Về dưới mái hiên nhà

Đâu đó trên những ngả đường trong thành phố, điểm vui chơi khu vực trung tâm, không khó để bắt gặp ai đó đang tỉ mẩn tạo hình đồ chơi với mớ lá dừa.

Sắp nhỏ khoe những món đồ chơi làm bằng lá dừa. Ảnh: ĐỖ TÌNH

Giá của một món đồ chơi quê nhà lên phố cũng không rẻ, phải vài chục ngàn để mua bông hoa hồng, con cào cào, con cá xếp bằng lá dừa. Một mức chi phí được cho là phù hợp với nhiều phụ huynh hiện nay, nhưng ở miệt vườn thì lá mọc khắp nơi, sắp nhỏ muốn xếp bao nhiêu cũng được, không lo tốn tiền mua đồ chơi.

Lá dừa trên cây nếu má không gói bánh, thì tụi nhỏ tụm năm tụm ba rủ nhau thắt đồ chơi. Thứ dễ thắt nhất mà chỉ cần nhìn sơ qua vài bước là biết làm, đó là thắt đồ trang sức. Lá dừa bỏ phần gân ở giữa, lá mềm hai bên gân cứ thế mà tước ra làm dây chuyền đeo cổ, vòng đẹp tay và đồng hồ thì độ ngắn của lá phải vừa ôm cổ tay, không được rộng như vòng cổ, và nhỏ nhất là làm chiếc nhẫn...

Đám lá dừa trên cạn chưa hết công chuyện thì lá dừa nước cũng đủ trò để sắp nhỏ chơi, nhất là lá dừa nước còn non. Lá non có màu vàng, mềm mại và phần diện tích lá cũng lớn nên càng dễ bày trò, nhất là ai khéo tay có thể thắt thành túi xách, một đóa hoa hồng, hay cả một đàn cá lớn, nhỏ.

Con nít nhà quê không lo tốn tiền mua đồ chơi là vậy, nhõng nhẽo quá thì tía má, hay anh chị trong nhà thắt cho vài con cào cào, làm cho chiếc nhẫn, cái đồng hồ mà xúng xính. Người lớn làm qua một lần, sắp nhỏ nhìn theo lần sau tự khắc biết làm. Rồi đứa này chỉ đứa kia, có những buổi trưa hè, lá dừa trên cây không kịp để đám nhỏ thắt đồng hồ, thắt nhẫn…

Có khi còn bắt chước tía, chọn một khoảng đất trống ngoài vườn, lá dừa trên cây có nhiêu thì đốn xuống, rồi tập tành cất nhà, lợp mái lá để cả đám vừa một chỗ ngồi xúm xít với nhau. Xuôi về miền châu thổ, Bến Tre nổi tiếng xứ dừa nhưng cây dừa thì không chỉ có ở Bến Tre mà đâu đâu khắp miền lục tỉnh cũng có thể trồng dừa.

Còn dừa nước thì gần như sông rạch nào cũng thấy, nước mặn, nước lợ hay nước phèn cũng chưa ngán bao giờ, cứ thế mà vươn mình, xanh um bên cạnh đám cây đước, cây bần. Một thời mà sách lịch sử, những bài giảng ở trường, thầy cô còn kể chuyện những đám lá dừa nước xanh kín một miền quê, che chở lấy cán bộ mình khi quê hương còn trong khói lửa.

Như miệt Long An đến tận bây giờ, người ta còn nhắc nhớ tự hào lịch sử quê hương với di tích “đám lá tối trời”. Có những ký ức cũng theo người ta lớn lên, nhiều người cũng dạy lại cho con cái của mình món đồ chơi ngày thơ bé. Nhịp sống giữa thị thành người ta chấp nhận bỏ vài chục ngàn để mua con cào cào nhỏ nhắn trong lòng bàn tay, để đứa trẻ sau này lớn lên còn biết cái gọi là đồ chơi dân gian, cây lá quê nhà.

Theo năm tháng, sắp nhỏ trong nhà lớn lên với mớ đồ chơi lá dừa, giờ cũng đã thành trụ cột gia đình. Hàng cây dừa bây giờ cây còn cây mất, đám lá dừa nước cũng hẹp dần khi tốc độ đô thị hóa đã chạm ngõ miền quê. Giữa phố thị nhộn nhịp, người ta vẫn tìm ra món đồ chơi bằng lá dừa, nhưng nó khác, khác lắm bởi có những giá trị cứ mãi thuộc về quê nhà, bình dị như một buổi trưa hè ngồi dưới mái hiên tay xúng xính cái đồng hồ, chiếc nhẫn xanh um vừa mới thắt.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ve-duoi-mai-hien-nha-post735263.html