kỳ thi THPT quốc gia. Trước khi đi làm nhiệm vụ, chúng tôi đã được tập huấn rất kỹ. Chúng tôi cũng không dại vì nể nang mà làm việc không nghiêm túc. Bởi nếu để học sinh mang tài liệu, hay quay cóp trong phòng thi, chúng tôi sẽ bị xử lý rất nặng” - thầy Nguyễn Tuấn Khoa - giảng viên khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cán bộ làm công tác coi thi tại 1 điểm trường ở Quảng Ninh chia sẻ.

Cũng theo thầy Khoa, tất cả các cán bộ làm công tác coi thi đều đã qua thời học trò, nên những mánh khóe của học sinh không bao giờ “qua mắt” được.

Và “bí quyết” để học sinh nghiêm túc làm bài theo thầy Khoa là trước khi vào phòng thi, giám thị phải nghiêm khắc ngay từ đầu, nhắc đi nhắc lại quy chế thi để cảnh báo thí sinh. Bởi việc coi thi nghiêm túc chính là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi giám thị, để đảm bảo công bằng cho kỳ thi, cho những học sinh khác và bảo vệ danh dự cho chính bản thân mình.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/ve-tin-don-noi-tay-o-cum-thi-thpt-tai-dia-phuong-giam-thi-noi-gi-678524.bld