Về nơi Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ nằm lại

Được sự giúp đỡ của Viện Kiểm sát Quảng Trị, út Thương tranh thủ mấy ngày nghỉ bù để vào Lao Bảo tìm viếng mộ bố. Đi cùng cô có mấy anh cán bộ ngành kiểm sát Quảng Trị và tôi. Trong các kiểm sát viên cùng đi có Lê Văn An là cậu bé được sinh ra ngay trong địa đạo Vĩnh Mốc những ngày đánh Mỹ.

Hành trình tìm mộ bố của cô gái út

Được sự giúp đỡ của Viện Kiểm sát Quảng Trị, út Thương tranh thủ mấy ngày nghỉ bù để vào Lao Bảo tìm viếng mộ bố. Đi cùng cô có mấy anh cán bộ ngành kiểm sát Quảng Trị và tôi. Trong các kiểm sát viên cùng đi có Lê Văn An là cậu bé được sinh ra ngay trong địa đạo Vĩnh Mốc những ngày đánh Mỹ. Viện Kiểm sát Quảng Trị bố trí cho An dẫn chúng tôi lên Lao Bảo bởi An từng công tác ở đây một thời gian, quen người và quen tông thổ. Đây là lần đầu tiên trong đời Vương Thị Thương có dịp vào nơi mà bố cô - Dũng sĩ phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc - Anh hùng LLVT Vương Đình Nhỏ quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh ngã xuống 19 năm về trước và nằm lại đó cho đến hôm nay.

Tìm mộ trong lùm tre gai giữa rừng Ma.

Chín giờ sáng chúng tôi đến Ủy ban nhân dân thị trấn Lao Bảo. Chủ tịch Trần Đình Nam nghe tâm nguyện của út Thương xong, mắt anh mòng đỏ, nghẹn ngào cầm tay cô bé: “Vậy ra cháu là con anh Nhỏ ư? Tội nghiệp cháu, tội nghiệp anh ấy. Chú biết bố cháu, biết cả việc bố hy sinh ở đây”. Căn phòng Chủ tịch Nam như trầm xuống. Út Thương nước mắt lưng tròng, ngồi nghe chú Nam kể lại sự hy sinh của bố và cậu ruột mình khi út vừa mới 4 tuổi.

Hồi ấy, cả vùng chiến địa trên trục quốc lộ 9 này là một túi bom mìn khổng lồ của Mỹ - ngụy để lại. Chiến tranh qua đi đã mười lăm năm rồi mà những tiếng nổ chát chúa, kinh hoàng vẫn thường xuyên cướp đi sự sống của người dân. Họ gặp bom mìn bất cứ đâu, trên đồi, dưới suối, ngay nơi cất nhà dựng lán, cả nơi trỉa lúa trồng ngô. Cái đói bắt buộc đồng bào phải cày, phải cuốc. Nhưng ở đâu cũng bom mìn rình rập... Hồi ấy, cửa khẩu Lao Bảo đã sôi động lắm, yêu cầu cấp bách để xây dựng một trung tâm kinh tế thôi thúc chính quyền địa phương. Và chính lúc ấy, một cựu chiến binh đã ra Hà Tĩnh mời “Vua phá bom” Vương Đình Nhỏ về Hướng Hóa để trực tiếp tháo gỡ bom mìn giúp địa phương và nhân dân giải phóng mặt bằng cho sản xuất và xây dựng.

Buổi trưa ngày 26/1/1990 định mệnh ấy, anh Nhỏ cùng 3 người khác gồm ông Hồ Mường - một sĩ quan biên phòng vừa ra quân, một người là dân quân do xã cử ra phụ giúp anh Nhỏ vừa học cách phá bom và cậu em vợ của anh Nhỏ - cậu ruột của bé Thương. Cả hai người địa phương cử đều người Vân Kiều) đang tháo gỡ một quả bom rất to nằm bên cạnh cầu Cà Tang thuộc bản Cà Tang. Quả bom nặng mấy tạ nằm chình ình giữa vùng đất canh tác đã được quy hoạch để xây dựng Khu trung tâm kinh tế mở Lao Bảo.

