Về Rào Tre gặp con cháu Bác Hồ

Bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh)-bản tái định cư của 46 hộ, với gần 160 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chứt nằm nép mình dưới chân núi Ka Đay. Từ khi đồng bào Chứt được Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đưa từ sâu trong lõi rừng già về an cư lạc nghiệp nơi thượng nguồn con sông Ngàn Sâu, đến nay đã hơn 3 thập kỷ. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đời sống của đồng bào Chứt nơi đây đang từng ngày khởi sắc, đổi thay.

Chúng tôi về Rào Tre khi trời nhá nhem tối. Từ trung tâm huyện Hương Khê, đường vào trung tâm bản đã được trải nhựa khang trang, rộng rãi. Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà con treo cờ Tổ quốc trước nhà và trên hầu khắp các trục đường chính. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió như điểm tô thêm nét chấm phá giữa nền xanh thẫm ngút ngàn của núi rừng Trường Sơn. Thêm đó, ánh đèn điện trong mỗi nếp nhà được xây dựng kiên cố làm sáng bừng cả một góc rừng già. Dưới những thửa ruộng ngay cạnh trục đường chính dẫn vào bản, tiếng bà con í ới gọi nhau về nghỉ ngơi sau một ngày dài bận rộn.

Đưa chúng tôi đi thăm bản, chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre bộc bạch: Từ ngày Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) thành lập Tổ công tác bản Rào Tre (tháng 6-2001), thực hiện "4 cùng", bà con được bộ đội khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe hằng ngày, rồi dạy cho cái chữ, đặt cho cái tên, được hướng dẫn chăn nuôi, làm vườn, làm lúa nước... Cả một tộc người từ nhiều đời sống du canh, du cư, săn bắt, hái lượm... Sau hơn 30 năm định cư ở Rào Tre, đồng bào Chứt đã trở thành những cư dân nông nghiệp thực thụ. Không những thế, đồng bào đang bắt nhịp nhanh với cuộc sống hiện đại. Hầu hết gia đình đều có ti vi, xe máy, bà con biết sử dụng smartphone, máy vi tính, trẻ em đều được đến trường.

Dứt lời, Trưởng bản Hồ Thị Kiên nói như khoe: "Bản Rào Tre thật tự hào khi có em Hồ Thị Sương là người Chứt đầu tiên thi đỗ đại học, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Hà Tĩnh. Rồi đây, những đứa trẻ trong bản cũng sẽ theo chân người đi trước, về thành phố học tập, trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương và làm rạng danh bản làng!".

Bà Hồ Thị Nam nâng niu ảnh chân dung Bác Hồ.

Theo chân Trưởng bản Hồ Thị Kiên, chúng tôi có mặt tại nhà bà Hồ Thị Nam (sinh năm 1965), đảng viên người Chứt đầu tiên ở Rào Tre. Hồi tưởng lại ngày được đứng trước Quốc kỳ, Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên thệ trong Lễ kết nạp Đảng, bà Nam vẫn vẹn nguyên niềm tự hào: "Mới đó mà đã tròn 20 năm tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được góp sức mang "ánh sáng" của Đảng về với đồng bào". Đi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Mận, Bí thư Chi bộ bản Rào Tre cho biết, với nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền xã Hương Liên, cùng sự đóng góp quan trọng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, năm 2017, Chi bộ bản Rào Tre chính thức được thành lập với 3 đảng viên. Đến nay, chi bộ có 10 đảng viên, trong đó 9 đảng viên là đồng bào Chứt.

Hướng về phía chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, bà Hồ Thị Nam xúc động cho biết: “Người Chứt có được như hôm nay là nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước. Dẫu người Chứt chưa được gặp Bác Hồ nhưng dưới mỗi nếp nhà của người Chứt luôn hiện hữu tấm ảnh chân dung Bác Hồ. Đồng bào luôn nâng niu, trân quý ảnh Bác Hồ như một tài sản tinh thần vô giá. Hơn thế, đồng bào Chứt ở Rào Tre, từ già tới trẻ, tất thảy đều được đặt họ Hồ với ý nghĩa thật đặc biệt: Người Chứt cũng như đồng bào các dân tộc anh em, đều chung một nguồn cội và đều là con cháu Bác Hồ. Con cháu người Chứt đời đời về sau sẽ mãi mãi mang họ Hồ, đó là niềm tự hào không gì thay thế được!”.

Bài và ảnh: ĐÔNG HẢI

Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ve-rao-tre-gap-con-chau-bac-ho-758724