Về đất Yên Trung

Hình thành do quá trình bồi đắp của phù sa sông Mã, vùng đất Yên Trung (Yên Định) có con người đến khai phá, lập làng từ rất sớm. Trải qua nhiều thế kỷ, ngày nay về Yên Trung là không gian làng quê nông thôn với nhiều di tích giàu giá trị, chứa đựng nét đẹp văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng tâm linh của đất và người nơi đây.

Phủ Lời dựa lưng vào núi Lời.

Nằm ở phía Tây Bắc huyện Yên Định, Yên Trung, trên thế đất bán sơn địa, được bao bọc bởi nhiều ngọn núi đá: núi Lời, núi Thôn (hay núi Cóc); núi Choải, núi Hang Đen (núi Xó Trùng)... Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, núi Thôn từng là kho quân sự cất giấu vũ khí của quân ta.

“Từ thời Tiền Lê có dòng sông Mã chảy qua, người dân Yên Trung đã biết lợi dụng dòng chảy để đi lại, trao đổi, buôn bán hàng hóa. Bến Cóc (gọi là Đò Lo) là một minh chứng” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Yên Trung). Trải qua thời gian, đến nay sông Mã trước khi “lùi” ra xa vì quá trình bồi lấp của phù sa sông vẫn “kịp” để lại cho vùng đất Yên Trung diện tích mặt nước khá lớn và người Yên Trung vẫn gọi đó “cựu Mã Giang”. Sông Mã (cũ) không chỉ mang lại nguồn thủy sản tự nhiên, thuận lợi cho nuôi trồng mà còn đảm bảo nguồn nước tưới cho hệ thống đất nông nghiệp của toàn xã.

Sông núi bao quanh, đất đai tốt tươi, giao thông đường thủy thuận lợi đã giúp cho Yên Trung từ cả nghìn năm trước là chốn tìm về khai sơn phá thạch, gây dựng cơ nghiệp của những con người cần lao. Đi qua thời gian, những thôn, làng trên đất Yên Trung dần được hình thành, phát triển trù mật. Làng A Đô, Hà Xá, Lạc Tụ, Nam Thạch, Lại Xá... trong đó, Khả Phú, A Đô được được biết đến là hai làng được lập dựng sớm nhất.

Làng Khả Phú trên đất Yên Trung còn được biết đến với tên gọi Kẻ Xú - đây cũng là một trong những làng Việt cổ xưa của xứ Thanh. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thuở còn hoang vắng, những cư dân đầu tiên đến Kẻ Xú đã quần cư thành những ngõ lớn, đến nay còn “lưu” lại với tên gọi: Ngõ Cổng Thang Ngược; Cổng Thang Xuôi; Dưới Cổ Ngựa. Đến khoảng thế kỷ XVII, một người họ Nguyễn ở đất Nga Sơn lên Kẻ Xú lập nghiệp đã tiếp tục khai hoang, lập ra xóm trại, về sau gọi là chòm Nga.

Làng Khả Phú khi xưa nằm bên bờ sông Mã. Nơi đây có bến đò Xứ và chợ Cổ Viên - một trong những địa điểm giao thương sầm uất của người dân trong vùng.

Cùng với Khả Phú, làng A Đô cũng có lịch sử lập làng từ rất sớm. Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Yên Trung: “Vào các triều Đinh, Lê, Lý, Trần có tên gọi là A Đô, Cổ Đô, đến triều Nguyễn có tên gọi là Hà Đô. Theo một số tài liệu còn lưu trữ cho biết, làng được thành lập từ thời nhà Đinh, do hai anh em họ Trịnh là Trịnh Đạo Phớn và Trịnh Đạo Phác lập ra... Làng A Đô là nơi có hoạt động trao đổi kinh tế từ rất sớm. Vào thời nhà Hồ có bà Thượng Đen, người họ Trương có phụ thân làm quan Thượng thư triều Hồ, gọi là quan Thượng Đen. Bà là người có công trong việc xây dựng chợ Đu của làng A Đô”.

