Về nơi 13 nữ thanh niên xung phong hy sinh

Chúng ta đã từng nghe đến sự hy sinh của 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 13 thanh niên xung phong (TNXP) ở Truông Bồn (Nghệ An) và những ngày này chúng ta lại nhớ tới 13 cô gái TNXP người Thái Bình đã ngã xuống trong một trận bom ác liệt ở mảnh đất xứ Thanh. Tất cả những sự hy sinh ấy đã viết nên câu chuyện đẹp của một thời kỳ lịch sử.

Hiện nay bia 13 TNXP ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa được giao cho Hội TNXP phường chăm sóc và tôn tạo.

Cách đây 56 năm, địa danh núi Nấp được coi là “yết hầu” của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Theo tư liệu lịch sử của Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa: Đội TNXP 87 đường sắt gồm có các đại đội 871, 872, 873 biên chế gần 600 đội viên thành lập năm 1965 là con em của tỉnh Thái Bình được phân công phụ trách các ga, cầu từ thị xã Thanh Hóa tới ga Thị Long, đi ứng cứu ở ga Đò Lèn, ga Nghĩa Trang và cầu Hàm Rồng, làm các đường tránh, tuyến tránh để vượt cầu giấu đầu máy ở núi Nhồi, tổ chức trực chiến, chốt giữ ở cầu Cun, cầu Vương, cầu Thọ Hạc… đảm bảo giao thông ở các trọng điểm Mỹ bắn phá ác liệt.

Cuối tháng 10-1966, tiểu đội nữ xung kích Đại đội 873 thuộc Đội 87 TNXP (được thành lập ngày 2-1-1966 gồm 200 đội viên trong đó có 170 nữ, 30 nam là những người con của huyện Đông Hưng - Thái Bình) về đóng quân tại xóm Văn Miếu, xã Đông Văn (Đông Sơn). Trong suốt 3 năm nghĩa vụ họ như những con thoi luôn có mặt ở các trọng điểm ác liệt để để giữ vững huyết mạch giao thông luôn thông suốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam.

Ngoài ra, đây còn là khu vực có thế núi để cất giấu tàu, xe và nhiều vật tư, hàng hóa khác của đường sắt cũng như ngành giao thông. Có thời điểm, máy bay giặc Mỹ đã bắn phá liên tục 60 ngày đêm, có những ngày phá hỏng 500 - 600m đường sắt…

Tuy nhiên, với khẩu hiệu: “Quyết tâm không để mạch máu giao thông ngừng trệ”; “đường chưa thông không tiếc máu xương”; “lấy mặt đường làm chiến trường”; “Máu có thể đổ, chúng ta có thể hy sinh nhưng đường chúng ta không thể để tắc”; “C873 quyết tử cho đường sắt quyết thông”... nên những TNXP của đội xung kích vẫn như “con thoi” dưới tiếng bom rơi, đạn nổ. Chỉ tính riêng thời điểm năm 1966, đầu năm 1967, đội xung kích Đại đội 873 đã đào đắp hơn 10.000m3 đất, đá; khắc phục 140 trận đánh phá của giặc Mỹ trên địa bàn, giữ vững tuyến đường sắt để các đoàn tàu vận chuyển được 16.000 tấn lương thực, vũ khí, đạn dược vào phục vụ chiến trường K-B-C...

Phát hiện ra địa điểm này, Mỹ cho đánh phá ác liệt. Đặc biệt, 4 giờ sáng ngày 11-5-1967 máy bay địch quần thảo, đánh phá làm hư hỏng nặng hơn 200m đường sắt.

Mặt sau của tấm bia ghi đầy đủ thông tin của 13 nữ TNXP đã hy sinh.

