VĐV bơi lội Nguyễn Thị Kim Tuyến: Tiểu ngư vụt sáng

Tại giải bơi VĐQG, tay bơi TP.HCM Nguyễn Thị Kim Tuyến đoạt 10 HCV, 2 HCB, phá 8 KLQG (1 KL bơi tiếp sức) làm gợi nhớ tượng đài Nguyễn Kiều Oanh tại ĐH TDTT TQ năm 1990.

(TT&VH cuối tuần) – Tại giải bơi VĐQG (23-27/9/2009), tay bơi TP.HCM Nguyễn Thị Kim Tuyến đoạt 10 HCV, 2 HCB, phá 8 KLQG (1 KL bơi tiếp sức) làm gợi nhớ tượng đài Nguyễn Kiều Oanh với kỷ lục của lịch sử bơi lội Việt Nam là đoạt 14 HCV (3 tiếp sức), phá 5 KLQG tại ĐH TDTT TQ năm 1990. Tuy ít HCV hơn, nhưng Kim Tuyến hứa hẹn sức “công phá” mãnh liệt hơn, bởi Kim Tuyến (sinh ngày 13/9/1994) năm nay mới 15 tuổi, còn Kiều Oanh ở thời điểm lừng lẫy kể trên đã ở tuổi 21. Bơi giỏi, học cũng giỏi Khi tiểu ngư Nguyễn Thị Kim Tuyến vụt sáng ở giải VĐQG năm nay, Trưởng bộ môn TTDN TP.HCM Chung Tấn Phong đã tổng kết các bài học làm nên “hiện tượng” Kim Tuyến và nhận thấy: Tốc độ cải thiện thành tích nhanh và liên tục là chỉ tiêu đánh giá tài năng đáng tin cậy nhất. Đơn cử ở bảng kỷ lục lứa tuổi bơi lội TP.HCM, năm 12 tuổi (2006), Tuyến có 11 lượt phá kỷ lục lứa tuổi hồ 50m và 7 lượt phá kỷ lục lứa tuổi hồ 25m; năm 13 tuổi (2007), Tuyến có 19 lượt phá kỷ lục lứa tuổi hồ 50m và 8 lượt phá kỷ lục lứa tuổi hồ 25m; năm 14 tuổi (2008), Tuyến có 9 lượt phá kỷ lục lứa tuổi hồ 50m và 9 lượt phá kỷ lục lứa tuổi hồ 25m. Hầu như giải nào Tuyến cũng cải thiện thành tích của mình. Tương tự, Tuyến đều đặn tăng tiến thành tích ở giải VĐQG, giải vô địch các nhóm tuổi ĐNA. Nói cách khác, “hiện tượng” Nguyễn Thị Kim Tuyến thực ra là cách nhìn nhận của người hâm mộ, chứ đối với người trong cuộc như bộ môn TTDN, ban huấn luyện (BHL) bơi lội TP.HCM thì Kim Tuyến chính là sự đầu tư tầm xa và bước đầu có thành quả. Còn nhớ, năm Tuyến 12 tuổi, BHL cho Tuyến “thử lửa” lần đầu tiên ở ĐH TDTT TQ 2006, và “bé con” đoạt HCĐ 200m hỗn hợp trong khi nhất, nhì cự ly là hai chị Võ Thị Thanh Vy (TP.HCM), Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) hơn Tuyến từ 6-8 tuổi. Thành tích quốc gia đầu đời đáng chú ý này của Tuyến bộc lộ thêm một điều Tuyến là VĐV đa năng có thể bơi tốt 4 kiểu. Nhờ đó, BHL mạnh dạn đưa Nguyễn Thị Kim Tuyến vào diện đầu tư đặc biệt đến Olympic 2016. Không chỉ bơi giỏi, Kim Tuyến còn là học sinh 9 năm liền đạt danh hiệu giỏi ở Trường THCS Vân Đồn (quận 4). Giải VĐQG 2009 vừa xong, khi Kim Tuyến phá KLQG 50 bướm tồn tại 16 năm của HLV Nguyễn Kiều Oanh, chính cựu kỷ lục gia cũng khen: “Tôi rất quý sự chịu khó tập luyện của Tuyến. Ngoài kỹ thuật bơi bướm chuẩn, để thành công ở cự ly tốc độ như 50m bướm còn đòi hỏi ý chí phấn đấu cao, và Tuyến có phẩm chất này”. Để cùng lúc làm tốt hai việc khó không kém gì nhau, Kim Tuyến bơi 2 buổi/ ngày, đều đặn mỗi 4g30 sáng tập luyện ở CLB Yết Kiêu đến 6g30 thì đi học, buổi tối Tuyến ngủ trung bình 5 giờ, và hầu như chưa khi nào bỏ tập kể từ lúc gia nhập hệ thống năng khiếu bơi TP.HCM (năm 6 tuổi) đến nay. Học giỏi cũng là một biểu hiện cho trí thông minh và nền tảng kiến thức giúp Kim Tuyến có đặc điểm mà nhiều VĐV khác chưa đạt được là tiếp thu và thực hiện tốt giáo án của HLV. Gặp đúng thầy! Cuối năm 2006, khi Quỹ Bảo trợ tài năng thể thao trợ cấp cho Kim Tuyến lần đầu tiên, mới biết gia cảnh em khó khăn nhiều lắm. Ở thời điểm đó, gia đình Tuyến vẫn phải “ăn đong” tùy vào quầy sửa đồng hồ của cha và việc may gia công của mẹ. Nhờ tiêu chuẩn dinh dưỡng