Về cuốn tiểu thuyết chiến tranh của nhà văn Nguyễn Một vừa được giải thưởng

'Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9' là cuốn tiểu thuyết của một người cầm bút sinh ra và lớn lên ở miền Nam dưới thời chiến tranh. Đây là hiện tượng hiếm có vì hầu hết các tác giả tiểu thuyết chiến tranh thành công trong thời gian qua đều có xuất thân là những người lính cụ Hồ. Hay nói cách khác, không có tác giả tiểu thuyết chiến tranh nào ra đời vào thời hậu chiến mà sinh trưởng ở miền Nam trước đây.

Khi nhà văn Bảo Ninh, tác giả của tiểu thuyết lừng danh Nỗi buồn chiến tranh trên đường theo đoàn quân thắng trận hừng hực khí thế tiến vào Sài Gòn thì Nguyễn Một, tác giả của tiểu thuyết “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam là một cậu thiếu niên 12 tuổi đang theo chân ông cậu trong đoàn người sấp ngửa tản cư. Chính cái điểm khác biệt đó về thân phận của hai nhà văn đã tạo nên sự khác biệt cơ bản trong hai cuốn tiểu thuyết chiến tranh đều đoạt giải thưởng này.

Cuốn tiểu thuyết có không gian chính nằm ở một thị trấn nhỏ yên bình cách Sài Gòn không xa. Ở đó có tất cả những cảnh điển hình của đô thị miền Nam vào thời chiến tranh. Quán cà phê ven sông nhỏ nhỏ xinh xinh mà khách hầu hết là các cô cậu học sinh trung học, quán rượu nghèo mà thực khách ngày càng nhiều những lính chiến bị thương trở về từ chiến trường, ngôi nhà thờ với vị Cha chánh xứ già luôn văng vẳng tiếng chuông có lẽ để nguyện hồn tử sỹ chết trận đang ngày càng gia tăng số lượng...

Tất cả những hình ảnh đó chưa hề có trong tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam thời hậu chiến kiểu như “Nỗi buồn chiến tranh”.

Thị xã Thủ Biên, cái địa danh không có trên bản đồ, không chỉ có những cảnh vẻ yên bình giả tạo như trong đoạn đầu tiểu thuyết ấy. Sự ác liệt của chiến tranh mới là thông điệp muốn gửi gắm của nhà văn. Ở cái thị xã nhỏ này, chiến tranh không chỉ là tin chiến trận từ xa. Những cảnh bắt lính, cảnh trốn lính, lựu đạn nổ ngay cạnh nhà thờ mới cho ta cảm giác thực về thời loạn lạc. Bằng lối miêu tả có phần lạnh lùng, nhà văn bày ra trước mắt chúng ta một không khí hỗn độn vào quãng thời gian “từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9”, là quãng thời gian có lẽ từ 1970 cho đến 1975.

Từ Thủ Biên, thị xã nhỏ, tác giả đưa người đọc đi khắp miền Nam để trình bày nỗi đau thời chiến. Sâu trong các làng mạc chiến tranh hiện diện khắp nơi. Những viên đạn lạc không chỉ giết chết một người nông dân như ông Nguyễn Xí. Khắp miền Nam đâu đâu cũng có những cái chết rình rập. Chết và chết.

“Mùa hè năm ấy - mùa hè kỳ lạ nhất ở đất Thủ Biên. Hoa phượng bỗng dưng đỏ rực, nắng đỏ rực, ráng chiều cũng đỏ rực mỗi khi mặt trời dần xuống phía bên bồi của dòng sông. Màu đỏ nhức nhối như những vệt máu đang loang trên bầu trời. Tin tức chiến sự cũng nóng rừng rực trên các mặt báo”. Đoạn văn này có lẽ là một trong những đoạn văn ám ảnh nhất của tiểu thuyết.

Tuy nhiên điều mà nhà văn muốn nhấn mạnh không chỉ là đạn bom. Đạn bom có thể chỉ là cái cớ trong tiểu thuyết này, để tác giả cài đặt một thông điệp lớn lao hơn nhiều. Đó là bi kịch nồi da xáo thịt của dân tộc này.

Một gia đình có những đứa con theo cả 2 phía, có thể cầm súng ngắm vào nhau là bi kịch lớn của dân tộc. Nhà văn cố gắng khắc họa bi kịch này và anh đã thành công. Không có tiểu thuyết chiến tranh thứ 2 nào của Việt Nam thành công hơn “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” về góc độ này, vì thế nó xứng đáng được đón đọc chứ không chỉ vì giải thưởng.

Trần Đình Thu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ve-cuon-tieu-thuyet-chien-tranh-cua-nha-van-nguyen-mot-vua-duoc-giai-thuong-368851.html