Về Tam Giang, Tam Quang, nghẹn câu 'hồn treo cột buồm'

'Biết đi biển nhiều rủi ro, có bận em ngăn, nói anh ở nhà cùng đi làm công nhân, vợ chồng con cái đói no có nhau. Nhưng chỉ được hai tháng thì ảnh (anh) kêu nhớ biển quá nên lại xin tàu để được ra khơi…', chị Đặng Thị Bình, vợ ngư dân Lương Ngọc Anh mất tích trên biển, ngậm ngùi.

Người thân của những ngư dân mất tích làm hình nhân bằng đất sét, đặt trong quan tài để tổ chức tang lễ theo phong tục địa phương. (Ảnh: Hoài Văn)

13 ngư dân mất tích trên hai tàu chìm QNa 090129 TS và QNa 90927 TS vẫn chưa được tìm thấy. Người thân dùng hình nhân đất sét đặt trong quan tài, làm lễ chôn cất theo phong tục.

Chiếc tàu câu mực QNa 90129 TS (giữa) trước khi gặp nạn.

Gian nan nghề câu mực

Ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho hay, tàu câu mực thường lớn, trên tàu số lượng ngư dân từ 40 – 50 người. Chủ tàu khi đưa các ngư dân ra khơi thì mỗi người ngồi trên thúng, tự câu và hưởng theo sản lượng sau khi trừ chi phí hao tổn và trích % cho chủ tàu. Đây là nghề truyền thống đem lại thu nhập cho bà con, tuy nhiên, đặc thù tàu câu mực thường trang bị các giàn phơi trên cao nên nhìn con tàu khá cồng kềnh.

Tàu câu mực thường trang bị những giàn phơi phía trên.

“Những thuyền trưởng lái tàu thường phải dày dặn kinh nghiệm xử lý các tình huống khi vươn khơi, sóng to, gió lớn. Thuyền trưởng Lương Văn Viên cũng là một trong số ngư dân giỏi, nhiều lần cứu người gặp nạn ngoài khơi. Năm trước, chiếc tàu của ngư dân ở địa phương bị chìm, chính tàu ông Viên đã cứu được toàn bộ ngư dân gặp nạn”, ông Vinh cho biết.

Thuyền trưởng Lương Văn Viên may mắn thoát chết trở về.

Các tàu khi vươn khơi thường đi theo tổ đội đoàn kết đánh bắt, mỗi tổ khoảng 3 tàu đánh bắt trong một khu vực để có thể hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, trường hợp tàu QNa 90129 TS gặp lốc xoáy thì không kịp trở tay.

“Lúc đó về đêm, biển khá êm, không có sóng lớn. Nhưng lốc xoáy bất ngờ, chỉ 5 phút tàu chìm hẳn khiến anh em không kịp trở tay”, thuyền trưởng Lương Văn Viên nhớ lại. Tai nạn bất ngờ khiến 12 thuyền viên đi cùng mất tích. Những ngư dân sống sót đều bị rơi xuống biển, nhưng sau đó nổi lên, có người bị đinh móc vào áo kéo giữ lại nhưng kịp xé áo để bơi thoát lên.

“Chỉ chậm khoảng vài giây nữa thì tôi cũng không thể trở về”, anh Võ Văn Sơn, thuyền viên tàu QNa 90129 TS, kể lại.

Ông Đặng Ngọc Trung (64 tuổi) với hơn 40 năm bám biển câu mực khơi, cùng con gái bàng hoàng khi con rể vĩnh viễn nằm lại biển khơi.

Sinh nghề, tử nghiệp

Bà Mai Thị Nghị (41 tuổi, trú ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành), vợ của ngư dân Đinh Văn Phương vẫn đang mất tích, ngồi thẫn thờ trước hiên nhà. Theo phong tục địa phương, những ngư dân mất tích sẽ được người thân làm lễ gọi hồn, đặt hình nhân bằng đất sét trong quan tài, sau đó tổ chức tang lễ và chôn cất.

"Người ta nói biển giã mà, rủi ro nhiều lắm nhưng những ngư dân làng chài chúng tôi vẫn kiên quyết vươn khơi bám biển, vì đó là nghề truyền thống, cũng là những cột mốc sống góp phần giữ chủ quyền biển đảo” – ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang nói.