và tiền công của VĐV bơi tuyến năng khiếu tập trung mà Kim Tuyến có thêm “chất tươi” cho khẩu phần ăn hàng ngày, có học phí học thêm (200.000 đồng/ tháng) và mua cho gia đình chiếc xe máy trị giá 6 triệu đồng, để mẹ khỏi “lóc cóc” xe đạp mỗi khi đưa đón Tuyến tập bơi. Rõ ràng, gia cảnh thế này, tự Kim Tuyến khó có điều kiện tìm đến bơi lội, nếu không nhờ chủ trương tìm năng khiếu trong các trường mẫu giáo của ngành TDTT quận 4. HLV Trịnh Hương Mỹ (trưởng bộ môn TTDN quận 4) cho biết: “Hồi đó, Kim Tuyến được chú ý nhờ độ nổi rất tốt. Dần dần, chúng tôi nhận thấy Tuyến có ý chí phấn đấu cao (luôn đạt yêu cầu ở mức tối đa từ đầu đến cuối bài tập), khả năng tiếp thu nhanh và say mê bơi lội”. Chưa đầy 2 năm tập ở quận 4, Tuyến được vào năng khiếu trọng điểm TP tập ở Yết Kiêu, và may mắn thay, sau những lần chia nhóm huấn luyện, Kim Tuyến đều “thọ giáo” với HLV Trần Duy Mỹ đến nay là hơn 8 năm nay. Là cựu kỷ lục gia 100m và 200m bướm nam, Trần Duy Mỹ quyết tâm theo nghề HLV bơi vì “muốn đào tạo các kình ngư có thể hoàn thành những ước mơ chưa trọn vẹn của tôi ngày xưa, như đoạt huy chương SEA Games”. Thực tế, hai thầy trò đã nuôi mơ ước cải thiện thành tích 100m bướm từ năm 2007. HLV Duy Mỹ nhận định: “Tuy hơi thiệt thòi về thể hình nhưng Tuyến có độ nổi tốt, sức mạnh bộc phát và kỹ thuật đều khá và đây là những ưu điểm để Tuyến theo đuổi kiểu bơi bướm vất vả”. Giờ đây, Nguyễn Thị Kim Tuyến đạt chuẩn B Olympic Trẻ ở 100m bướm với thành tích 1’03”96 (tháng 6/2009), phá KLQG 50m, 100m và 200m bướm, qua đó vượt HCĐ SEA Games 2007 ở 200m bướm (2’19”95 so với 2’20”71), xấp xỉ HCĐ 100m bướm (1’02”72 so với 1’02”25) có không ít công sức của HLV Trần Duy Mỹ, như nhận xét của trưởng bộ môn Chung Tấn Phong: “HLV trực tiếp Trần Duy Mỹ thương yêu và chăm sóc VĐV hết mình; luôn đặt mục tiêu cao để VĐV phấn đấu; biết truyền cảm hứng cho VĐV; dám ứng dụng cái mới, tận dụng thế mạnh của công nghệ (vi tính, mạng internet, máy quay phim, các thiết bị chuyên dùng dành cho huấn luyện); tỉ mỉ trong lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch; đặc biệt là có đam mê cháy bỏng vươn tới đỉnh cao bơi lội”. Một tuần sau giải VĐQG 2009, Nguyễn Thị Kim Tuyến quay lại Trung Quốc vì em vẫn còn mục tiêu phấn đấu có huy chương ở SEA Games tháng 12/2009. Tất nhiên, phải chờ quyết định của tổng cục TDTT bổ sung Nguyễn Thị Kim Tuyến vào ĐTQG bơi “tham chiến” ở SEA Games 25. THÀNH TÍCH CỦA NGUYỄN THỊ KIM TUYẾN SO VỚI SEA GAMES NĂM 2007 So sánh 7 KLQG các cự ly cá nhân của Kim Tuyến và thành tích SEA Games 2007, Tuyến vượt HCĐ 200m bướm và xấp xỉ HCĐ 100m bướm. 1. Cự ly 200B: 2’19”95 (HCV, phá KLQG): HCĐ SEA Games: 2’20”71 2. Cự ly 100B: 1’02”72 (HCV, phá KLQG): HCĐ SEA Games: 1’02”25 3. Cự ly 200N: 2’22”35 (HCV, phá KLQG): HCĐ SEA Games: 2’21”43 4. Cự ly 100TD: 59”40 (phá KLQG khi bơi đợt 1 trong nội dung TS 4 x 100TD, kỷ lục cũ 59”59 của đồng đội Trần Tâm Nguyện lập trước đó 1 ngày): HCĐ SEA Games: 58”45 5. Cự ly 200HH: 2’24”68 (HCV, phá KLQG): hạng 5 SEA Games: 2’23”08 6. Cự ly 50B: 28”69 (HCV, phá KLQG. kỷ lục QG cũ 29”20 của Nguyễn Kiều Oanh - TP.HCM lập vào tháng 4/1993): không có trong hệ thống thi SEA Games. 7. Cự ly 50N: 31”28 (HCV, phá KLQG): không có trong hệ thống thi SEA Games.

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/158n2009100904094879t158/vdv-boi-loi-nguyen-thi-kim-tuyen-tieu-ngu-vut-sang.htm