Về Thái Bình nghe xẩm

Một năm bốn lần, không gian ấm cúng nơi nhà thờ tổ nghề hát xẩm ở An Cầu, Quỳnh Phụ, Thái Bình của Bùi Công Sơn lại rộn ràng làn điệu từ xẩm, chầu văn, chèo, quan họ… do các nghệ nhân, nghệ sĩ khắp nơi tụ về giao lưu, tạo thành chiếu chơi đậm dày bản sắc.

Một ngày đầu thu, nghệ sĩ hát xẩm Bùi Công Sơn, anh em tứ chiếng quen gọi Xẩm Sơn, rủ rê: “Em chuẩn bị làm chiếu xẩm mùa thu ở quê, giao lưu nghệ sĩ dân gian các vùng Sơn Nam thượng - hạ và cả quan họ Kinh Bắc”.

Hỏi chuyện thêm, mới biết cái vụ “nhất niên tứ kỳ” là cuộc chơi ngẫu hứng của Xẩm Sơn kết hợp với Việt Anh - người sáng lập cộng đồng Di sản Việt - từ khi lập nên nhà thờ tổ nghề xẩm năm 2020, mục đích để nghệ sĩ, nghệ nhân các thế hệ có dịp tụ tập, gây dựng phong trào và lan tỏa đam mê làn điệu dân gian truyền thống đến người yêu văn hóa và di sản Việt. Xuân - hạ - thu - đông, Bùi Công Sơn quy tụ các anh tài trong làng chèo, xẩm, quan họ, ca trù, hát văn… tụ họp về nhà thờ tổ nghề xẩm để giao lưu lời ca, ngón đàn; người tham dự đều là người trong nghề, đếm ra có đến ba thế hệ, trừ số ít ỏi là xóm giềng thân quen, bởi thế, một chuyến về thăm chiếu xẩm là không thể chối từ.

Kẻ lười kể xẩm

Điểm qua đôi nét chân dung Bùi Công Sơn, 25 tuổi, hiệu là Thanh Phong lãn nhân - hiểu nôm na là một kẻ… thoảng lười như gió. Lười ở góc độ nào chưa rõ, riêng với xẩm, sự “lười” ấy kéo dài đã tròn 15 năm, để thành quả là 11 giải nhất về hát xẩm ở các tỉnh thành phía Bắc, trong đó có 2 giải toàn quốc.

Nghe Sơn hát xẩm, người đời hay ví chất giọng và phong cách xẩm chợ giống cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, đặc biệt là lối kể chuyện nhặt khoan, réo rắt, cả phần ai oán đậm chất đời. Hỏi về xẩm chợ, Bùi Công Sơn tâm sự: “Tôi thích đời nên chọn xẩm chợ. Xẩm có tính kể chuyện, nhưng cái khó phải kể cho người nghe thấu cảm và rung động theo nội dung câu chuyện, thế nên gọi là hát nhưng thực ra là kể. Tôi theo xẩm, nhiều người bảo tôi là truyền nhân của cụ Hà Thị Cầu, tôi không dám nhận, vì tôi chưa học cụ ngày nào cả, năm tôi lên 13 tuổi thì cụ đã đi rồi”.

Xẩm Sơn đang so dây, học hỏi cùng nghệ nhân đàn nhị Nguyễn Văn Oánh.

Sơn lún vào nghệ thuật hát xẩm sâu đến độ được giới văn nghệ các vùng Sơn Nam định danh là Xẩm Sơn. Vừa nghiên cứu, vừa học hỏi từ các bậc thầy về xẩm khắp đất Bắc, nhưng giai đoạn ra nghề với Sơn, không phải là cơ hội đứng trên sâu khấu, mà là những chuyến ngang dọc chợ đời.

Sơn kể: “Từ 6 năm trước, tôi đã dành hơn 4 năm đi các chợ quê Bắc bộ để hát xẩm, bởi đó là không gian sống thực. Mục đích trải nghiệm đời, có người thích nghe, người xua đuổi. Giữa chợ đời, tôi phải cố gắng là tôi, và đón nhận mọi yếu tố tác động, đã ra chợ thì không bao giờ như ý mình muốn cả. Thời lang bạt ấy giúp tôi hiểu đời hơn”.

Một điều Xẩm Sơn ngộ ra từ những lần “chinh chiến” chợ quê, là “Nhiều nơi không biết về xẩm, dù xẩm từng hiện diện nơi ấy, bởi có thời gian dài xẩm bị bài trừ, cấm đoán, đến khi khôi phục vẫn còn định kiến, nên nhiều người tận bây giờ cũng không thích mấy vì họ chưa hiểu, chưa thấy cái tốt của xẩm, toàn nghĩ xẩm là âm nhạc của người nghèo. Rồi định nghĩa phong kiến, hủ lậu, phải bài trừ, đa phần người ta muốn cái mới, hào nhoáng, sang trọng, bề ngoài hơn. Nhiều người trong nghề vì cơm áo lại chuyển thể xẩm theo kiểu ăn chơi, thô tục, giật tóc móc mắt… chứ không thơ đàn cầm ca nhã nhặn, thanh tao như cổ nhân”.