Người phụ nữ khuôn mặt phờ phạc, đôi mắt nặng sụp vì mất ngủ. Bà con lối xóm, người thân và con cái hay tin cũng chạy về ôm chặt mẹ. Người ta nói đàn bà “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” ai ngờ câu nói đó lại gắn vào số phận mình. “Lâu ni ổng (ông) đi biển vắng nhà suốt, nhưng hết chuyến biển cũng nghỉ ít hôm, có ba có con về ríu ríu vui cửa vui nhà. Vợ chồng đói no có nhau rồi chăm cho con cái. Dù ảnh vắng nhà vẫn là trụ cột, vất vả mấy cũng cam, vậy mà giờ ảnh đi mãi. Nghĩ cảnh tàu ập xuống rồi người nằm lạnh dưới biển sâu mà xót xa không đành”, bà Nghị nói từng tiếng nặng nhọc, mắt đau đáu phía biển.

Chị Đặng Thị Bình, vợ của ngư dân Lương Ngọc Anh, vẫn chưa thể tin rằng chồng mình không còn trở về. Chị kể, cưới nhau 10 năm nhưng anh thường xuyên đi biển vắng nhà. Hai lần vượt cạn anh đều đang ở ngoài biển, đến khi con tròn 1 tháng tuổi cha con mới gặp mặt nhau.

Chị Đặng Thị Bình, vợ của ngư dân Lương Ngọc Anh, tâm sự: “Ảnh nói đi biển quen rồi, giờ ở nhà thì bí bách không chịu nổi”.

Trước khi cưới, chị khuyên anh ở nhà cùng đi làm công nhân, vợ chồng đói no có nhau, nhưng chỉ được hai tháng, vì quá nhớ biển anh lại xin tàu vươn khơi. “Ảnh nói đi biển quen rồi, giờ ở nhà thì bí bách không chịu nổi”, chị chia sẻ.

Người vợ trẻ hiểu rằng đi biển với anh không chỉ là mưu sinh mà còn là cuộc sống. Mỗi chuyến đi biển ròng hai tháng trời, chỉ nghỉ được ít hôm nhưng thấy anh vui vẻ cười nói thì đành dặn lòng rắn rỏi, cáng đáng chuyện trong nhà. Vậy nhưng chuyến biển định mệnh anh ở mãi ngoài khơi.

Ông Đặng Ngọc Trung, 64 tuổi, cha ruột của chị Bình cũng đã mấy chục năm đi biển, hơn ai hết ông hiểu cuộc đời ngư phủ là sẵn sàng đối mặt với những rủi ro, sinh nghề tử nghiệp nhưng không dứt ra được.

“Biết rủi đó nhưng giờ không đi biển biết làm sao, ở đất liền không quen. Đó là nghề, là nghiệp rồi!”, ông nói.

Bà con xóm giềng giúp các gia đình nạn nhân chìm tàu tổ chức tang lễ.

Những cột mốc sống giữ chủ quyền

Bàng hoàng trở về từ chuyến biển định mệnh, thuyền trưởng Lương Văn Viên đau đáu với 12 sinh mạng của bạn tàu còn nằm lại biển. Ông Viên là ngư dân giàu kinh nghiệm, tàu của ông từng cứu được hơn 40 ngư dân trước đó cũng bị tai nạn đắm tàu.

Hỏi, sau chuyến này có còn đi biển không? Ông nói “đi chứ, sống ở biển mà không đi biển thì làm sao. Mình đã đành còn các bạn tàu nữa, là kế sinh nhai của cả gia đình”, thuyền trưởng Viên nói.

Trong số 13 ngư dân mất tích, xã Tam Giang có 5 người, và 2 thi thể được đưa trở về trước đó, còn xã biển Tam Quang có 7 người. Nỗi đau quá lớn với làng biển.

Làng biển Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết, câu mực là nghề truyền thống của ngư dân địa phương. Mỗi chiếc tàu thường có từ 40 – 48 ngư dân đi chung. Nghề câu mực cũng đem lại hiệu quả kinh tế nhưng cũng đồng thời cũng nhiều rủi ro khi vươn khơi.

"Người ta nói biển giã mà, rủi ro nhiều lắm nhưng những ngư dân làng chài chúng tôi vẫn kiên quyết vươn khơi bám biển, vì đó là nghề truyền thống, cũng là những cột mốc sống góp phần giữ chủ quyền biển đảo”, ông Vinh nói.

Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ve-tam-giang-tam-quang-nghen-cau-hon-treo-cot-buom-post1580870.tpo