“Vua phá bom”, người đã tự mình khóa mõm 498 quả bom các loại của Mỹ tự tin tháo gỡ từng chi tiết lắp ghép của con ác quỷ. Bất ngờ một tiếng nổ xé trời dựng đứng thị trấn biên giới và cả các bản làng quanh vùng dậy. Tiếng sét ấy đã xé vụn tất cả 4 người trong nhóm phá bom. Nhặt nhạnh hết những gì còn lại của họ, người dân Lao Bảo cũng chỉ gom được chừng một xô cốt nhục và ngậm ngùi làm một ngôi mộ chung cho họ ngay cạnh hố bom ác hiểm ấy. Cái tin một trong bốn người hy sinh là Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ làm bà con dân bản càng thương xót anh bội phần. Nhiều gia đình lập bàn thờ để hương khói cho vong linh anh ngay tại sân nhà mình; chính quyền địa phương làm hồ sơ hiện trường về cái chết của anh và đồng nghiệp, ghi nhận hành động quên thân vì nghĩa của họ...

Chủ tịch Nam nhìn út Thương nước mắt đầm đìa, anh bối rối: “Nhưng bây giờ muốn vào thăm mộ bố cháu thì rất khó khăn bởi sau khi có kế hoạch giải tỏa để xây dựng thị trấn Lao Bảo, phần mộ chung bốn người đã được người nhà của hai người Vân Kiều đưa vào rừng Ma chôn cất theo phong tục của họ. Mà với người Vân Kiều ở đây, không phải ai muốn cũng có thể đến được nơi linh thiêng ấy”. Rồi anh Nam nhấc điện thoại nói chuyện với ai đó khá lâu, mặt anh tươi lên: “Bây giờ tôi sẽ cho người dẫn các anh và cháu xuống bản Cà Tang, đến nhà một người có thể lo được việc này”.

Tấm lòng người Cà Tang

Xe chúng tôi dừng lại bên cầu Cà Tang - một cây cầu khá lớn trên quốc lộ số 9. Bên phải cầu - hướng đi lên cửa khẩu - là bản Cà Tang dựa lưng vào những dãy núi xanh rì, rậm rạp. Phía bên trái là khu công nghiệp, là những công trình đang xây dựng hút tầm mắt, mênh mông. Người đón chúng tôi là anh Thạch, một cựu binh đã từng chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên thời đánh Mỹ.

Hương khói giữa rừng Ma.

Chị vợ anh Thạch nước mắt rưng rưng khi nhắc đến anh Vương Đình Nhỏ mà chị bảo ân nhân của gia đình chị. “Anh ấy thiêng lắm, hầu như quanh đây ai cũng hương khói cho anh. Hồi chưa quy hoạch khu kinh tế mở, nhà tôi nằm ngay chỗ các anh ấy chết nên tôi lập bàn thờ để thờ phụng. Khi phải giải tỏa, nhà tôi rước cả bàn thờ các anh ấy về đây thờ phụng. Mà không phải riêng tôi, nhà cô Lan, nhà anh Thưởng cạnh đây cũng thờ anh Nhỏ”.

Chỗ quả bom nổ cách cầu Cà Tang khoảng 300 mét. Bây giờ thì đó là một con đường lớn nối đường số 9 với khu công nghiệp đang xây dựng. Không phải tìm kiếm, anh Thạch đi thẳng vào đám cỏ may tua tủa vệ đường và quỳ một chân xuống cỏ, hai tay chập lại để trước ngực, thành kính. Tất cả chúng tôi cúi đầu. Út Thương nấc lên một tiếng rồi quỳ mọp bên cạnh chú Thạch nức nở khóc. Những nén hương được thắp lên.

Hương khói giữa rừng Ma

Bản Cà Tang nhỏ và nghèo nằm sát một cánh rừng không có nhiều cây gỗ to nhưng rất rậm rạp. Khu rừng có cái tên rờn rợn: Rừng Ma. Người Vân Kiều ở bản chôn cất người chết trong cánh rừng thâm u này mà rừng có tên dễ sợ như vậy. Rừng Ma là nghĩa địa rất đặc biệt của người Vân Kiều Cà Tang. Tôi từng nghe nói người Vân Kiều chết không xây mộ, họ được vùi vào lòng đất và chỉ ai là người thân thiết mới biết được phần hài cốt của họ ở đâu. Họ chỉ chôn một lần, không xây cất, không khói hương, không cúng bái.