Sân chơi của đam mê

Ở thời buổi kim tiền, hiếm cuộc hội ngộ các hảo thủ văn nghệ dân gian quy tụ về một mối như chiếu xẩm của Bùi Công Sơn. Mùa thu năm nay, Xẩm Sơn chọn chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành” để tri ân công ơn hai người mẹ (bà ngoại và bá): “Từ bé tôi sống với ông bà ngoại, năm 18 tuổi ông mất, chưa kịp báo đáp. Nay chỉ mong bà và bá mạnh khỏe, sống lâu để nhìn thành quả con cháu”. Ngay trong buổi giao lưu chiếu xẩm, Đại đức Thích Thông Đạt - một người nghiên cứu chuyên sâu và thể hiện thuần thục nhiều làn điệu dân ca quan họ, nghệ thuật hát chèo - bày tỏ sự đồng tình: “Bách hạnh hiếu vi tiên - Trăm việc đạo hạnh, hiếu thảo là trên hết”.

Xẩm chợ khác với xẩm sân khấu, bởi để cuốn hút người nghe, người hát phải có khả năng chơi nhiều nhạc cụ, thuộc nhiều bài hát, nhiều làn điệu, có bài dài hơn một tiếng. Xẩm chợ phô diễn gần như trọn vẹn tinh hoa của nghề xẩm”

Bùi công Sơn

Gần 50 nghệ sĩ, nghệ nhân văn nghệ dân gian ở Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội… cùng tụ tập trước nhà thờ tổ nghề xẩm do Sơn một tay xây dựng, hoàn thiện từ 2020. Có mặt trong lần hội ngộ này, nghệ nhân đàn tam Xuân Vần, 71 tuổi, người Quỳnh Thọ - Thái Bình, tự hào kể: “Mười tuổi tôi đã theo các chiếu chèo, ngày xưa văn nghệ dân gian đông vui lắm, còn phải bán vé cơ mà. Rồi có thời gian bị gián đoạn, gánh hát, hội nhóm tan rã hết. Giờ đang có phong trào lại, tôi thường được mời đi diễn, đi tế lễ ở đền, chùa. Còn những lần hội ngộ cháu Sơn tổ chức, tôi đến tham gia góp vui, vì đam mê thôi, gọi là sống vui sống khỏe, không tính toán gì cả. Gặp gỡ thế này giúp cho phong trào văn nghệ mạnh dần lên”.

Đến chiếu xẩm của Bùi Công Sơn, nghe được các làn điệu chèo, hát văn, ca trù, quan họ… cùng các ngón đàn kỹ thuật từ các nghệ nhân dân gian, trong đó điểm nổi bật là nghệ thuật hát xẩm. Để có được những thành quả và khả năng tập hợp nghệ nhân dân gian, Xẩm Sơn bảo: “Gây dựng phong trào thì dễ, nhưng duy trì và phát triển mới khó. Hát xẩm cũng vậy, ban đầu nhiều người theo vui lắm, nhưng rớt dần, cả thèm chóng chán, hoặc chạy theo thị trường. Cuộc sống không khiến người ta hy sinh cho nghệ thuật được, phải kiếm cái ăn trước. Theo dân gian, cổ truyền thì mất thời gian và chưa thấy lợi nhuận đâu cả nên không nhiều người kiên nhẫn với nó. Còn tôi quan niệm văn hóa là để trao đổi, giao lưu, không phải để kinh doanh, để bán”.

Giây phút xúc động nhắc về công dưỡng dục của ngoại và bá, hai người mẹ trong đời Xẩm Sơn.

Chỉ là buổi giao lưu nhỏ gọn, nhưng thấy rõ ở người tham dự tấm chân tình dành cho nghệ thuật. Nghệ sĩ Khánh Toàn, một “liền anh” từ quê hương quan họ Kinh Bắc đến với chiếu xẩm, giữ kẽ khúc dạo đầu để cùng thưởng thức các làn điệu chèo, hát chầu văn, rồi xẩm… mãi đến khúc “giã bạn” chia tay đến bịn rịn ra đường làng mới bắt đầu níu kéo bằng những làn điệu quan họ ngân nga, da diết, thật chẳng nỡ rời xa.

Nhà thờ tổ nghề hát xẩm cũng là không gian Bùi Công Sơn tiếp nhận nhiều nhạc cụ dân gian do chính các nghệ nhân, nghệ sĩ đến giao lưu, yêu quý dành tặng, có cả tài liệu về sách báo, hình ảnh, băng ghi âm được Xẩm Sơn sưu tầm từ các thế hệ đi trước, hợp thành một không gian vừa là thờ tự các vị tổ nghề và hậu tổ, vừa là điểm đến để anh em trong nghề giao lưu, tham khảo tài liệu, chia sẻ kiến thức, với lý do cực đơn giản: “Giữ cho được hồn cốt của các cụ, phải bền chí, không thể là ngày một ngày hai mà thành được”.

Bài và ảnh: Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ve-thai-binh-nghe-xam-41226.html