Về ngang qua đất Mường Pồn

10 năm trước, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tổ chức cầu truyền hình trực tiếp có chủ đề 'Từ ATK Thái Nguyên đến chiến dịch Điện Biên Phủ'. Khi chuẩn bị kịch bản, đồng chí Lò Mai Trinh, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cứ nhắc chúng tôi về liều lượng phù hợp cho chiến thắng Mường Pồn. Ngặt nỗi trong vòng 100 phút, đầu cầu Đồi A1 và đầu cầu Tỉn Keo đều căng tràn nội dung...Và tôi hứa có dịp sẽ viết đậm hơn về trận thắng Mường Pồn, Điện Biên...

Mường Pồn, xã nông thôn mới hôm nay -Ảnh: Hữu Minh

Xe chúng tôi chạy trên Đại lộ Nguyễn Hữu Thọ thẳng băng, mịn màng theo hướng Mường Lay mà đi. Bên trái là sân bay Điện Biên vừa được nâng cấp; bên phải, hàng trăm máy xúc đang gấp rút nạo vét dòng Nậm Rốm kịp làm đẹp cho đại lễ kỷ niệm 70 năm vào tháng sau. Những ruộng lúa ở Mường Thanh đang làm đòng, thoang thoảng hương...

Phóng viên Nguyên Ngọc, Linh Lan, Xuân Hải, Hoài Anh của Báo Thái Nguyên băn khoăn về khóm lúa nơi đây có vẻ nhỏ và hơi thấp...Tôi bảo: Giống bản địa đấy, câu đồng dao “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là chỉ 4 cánh đồng rộng lớn, vựa lúa, gạo ngon tuyệt vời của Tây Bắc... Rồi cứ thế, chúng tôi theo Quốc lộ số 12 từ TP. Điện Biên Phủ đi thị xã Mường Lay khoảng 20 km đến Mường Pồn.

Ngược dòng lịch sử, cách đây hơn 70 năm, vào những ngày ác liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ, tại ATK tuyệt mật Thái Nguyên, ngày 20/11/1953, Bộ Chính trị họp và quyết định phát động Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 thì lúc ấy, tiếp tục thực hiện kế hoạch của Na-va, thực dân Pháp cho quân nhảy dù độc chiếm toàn diện Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, Cô-nhi ra lệnh cho quân Pháp rút khỏi Lai Châu, một bộ phận quân địch được máy bay đưa về, còn một số rút theo đường bộ. Được tin địch rút, ngày 7/12/1953, Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh (lúc bấy giờ đặt sở chỉ huy ở hang Thẩm Púa, km15 đường Tuần Giáo - Điện Biên) ra lệnh Đại đoàn 316 nhanh chóng cho một đơn vị theo đường 41 đánh vào thị xã Lai Châu, còn đại bộ phận đến Tuần Giáo theo đường tắt qua đèo Pa Phông cắt ngang đường Lai Châu - Điện Biên để tiêu diệt quân địch rút lui.

Ngày 10/12/1953, quân ta được lệnh tiến đánh và giải phóng Lai Châu, địch bị đánh mạnh ở Lai Châu buộc phải rút về Điện Biên Phủ. Sáng ngày 12/12/1953, Đại đội 674 thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 hành quân tới Mường Pồn thì phát hiện trong bản có nhiều quân địch đang tập trung ở đây. Đại đội lập tức tiến hành bao vây và nổ súng tiêu diệt địch. Quân địch lúc này có máy bay yểm trợ, thấy lực lượng của ta mỏng nên kiên quyết đánh bật để mở đường rút về Điện Biên Phủ.

Các chiến sĩ Đại đội 674 chiến đấu rất dũng cảm, kiên quyết xiết chặt vòng vây. Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh đến cho tiểu đội trưởng Chu Văn Pù, giữa lúc tiểu đội của Pù chỉ còn 4 người đang phải chặn đánh một cánh quân từ trên cao tràn xuống.

