Về thủ phủ hoa hồng ở đất 'vua bà'

Đền Hai Bà Trưng, Di tích quốc gia đặc biệt thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, H.Mê Linh (TP.Hà Nội) luôn thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Đây là vùng đất nơi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Vùng đất này có hàng chục năm truyền thống trồng hoa cảnh, đặc biệt được mệnh danh là thủ phủ hoa hồng lớn nhất miền Bắc vì hầu hết diện tích ở đây chuyên canh hoa hồng.

Ông Đặng Chu Đồng thuộc lớp cao niên trong nghề trồng hoa tại xóm ao Sen, xã Mê Linh (H.Mê Linh, TP.Hà Nội) đang chăm sóc vườn hoa của gia đình. Ảnh: B.Nguyên

Hoa hồng nở quanh năm, nhưng khi vào đông, những cánh đồng hoa hồng ngút ngàn tầm mắt khoe sắc thắm trong giá rét, hương hoa cũng nồng nàn hơn đã trở thành nét hấp dẫn của những làng nghề truyền thống trồng hoa hồng ở Mê Linh. Đây cũng là thời điểm làng hoa này rộn ràng vào mùa chăm hoa Tết và thị trường sôi động nhất trong năm.

* Quanh năm thắm sắc hoa

Theo những hộ nông dân trồng hoa ở xã Mê Linh, trước khi trở thành vùng đất hoa hồng, vùng đất này chủ yếu chuyên canh các loại rau, màu cung cấp cho Hà Nội và làm rau xuất khẩu. Khoảng từ năm 1992, một số hộ gia đình ở đây bắt đầu chuyển sang trồng hoa hồng cắt cành cung cấp ra thị trường. Diện tích trồng hoa không ngừng được nhân rộng rồi nhà nhà đều chuyển sang nghề trồng hoa vì mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao. Từ hàng chục năm nay, nơi đây trở thành vùng chuyên canh hoa với hơn 90% diện tích trồng hoa hồng.

Ông Đặng Chu Đồng thuộc lớp cao niên trong nghề trồng hoa tại xóm ao Sen, xã Mê Linh chia sẻ, gia đình ông là một trong những hộ sớm nhất của làng chuyển đổi từ làm rau sang trồng hoa hồng cắt cành. Ông là cán bộ xã, trồng hoa hồng chỉ là nghề tay trái nhưng lại cho thu nhập chính. Ông Đồng nhớ lại: “Diện tích vườn hoa hồng cắt cành của hai vợ chồng tôi chỉ rộng khoảng 400m2. Hoa được vợ chồng tôi cắt cành chở lên Hà Nội bán. Lúc đắt hàng, 1 cành hồng bán được 5-6 ngàn đồng nên 1 năm thu hoạch tôi đủ tiền mua được chiếc xe Cup 82 với giá gần 30 triệu đồng, tương đương 9 nền đất ở với diện tích 150m2/nền thời điểm đó”.

Bà Nguyễn Thị Hường, một trong những chủ vườn có thâm niên trong nghề trồng hoa ở xã Mê Linh chia sẻ: “Nghề trồng hoa rất vất vả nên có người gần 50 tuổi đã giao lại vườn cho con cháu. Bản thân tôi nhờ có sức khỏe tốt nên dù ở tuổi 56, tôi vẫn tự quản lý 3 vườn hoa vừa trồng hoa, cắt cành, vừa làm hoa bonsai”. Theo bà Hường, nghề trồng hoa đã có từ thời cha mẹ nên từ bé bà đã biết chăm sóc hoa rồi gắn bó đến bây giờ. Trồng hoa đã trở thành nghề truyền thống trong gia đình, mấy anh chị em trong gia đình bà đều theo nghề này.