Đi qua thời gian, cùng với nỗ lực mưu sinh của những thế hệ người dân cần lao xây dựng quê hương, xóm làng trù mật, người Yên Trung cũng đặc biệt coi trọng đến việc sáng tạo, vun đắp cho đời sống văn hóa được phong phú. Ở Yên Trung hiện nay còn lưu truyền nhiều chuyện kể dân gian, phong tục tập quán và nhiều hoạt động văn hóa khác như hát đối, hát ví, đặc biệt là hát bội (hát tuồng). Một thuở, gánh hát bội của làng A Đô nổi tiếng khắp cả vùng.

Và nhắc đến những giá trị văn hóa của đất và người Yên Trung, không thể không kể đến hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng tâm linh đậm đặc. Theo lời kể của các cụ cao niên ở Yên Trung, khi xưa hầu hết các làng đều có hệ thống đình, nghè, chùa, phủ, đền... thờ Phật, Thánh, các vị thiên thần, nhân thần... có công giúp nước, giúp vua đánh giặc, che chở, phù trợ cho người dân có cuộc sống thanh bình, no đủ. Có thể kể đến: đền thờ Cao Sơn Thượng đẳng thần; đền thờ Đào Cam Mộc; đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt; phủ Lời...

Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt được tôn tạo khang trang là điểm đến tham quan, dâng hương của người dân và du khách khi về với đất và người Yên Trung.

Ghé thăm đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt trên đất làng A Đô xưa, nay là thôn Thọ Lọc, hậu thế thêm một lần nữa được lắng lòng trong chuyện kể về vị danh tướng, nhà quân sự lỗi lạc. Trong thời gian làm Tổng trấn Thanh Hóa, vị đại quan luôn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Vì thế, ông rất coi trọng việc đào kênh dẫn nước. Ông đã trực tiếp chỉ huy việc đào, đắp kênh ở các làng ven sông trên đất Yên Trung. Truyền thuyết ở làng A Đô kể rằng, quan Thái úy cũng là người có công lớn trong phát triển trang A Đô. Tưởng nhớ công ơn của ông, về sau người dân đã lập đền thờ phụng.

Tại đền hiện còn lưu giữ 2 đạo sắc phong thời Nguyễn, nội dung sắc phong cho làng A Đô phụng thờ “Dực Bảo Trung hưng Linh phù Lý Triều Thái Bảo Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt tôn thần” và gia tặng “Trác Vỹ Thượng Đẳng Thần”, được ghi vào điển lễ quốc gia. Do biến thiên của thời gian, năm 2017, trên nền móng cũ, di tích đã được tôn tạo khang trang. Ngôi đền thiêng thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tọa lạc trong không gian rộng rãi, thoáng mát bên dòng “cựu Mã Giang” là “điểm nhấn” trong bức tranh văn hóa của Yên Trung.

Cùng với đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, phủ Lời cũng là điểm đến tâm linh hấp dẫn cho khách phương xa về với đất và người Yên Trung. Di tích “dựa lưng” vào núi Lời, bởi vậy mà tên núi được đặt cho tên phủ.

Phủ Lời là không gian văn hóa tâm linh gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” của người Việt. Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, phủ Lời xã Yên Trung khi xưa từng là trung tâm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của vùng đất cổ. Trải qua thời gian, công trình nhiều lần được trùng tu. Đáng tiếc, qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, chiến tranh, bom đạn khiến cho công trình kiến trúc phủ Lời bị hủy hoại. Trên nền móng cũ với những chân tảng đá, đế cắm lộng... năm 2010 phủ Lời đã được tôn tạo khang trang. Ông Lại Khắc Chứ, người dân địa phương trông coi tại di tích phủ Lời nhiều năm qua, cho biết: “Tại phủ Lời, hằng năm vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch) diễn ra lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân, du khách về dự hội”.

Ông Trịnh Xuân Huy, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung, cho biết: “Yên Trung là vùng đất cổ với nhiều giá trị văn hóa lâu đời. Vì nhiều nguyên do khiến cho các di tích trên địa bàn xã đã bị hư hỏng qua thời gian. Tuy nhiên, những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành và chung tay đóng góp của các thế hệ người dân Yên Trung, nhiều di tích trên địa bàn xã đã và đang được trùng tu, tôn tạo xứng tầm. Hiện nay, Yên Trung có 4 di tích đã được xếp hạng. Hy vọng, các di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương mà còn là điểm đến tham quan, chiêm bái khi du khách về với đất và người Yên Trung”.

Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Yên Trung và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/ve-dat-nbsp-yen-trung/29533.htm