Anh Thạch cho hay, khi Thị trấn Lao Bảo được quy hoạch thành Khu Kinh tế cửa khẩu, khu vực mộ 4 người trở thành Khu công nghiệp nên ngôi mộ phải di dời. Gia đình ông Hồ Mường đưa phần hài cốt chung ấy vào cánh rừng Ma chôn theo phong tục cổ truyền của họ và ngoài gia đình Hồ Mường ra thì không ai biết được ngôi mộ chung ấy nữa. Tuy nhiên, hôm nay nhìn bé Thương ai cũng mủi lòng nên anh Nam - Chủ tịch Thị trấn bàn với anh Thạch cho người đi thuyết phục gia đình ông Hồ Mường phá lệ, đưa con gái Anh hùng Nhỏ vào thắp hương cho bố và người cậu ruột.

Đoàn đi có hơn chục người do Trưởng bản Cà Tang và anh Thạch dẫn đầu. Đường vào rừng Ma sát ngay sau nhà gia đình ông Hồ Mường - người tử nạn cùng anh Vương Đình Nhỏ. Ông Mường là Đại úy Bộ đội biên phòng Quảng Trị, từng tham gia chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, ông vừa nghỉ hưu chưa kịp lấy sổ. Người dẫn đoàn chúng tôi đi vào mộ là cụ bà Hồ Thị Đêm - mẹ ông Mường, một phụ nữ Vân Kiều khắc khổ nhưng hiền từ.

Người nọ bám người kia, quanh co trong cánh rừng thâm u rờn rợn ấy một lúc, bà cụ Đêm chợt ra hiệu mọi người dừng lại. Mọi người quây quanh bà Đêm, nín lặng, trang nghiêm đến nghẹt thở. Đám đất mà bà Đêm vừa gạt đám lá khô ấy ở ngay dưới vòm một lùm tre gai rậm rịt. Không hiểu vì sao cái lùm tre ấy lại có hình dạng như một vòm cổng, những cành tre quấn đan vào nhau xoắn xuýt, che cho phần đất bằng ấy không có cây cối trùm lên. Chẳng biết gió rừng hay ai đó đã tạo ra vòm lăng mộ bằng tre? Trưởng bản ra hiệu cho Lê Văn An mang đồ cúng viếng và bịch hoa quả đến. Bé Thương thụp xuống bên cạnh bà Đêm cố kìm tiếng nấc. Mọi người bắt tay vào đặt lễ. Hoa trái, áo quần, giày dép… được bày ra trên đất. Hương và nến được đốt lên.

Tôi chắp tay vái trước ba vái vào phía đám đất rồi tác nghiệp bằng máy ảnh ghi lại giờ phút linh thiêng ấy. Trong tôi dâng lên nỗi xót xa, tôi rưng rưng khi nghĩ đến đây là lần đầu tiên kể từ khi anh vào Rừng Ma của bà con Vân Kiều, anh được ngửi mùi khói hương thờ cúng. Và đây cũng là lần đầu tiên cô con gái út của anh mới có thể thay mặt gia đình vào thắp hương cho cha. Một tiếng khóc chợt vỡ òa sau tiếng nấc. Bé Thương khóc. Cô Hương khóc. Bà Đêm khóc… rồi tôi cũng khóc, các anh kiểm sát, cả anh Thạch và trưởng bản nước mắt cũng đầm đìa. Không gian xung quanh chúng tôi như vỡ ra toàn nước mắt. Chúng tôi, hơn chục người cả trẻ, cả già khóc tự nhiên như khóc những người thân yêu nhất của mình vừa mới qua đi.

Khi tất cả những thứ gửi cho người âm đã hóa hết, chúng tôi dập hết tàn than, rưới nước ướt đẫm đám tro nóng. Bé Thương lẩm bẩm quỳ mọp bên đám đất mộ và vốc những nắm đất rừng trên đó bỏ vào một túi nhỏ mang sẵn lúc nào. Tôi chợt hiểu ra chủ ý của Thương, sẽ khó lòng đưa được mộ bố về giữa quê hương, nắm đất ấy sẽ tượng trưng cho linh hồn bố bên tiên tổ, vợ con; thay bố nhận lấy phần hương khói, nghĩa tình.

Khi cửa rừng đột ngột khép lại sau lưng, mọi người không ai bảo ai cùng quay lại nhìn vào cánh rừng Ma, tôi chợt thấy rất nhiều, rất nhiều những đôi mắt đỏ kè như lửa hương, cay sè như khói bếp hấp háy nhìn mãi về phía chúng tôi, đau đáu, xót xa đến vô cùng vô tận.

Mùa hè Quảng Trị

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ve-noi-dung-si-pha-bom-vuong-dinh-nho-nam-lai-i701926/