Về Gò Công đi trên đê và ngắm biển…

Từ thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), xe ô tô 7 chỗ chạy bon bon trên đê biển Gò Công đưa chúng tôi đến bãi biển Tân Thành. Đi trên tuyến đê dài chạy dọc bờ biển nghe tiếng sóng rì rào gợi cho chúng tôi nhớ đến Hoàng Phương - người nhạc sĩ đã lấy cảm hứng biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang) để sáng tác bài hát 'Chiều hè trên bãi biển' với những lời ca:

“Một trưa hè trôi êm trôi êm

Trên sóng biển chiều nao chung bước

Biển xanh xanh trời xanh màu ngọc bích

Cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau

... Để cát bay cát tạo thành hình của sóng

Để ven bờ cát mãi đùa vui”, đã đi vào lòng những người yêu nhạc và yêu biển.

ĐI TRÊN ĐÊ BIỂN GÒ CÔNG

Đê biển Gò Công được hình thành cách đây 70 năm, có chiều dài khoảng 21 km từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Đê biển Gò Công trước đây là tuyến đê đất nhỏ hẹp có nhiệm vụ ngăn không cho nước biển tràn vào nội đồng. Qua thời gian, mặt đê bị xâm thực, bào mòn, triều cường tràn qua gây thiệt hại trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước đây vài năm, mỗi khi bão đổ bộ vào là tỉnh Tiền Giang phải điều động lực lượng ứng trực để bảo vệ đê, phòng ngừa vỡ đê…

Từ năm 1998, đê biển Gò Công đã nhiều lần được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, hoạt động nâng cấp, cải tạo đê biển Gò Công đã được thực hiện một cách bài bản nhờ có chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển phía Nam. Với nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư nhiều nguồn lực cho việc nâng cấp đê biển Gò Công, với nhiều hạng mục quan trọng như xây dựng tuyến đê dự phòng; làm kè chắn sóng bảo vệ mái đê đoạn xung yếu; bắc cầu qua cống Rạch Bùn; trải nhựa mặt đường trên chiều dài toàn tuyến đê biển; xử lý xói lở, sụp lún; xây dựng mới cống Rạch Gốc, cống Vàm Kênh…

Đê biển Gò Công dài 21 km chạy dọc bờ biển từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Công. Ảnh: M.THÀNH

Đặc biệt vào cuối tháng 12-2021, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 3869 phê duyệt Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Mục tiêu của dự án là nhằm chống sạt lở bờ biển, bảo vệ đê biển, khôi phục diện tích đất đã bị xói lở, đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng chục ngàn hộ dân vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Đến nay, Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) đã hoàn thành. Hiện tuyến đê biển Gò Công đã được khép kín với tổng chiều dài khoảng 21 km, chạy dài từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng của huyện Gò Công Đông. Đê biển Gò Công hiện có khả năng chống chịu bão cấp 8 - 9, ngăn chặn ảnh hưởng của triều cường, gió biển trong mùa gió chướng, bảo vệ an toàn hàng chục ngàn ha đất sản xuất và an toàn tính mạng cho hàng chục ngàn hộ dân vùng ngọt hóa Gò Công.

Bên cạnh đó, đê biển Gò Công đã được nâng cấp mở rộng, trải nhựa mặt đường trên toàn bộ chiều dài, tạo thành tuyến đường giao thông ven biển kết nối với tuyến đường trong khu vực; đồng thời, từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng ven biển.

NGẮM BIỂN VÀ KỲ VỌNG

Là tuyến đường giao thông trọng yếu ven biển, đê biển Gò Công đã làm thay đổi diện mạo vùng quê ven biển Gò Công và đang góp phần quan trọng vào phát triển du lịch tại địa phương. Từ nhiều năm nay, bãi biển Tân Thành luôn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.

Với vị trí địa lý thuận lợi khi chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 80 km và TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) khoảng 50 km, biển Tân Thành thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh Tiền Giang nhờ vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh thanh bình… rất đặc trưng của một bãi biển Đồng bằng sông Cửu Long. Biển Tân Thành còn thu hút du khách nhờ một bãi cát đen dài khoảng 7 km và có nhiều hải sản phong phú, hấp dẫn.