Theo các nhà vườn trồng hoa ở Mê Linh, đây là vùng đất lịch sử thu hút rất đông du khách về thăm nên vùng hoa cũng được nhiều nơi biết tiếng. Ngoài chuyên canh hoa hồng, địa phương còn nổi tiếng làm được nhiều giống hoa đẹp như: hoa ly, hoa cúc…

Tuy các gia đình trồng hoa trong làng đều do hai vợ chồng cùng làm nhưng người phụ nữ vẫn quán xuyến chính vì không chỉ làm hết các khâu trồng, chăm sóc hoa mà còn phụ trách chính trong việc cắt cành đưa ra chợ đầu mối hay đi bán trực tiếp cho khách lẻ. Phụ nữ cũng rất giỏi trong việc uốn cây, tạo ra nhiều thế cây hoa đẹp. Bà Hường cho biết thêm: “Phụ nữ ở vùng đất nữ hào kiệt này vất vả lắm, suốt ngày trên đồng, tối về lại tranh thủ làm các phụ kiện, dụng cụ cho vườn hoa nhưng trồng hoa làm đẹp cho đời nên luôn vui tươi như dân gian thường nói “tươi như cô hàng hoa”.

* Lan tỏa nghề đi khắp muôn nơi

Qua thời gian, vùng đất trồng hoa truyền thống Mê Linh không chỉ được nhân rộng về diện tích mà sự đa dạng, chất lượng hoa cũng không ngừng được đầu tư nâng cấp.

Ông Đặng Chu Đồng cho biết thêm, từ xã Mê Linh, người dân 11 xã khác của H.Mê Linh đều học hỏi và chuyển sang nghề trồng hoa, tuy nhiên xã Mê Linh vẫn là vùng trồng hoa lớn nhất của huyện, thời cao điểm, diện tích trồng hoa của xã lên đến hơn 240ha. Xã có 3 thôn được công nhận làng nghề trồng hoa. Theo ông Đồng, hiện nay, quỹ đất để trồng hoa ngày càng thu hẹp, những người con trong làng tỏa đi khắp nơi tìm đất trồng hoa. Con trai ông cũng lên Sa Pa thuê vài ha đất để trồng hoa. Nhiều người ở làng hoa cũng đem tay nghề này tỏa đi nhiều nơi và trở thành những “trùm” hoa ở các tỉnh, thành khác trong cả nước như: Hà Giang, Lào Cai…

Anh Nguyễn Duy Thành ở xóm Ao Sen, xã Mê Linh (H.Mê Linh) chăm sóc vườn hoa của gia đình

Ở làng hoa truyền thống này, nhiều người trẻ nối nghiệp gia đình với tư duy năng động hơn nên mang lại nhiều nét mới cho làng nghề truyền thống. Anh Nguyễn Duy Thành 27 tuổi, một trong những chủ vườn có diện tích trồng hoa lớn ở xã Mê Linh cho hay, từ cấp 2 anh đã phụ cha mẹ chăm hoa. Người trẻ ở làng nghề này nối tiếp thế hệ trước ở tính chịu thương, chịu khó nên có tay nghề giỏi. Họ lại có sự năng động, sáng tạo trong ứng dụng nét mới nên nhập thêm nhiều giống hồng ngoại về lai tạo cho thêm đa dạng sản phẩm. Nhiều nhà vườn trong vùng không chỉ chăm hoa đẹp mà còn rất sáng tạo trong kỹ thuật uốn cây, tạo được nhiều hình dáng hoa hồng bonsai độc đáo, đẹp mắt như: hình cổng hoa, khuê văn các, hình cánh hoa, thuyền hoa...

Ngày nay, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn, các nhà vườn càng phải đầu tư chăm chút, tỉ mỉ ở từng khâu để làm ra hoa đẹp. Nhiều bạn trẻ nối nghề năng động hơn thế hệ trước trong khâu kết nối, mở rộng thị trường.

Chị Vũ Như Hảo, cô gái của làng hoa Mê Linh vừa trồng hoa vừa kinh doanh online mặt hàng này cho biết: “Vùng này có rất nhiều phụ nữ là chủ vườn hoa, vừa giỏi nghề chăm hoa, vừa năng động trong bán hàng. Trong đó, bán hàng online các sản phẩm làng nghề truyền thống đang là xu hướng được giới trẻ ở làng quan tâm khai thác”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/ve-thu-phu-hoa-hong-o-dat-vua-ba-e9466d4/