Vẻ đẹp đào đá Mường Lát

Đào đá được bà con đồng bào dân tộc Mông các xã Nhi Sơn, Pù Nhi (Mường Lát) trồng ở những ngọn đồi cao với khí hậu khắc nghiệt, nhưng lại cho ra những đóa hoa phớt hồng, căng tràn sức sống.

Những cành đào đá được bà con dựng bán từ khá sớm.

Từ sáng sớm, anh Lâu Văn Chớ ở xã Nhi Sơn đã xếp những cành đào đá dọc bên Quốc lộ 15C để bán. Nhà anh Chớ có gần 100 gốc đào đá trồng hơn 10 năm.

Đào đá được trồng trên những sườn đồi có độ dốc lớn. Do khí hậu miền biên khắc nghiệt nên thân cây khẳng khiu, mốc thếch, xù xì, nhưng khi nắng xuân, những cành cây khô này lại bật chồi, ra nụ.

Đào đá có nhiều mức giá khác nhau, có loại chỉ vài trăm nghìn một cành, nhưng đa phần dao động trong khoảng 1-10 triệu đồng. Những cành đắt tiền thường là cây có tuổi đời lâu năm, thế đẹp, thân xù xì, có đầy đủ nụ, hoa, lộc và có cả địa y, tầm gửi bám vào.

Những bông hoa đào đá bắt đầu nở.

Chia sẻ về kinh nghiệm để đào đá ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, anh Chớ cho biết: Đầu tháng 11 âm lịch bà con bắt đầu tuốt lá cho cây đào để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ. Năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn 2-5 ngày, rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn.

Đào đá là loại cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc nhưng lại đem lại thu nhập khá cao, vì vậy nhiều hộ dân ở huyện Mường Lát đã học tập kinh nghiệm, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng đào đá.

Đào đá càng xù xì, rêu mốc càng có giá trị.

Gần 20 năm “săn” đào đá bán vào dịp tết, anh Đinh Văn Tình ở bản Táo, xã Trung Lý cho biết, đào đá được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi nét đẹp mộc mạc nhưng vô cùng cuốn hút. Những gốc đào được phủ rêu mốc, cành xù xì, nhiều đốt, dày nụ, bông to, có màu hồng phai sẽ được khách hàng “chốt đơn” nhanh hơn. Có năm anh bán gần 200 cành, lãi hàng chục triệu đồng. Năm nay anh đã có khách đặt trước gần 50 cành.

Năm nay, giá đào đá Mường Lát cao hơn những năm trước từ 15-20%.

Một cành đào đá cổ thụ có giá vài triệu đồng.

Với những người buôn đào, để lựa chọn được những cành đào đá có giá trị, họ thường phải lên Mường Lát từ khá sớm, khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Có người lên trước Tết Nguyên đán vài ba tháng để đặt cọc.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát Trần Văn Thắng cho biết: Đào đá Mường Lát đa phần được trồng phân tán trong vườn nhà, trên đồi núi. Nhờ khí hậu đặc trưng nên đào có nét đẹp riêng, được nhiều người ưa chuộng. Huyện đang xây dựng loài cây này thành cây chủ lực, với những vùng chuyên canh mang thương hiệu địa phương.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ve-dep-dao-da-muong-lat/205008.htm