Nếu đến bãi biển Tân Thành vào sáng sớm, du khách có thể bộ hành trên cây cầu dẫn ra biển dài 300 m để ngắm bình minh vừa lên; hoặc ngắm trăng vào những buổi tối ngày trăng tròn soi bóng xuống mặt nước biển lấp lánh… Khi đến với bãi biển Tân Thành, du khách còn có thể tắm biển, ngắm nhìn những đợt sóng nhấp nhô dạt vào bãi cát, những chòi giữ nghêu xa xa ngoài biển; hay thư giãn, nghỉ ngơi, thưởng thức nhiều món hải sản đậm đà hương vị biển phù sa…

Du khách đến tham quan biển Tân Thành. Ảnh: M.THÀNH

Sau khi tắm biển, thưởng thức hải sản, du khách còn có thể đi thăm khu vực đê biển Gò Công từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng được xây dựng kiên cố và cũng là đường giao thông uốn lượn dọc theo bờ biển, du khách sẽ càng “mãn nhãn” với hệ thống rừng ngập mặn được trồng ngoài bờ đê để bảo vệ bờ biển khỏi bị xâm thực. Bên trong đê có những ruộng lúa, hoa màu, vườn cây tuơi tốt bên cạnh những ngôi nhà kiên cố… là thành quả quý báu đạt được của chương trình ngọt hóa Gò Công từ trước đây.

Với những ưu điểm trên, du khách đến với biển Tân Thành đang có xu hướng tăng lên, trung bình mỗi năm khu du lịch biển này thu hút hàng ngàn lượt du khách. Nhận thấy tiềm năng lớn về phát triển du lịch, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang đã phối hợp huyện Gò Công Đông lập quy hoạch phát triển mở rộng Khu du lịch biển Tân Thành với quy mô hơn 80 ha: Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang đang khai thác với quy mô 4 ha; Công ty TNHH Vạn Bình An (nay là Vạn Thành Công) đầu tư khai thác với các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ mát và khu vui chơi giải trí du lịch biển với quy mô 11,7 ha; đang tiến hành mời gọi đầu tư (diện tích 66 ha) còn lại.

Ngoài bãi biển Tân Thành, dọc tuyến đê biển Gò Công thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền và Kiểng Phước hiện có nhiều điểm du lịch sinh thái... cũng thu hút khá đông khách đến tham quan, vui chơi vào dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, tuyến đê biển Gò Công còn là nơi mà nhiều du khách, người dân địa phương thường xuyên tới để ngắm biển, hóng gió, thả diều, hay tham quan, trải nghiệm các hoạt động khai thác thủy sản như cào nghêu, bắt cua, ốc…

Hệ thống đê giảm sóng đã và đang được đầu tư xây dựng, về lâu dài sẽ giúp hình thành các bãi bồi, tạo điều kiện để phát triển trở lại hệ thống rừng ngập mặn ven biển Gò Công. Khi rừng ngập mặn phát triển trở lại, cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ bờ biển, tạo cảnh quan, qua đó thu hút thêm nhiều du khách đến với biển Gò Công.

Đồng thời, để phát huy tiềm năng phong phú, đa dạng về sản phẩm du lịch, huyện Gò Công Đông cũng đang tập trung phát triển du lịch theo mô hình du lịch sinh thái biển kết hợp với văn hóa - lịch sử của vùng đất nổi tiếng vốn được mệnh danh là “tứ linh nhân kiệt” từ xa xưa.

Theo đó, các khu du lịch sinh thái ở biển Gò Công được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động đã gắn với các tour du lịch đến các di tích văn hóa - lịch sử như Lăng mộ Hoàng Gia, nhà Đốc phủ Hải, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lăng ông Nam Hải, đình Tân Đông…; hoặc tham quan các làng nghề truyền thống (Làng nghề Tủ thờ Gò Công, cơ sở sản xuất món ăn “tiến cung” nổi tiếng - mắm tôm chà Gò Công)…

Ngoài ra, các tour du lịch đến với biển Gò Công còn có thể nối kết với mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) địa phương tiếp giáp biển Gò Công.

Để trở thành một trong những điểm đến du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung, huyện Gò Công Đông cần tập trung khai thác tiềm năng của biển Gò Công cùng hệ sinh thái ngập mặn ven biển, truyền thống lịch sử, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nông - lâm nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng, có tính hấp dẫn cao.

Với đầy đủ những yếu tố tiềm năng và điều kiện đặc trưng hiếm có của địa phương, tin tưởng rằng biển Gò Công sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng với những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần giúp các huyện ven biển Gò Công phát triển bền vững.

HỮU NGHỊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202401/ve-go-cong-di-tren-de-va-ngam-bien-1001975/