Một khẩu súng trung liên không bắn được vì xạ thủ đã hy sinh, còn một khẩu trung liên của Chu Văn Pù chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng... Trước tình thế ác liệt, Bế Văn Đàn đã lao tới nhấc hai chân súng đặt lên vai mình và giục đồng đội bắn. Chu Văn Pù còn do dự, Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết hết chúng nó đi”, đồng chí Pù nghiến răng siết cò trút đạn về phía quân địch làm chúng hoảng hốt bỏ chạy. Đợt phản kích của địch bị bẻ gãy. Bế Văn Đàn đã anh dũng hy sinh trong tư thế hai tay vẫn còn ghì chặt chân súng trên vai.

Trận đánh ác liệt ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức của thế hệ hôm nay và mai sau như câu hát ca ngợi cuộc đời anh: Bế Văn Đàn ơi!/Ngàn năm sau anh vẫn còn sống mãi/Đất nước quê anh là thảm rừng xanh/Cam Mường Pồn quanh mộ anh xây đỏ/Lúa chín vàng trận địa cũ Mường Thanh/Bầy em thơ đang hát ca ngợi anh”...

Anh Bế Ích Tiến - biên dịch viên tiếng Nga cho Đài PTTH Thái Nguyên là người trong dòng họ, cùng quê Cao Bằng với anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn. Có lần anh nói với tôi: Các bậc cao niên quê tôi kể lại Cao Bằng và cả Việt Bắc lúc đó là vùng tự do nên trận thắng Mường Pồn và sự hy sinh lẫm liệt của tiểu đội Bế Văn Đàn - người con trai Tày 21 tuổi quê tôi đã nhanh chóng lan tỏa khắp vùng. Hàng nghìn thanh niên hăng hái lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Điện Biên theo khát vọng giải phóng Tây Bắc, trả thù cho Bế Văn Đàn...

Còn Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam hiện nay, khi đảm nhiệm Tư lệnh Quân khu 1 nói về người đồng hương của mình, liệt sĩ Bế Văn Đàn: Xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, lớn lên đồng chí tham gia hoạt động du kích. Tháng 1/1948, đồng chí xung phong vào bộ đội và tham gia nhiều chiến dịch.

Bế Văn Đàn luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết chấp hành mọi chỉ thị, mệnh lệnh nghiêm túc, chính xác, kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trận Mường Pồn thắng lợi, trước thềm khai hỏa trận chiến Điện Biên Phủ như một hồi còi xung trận, hào sảng và tự tin...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn (1931-1953) được Quốc hội truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì... Di tích trận thắng Mường Pồn gắn liền với tên tuổi, nơi yên nghỉ của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn cùng với chiến công của Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 nằm trong cụm di tích Chiến thắng Điện Biên oai hùng...

Xã Mường Pồn nay đã có nhiều thay đổi. Cơ sở hạ tầng, thu nhập, đời sống của Nhân dân từng ngày được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 27 triệu người/năm. Giao thông được bê tông hóa. Tập trung vận động người dân phát triển chăn nuôi, quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây... để tăng thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân là mục tiêu được cấp ủy, chính quyền Mường Pồn chú trọng.

Ông Quàng Văn Lọ, người dân tộc Thái, năm nay 80 tuổi là người cảm nhận rõ nhất những đổi thay của Mường Pồn. “Mường Pồn năm ấy chỉ có vài chục hộ, bây giờ dân cư đông, có hơn 100 hộ. Bản Mường Pồn 1 của tôi bây giờ khang trang, kinh tế phát triển rất mạnh, nước sinh hoạt đến từng nhà, dùng thoải mái rồi, chăn nuôi nhà nào cũng có. Mong con cháu tiếp nối truyền thống của cha ông, đưa xã Mường Pồn ngày một giàu có”, ông Quàng Văn Lọ cho biết.

Nhìn cảnh sắc tươi đẹp, no ấm hôm nay của Điện Biên, Mường Pồn, Mường Phăng... bất giác tôi nhớ mấy câu thơ của Tố Hữu

Hỡi các chị, các anh!

Trên chiến trường ngã xuống

Máu của anh, của chị, của chúng ta không uổng

Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”

Hữu Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ve-ngang-qua-dat-muong-pon-184883.htm