Vẻ huyền hoặc của đền thờ Hai Bà Trưng một ngày mưa

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi, thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội thờ hai vị liệt nữ - anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị là nơi lý tưởng để tĩnh tâm và bồi đắp lòng tự hào, tự tôn của dòng giống Lạc Hồng.

ó dịp đến thăm ngôi đền Hai Bà Trưng vào một ngày mưa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp u tịch và huyền hoặc hiếm nơi nào có được.

 Nghi môn ngoại.

Nghi môn ngoại.

Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Để tưởng nhớ công đức của Hai Bà, nhân dân đã lập đền thờ tại thôn Hạ Lôi , xã Mê linh, Huyện Mê Linh, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh từ ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng.

Nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích 129.824.0m2, đền gồm các hạng mục: Cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả - hữu mạc, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ - thân mẫu Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh...

Nghi môn nội.

Cổng đền được xây 2 tầng, tầng dưới tạo 3 cửa vòm cuốn. Nghi môn ngoại xây kiểu cột đồng trụ hay còn gọi là tứ trụ. Nghi môn nội gồm một gian, hai dĩ, với bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hai đầu rồng.

Gác trống - gác chiêng đều được làm theo kiểu bốn mái uốn cong, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hình hổ phù, tầng trên mở bốn cánh cửa quay về bốn hướng...

Phía trước Hồ bán nguyệt có một khoảng sân rộng.

Đền thờ Hai Bà Trưng gồm tòa tiền tế gồm 7 gian, 2 dĩ, phía trước có đôi voi đá trong tư thế quỳ chầu vào nhau. Hai cổng nhỏ với mái làm theo kiểu “chồng diêm”, mái uốn cong. Nối hai cổng nhỏ là hai bức “cánh phong”. Nhà trung tế gồm 5 gian, 2 dĩ, phía trước có lư hương đá... Nối với gian giữa trung tế là hậu cung, hợp với trung tế tạo thành một kiến trúc tổng thể dạng chữ Đinh.

Đền Ông Thi Sách.

Đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách tọa lạc về phía bên trái đền thờ Hai Bà Trưng có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Đinh. Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng có mặt bằng dạng chữ nhất.

Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh.

Đền thờ các tướng Nam thời Hai Bà Trưng quay hướng Đông Bắc. Nhà tả, hữu mạc đều xây 7 gian.

Phía trước hiên dãy nhà bên phải đền bài trí 8 con voi, ngựa, sư tử, bên trong trưng bày một số di vật khai quật tại thành cổ Mê Linh.

Đặc biệt, Thành cổ Mê Linh hiện vẫn còn dấu vết thành cổ đắp đất, hình “con rắn uốn mình”, dài 1.750m, đắp bằng đất luyện.

Hồ Bán Nguyệt.

Mắt voi, vòi voi, hồ tắm voi, hồ bán nguyệt hiện nay được kè đá, gạch, xung quanh trang trí hoa sen bằng đá xanh tạo cảnh quan cho khu di tích.

Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Di tích Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc,....

Gác chuông.

Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi.

Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ -TTg, ngày 09 tháng 12 năm 2013).

Bài và ảnh: Hồ Hạ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ve-huyen-hoac-cua-den-tho-hai-ba-trung-mot-ngay-mua-300291.html