Lệnh của cấp trên phải tập trung lực lượng để sửa chữa đảm bảo thông đường nhanh nhất. Đạp lên bom đạn lực lượng TNXP và đội xung kích do đại đội phó Vũ Thị Minh Lý chỉ huy, phối hợp với công nhân đường sắt nhanh chóng san lấp, chuyển đá, kê lót tà vẹt để nối ray. Bất chấp hiểm nguy dưới làn mưa bom, bão đạn hễ tiếng máy bay của giặc vừa ngớt, anh, chị em trong đội xung kích lại lao ra làm nhiệm vụ để chạy đua với thời gian. Theo dự kiến, đội xung kích sẽ san lấp hố bom, vá đường, nối ray để thông xe trước 21h cùng ngày.

Khi công việc gần như hoàn tất, mọi người đang hối hả siết lại những con bu lông cuối cùng, thu dọn đất đá, kiểm tra độ an toàn lần cuối, chuẩn bị thông xe thì bất ngờ máy bay Mỹ lao đến cắt bom tọa độ. Bốn quả bom dội trúng đội hình của tiểu đội xung kích, 13 cô gái TNXP cùng với 4 công nhân đường sắt đã hy sinh tại chỗ, 27 nam, nữ TNXP khác bị thương. Thời gian nghiệt ngã đó là vào lúc 20h45 ngày 11-5-1967.

Tất cả những con người ấy đều xuất thân từ vùng đất Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Người trẻ nhất là Vũ Thị Hương vừa tròn 17 tuổi. Tiếp theo đó là Chu Thị Sửu, Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Thị Na đương ở tuổi 18 và 5 người ở tuổi 19 là: Hà Thị Việt, Hoàng Thị Bé, Vũ Thị Thu, Đinh Thị Thúy, Cao Thị Thúy; 3 người tuổi 20 là: Vũ Thị Khánh, Dương Thị Nhì, Phạm Thị Nụ và người nhiều tuổi nhất là Nguyễn Thị Nhạn cũng mới vừa 21 tuổi.

Trở lại núi Nấp, sau 56 năm những người lính TNXP ngã xuống, dù không còn một nhân chứng nào của thời bấy giờ còn sống, nhưng những cái tên như chợ Nấp, núi Nấp lại gợi nhắc cho chúng tôi về một thời kỳ lịch sử. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường An Hưng, cho biết: Thật tiếc là qua quá trình chia tách sáp nhập, từ xã Đông Hưng đến thị trấn Nhồi rồi An Hưng hiện nay, hầu hết các địa danh đã có sự thay đổi. Thế hệ chúng tôi cũng chẳng thể biết chính xác các TNXP hy sinh chỗ nào. May vẫn còn nhà bia tưởng niệm 13 chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để nhắc nhở chúng tôi về một thời oanh liệt của các bậc tiền bối.

Hiện nay di tích được địa phương cùng ngành đường sắt quản lý, tôn tạo. Đặc biệt, với 100 thành viên hội TNXP phường, đây là địa điểm về nguồn để họ thường xuyên đến chăm sóc, dọn dẹp. Hàng năm đến ngày giỗ, ngày lễ tết, những thế hệ TNXP trong tỉnh và TP Thanh Hóa vẫn không quên đến đây thắp hương tưởng nhớ tới những TNXP năm xưa đã hy sinh anh dũng.

Ngày 22-2-2010, Chủ tịch nước đã ra Quyết định số 21/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho tiểu đội xung kích Đại đội 873 - N87 TNXP. Máu xương các chị đã hòa quện vào từng tấc đất để viết thêm vào những trang vàng của lịch sử chiến đấu của những con người gắn bó với đất và người xứ Thanh. Mong rằng, nơi 13 TNXP ngã xuống sẽ có một khu tưởng niệm khang trang để mọi người có thể đến, nghiêng mình thắp một nén hương thơm cho linh hồn các chị được ấm áp, để những thế hệ trẻ ngày hôm nay nhìn hình ảnh và ý chí các chị “Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm” mà thấy mình cần phải sống tốt hơn, đẹp hơn.

Bài và ảnh: CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ve-noi-nbsp-13-nu-thanh-nien-xung-phong-hy-sinh/26885.htm