Về Bá Giang xem hội diều nghìn năm tuổi

Ngày 15 tháng Ba Âm lịch hàng năm, người làng Bá Giang (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại tổ chức Hội thi thả diều để tưởng nhớ tướng Nguyễn Cả đã cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Chiều 23/4 (tức 15 tháng Ba âm lịch), người dân làng Bá Giang (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) tề tựu đông đủ trước Miếu thờ diều để làm lễ cầu phong, khai mạc Hội thi diều lớn nhất miền Bắc. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Hội thi năm nay có hơn 60 người tham dự, không chỉ là dân làng Bá Giang mà còn từ cả các làng khác như Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Trung... Người tham gia thi mang diều tới xếp thành hàng trước cửa miếu để "trình diều" trước các thánh nhân. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Người tham gia dự thi ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nếu như những nghệ nhân già tự tin với kỹ thuật làm và thả diều thì các bạn trẻ lại tự tin tham gia với những mẫu mã diều đặc sắc, mới lạ. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Diều trước khi trình ở cửa miếu sẽ được kiểm tra xem có đủ tiêu chuẩn không. Những con diều đạt yêu cầu phải là diều sáo, dài tối thiểu 2,20m, rộng tối thiểu 0,60m. Đặc trưng của diều Bá Giang là cánh hình trăng khuyết, dán bằng giấy và được gắn đủ 3 sáo có đường kính từ 2,5cm trở lên. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Hoa văn trên diều thể hiện tấm lòng của người làm diều, tưởng nhớ tới ông Nguyễn Cả - vị dũng tướng đã gây dựng nên làng Bá Dương Nội (nay là làng Bá Giang) sau khi giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Chủ của những chiếc diều đạt tiêu chuẩn tham dự giải sẽ được phát số thứ tự, đai đỏ đeo đầu và ngang người để thêm phần khí thế. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Mỗi năm, làng Bá Giang lại cử một người khéo tay làm một chiếc diều dài 5m, rộng 1m50 để làm biểu tượng. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Tiếng trống khai hội vang lên cũng là lúc hàng chục chiếc diều lớn được di chuyển từ Miếu ra đồng để bắt đầu tham gia Hội thi. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Người dân háo hức mang diều ra bãi thả. Nhiều con diều có sải cánh dài tới 3-4m, khi thả phải hai người căng dây. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Tổ trọng tài sẽ chấm giải trong khoảng 30 phút (tùy theo tình hình gió). Những diều đạt tiêu chuẩn chấm giải sẽ được đánh dấu, báo chủ diều hạ và thu diều về trình trước cửa đền. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Để diều bay đứng cánh, không chao đảo, người cầm dây không chỉ cần sức khỏe, lực mạnh mà còn cần độ dẻo dai, nhanh nhạy lái diều theo gió. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Dân làng Bá Giang quan niệm rằng nếu diều bay cao, tiếng sáo ngân vang thì đó là dấu hiệu của một năm tràn đầy sức khỏe và may mắn. Diều đạt giải nhất là diều bay được cao, đứng cánh, tiếng sáo trong veo, vi vút. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Người dân hào hứng đổ ra đồng xem Hội thi thả diều. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Sau khi có kết quả chấm giải, Hội thi diều sẽ kết thúc. Những cánh diều vẫn tiếp tục bay, tiếng sáo vẫn du dương để "hầu thánh" cho đến tận đêm khuya. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Năm nay, Hội diều làng Bá Dương Nội (tức làng Bá Giang, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/photo-ve-ba-giang-xem-hoi-dieu-nghin-nam-tuoi-post941751.vnp