Vay vốn Trung Quốc làm cao tốc Bắc-Nam: Mất cân đối...

Cứ vừa làm vừa điều chỉnh là nguyên nhân gây ra những mất cân đối cho nền tài chính, kinh tế của nước ta.

Khẳng định việc xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam là cần thiết nhưng ĐBQH Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội lưu ý tới hiệu quả, cách thực thực hiện cũng như phương án huy động vốn sẽ thực hiện cho dự án này.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội

PV:- TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia lập luận rằng, với tổng vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam là bài toán khó cho vốn vay nội địa. Vì thế, ông đã gợi ý cho các doanh nghiệp vay vốn từ Trung Quốc để tránh rủi ro về tỷ giá.

Ông bình luận như thế nào về đề xuất này? Trong bối cảnh gánh nặng nợ công cao, sức ép trả nợ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, theo ông, có nên đặt vấn đề đi vay để đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Nam hay không?

ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Trước hết để trả lời cho câu hỏi Việt Nam có cần xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam hay không thì tôi trả lời là có. Việt Nam với địa hình trải dài từ Bắc vào Nam, việc xây dựng một trục giao thông huyết mạch có tốc độ thuận lợi là điều kiện cần thiết để thúc đẩy mọi hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại trong nước. Phát triển hạ tầng giao thông cũng là tạo nền tảng và hỗ trợ cho phát triển liên kết vùng kinh tế. Đây là lý do tôi nói cần xây dựng dự án này.

Tuy nhiên, xây dựng theo hình thức nào? Khả năng huy động vốn ra sao? Và xây dựng thời điểm nào là thích hợp, tôi cho rằng cần phải được tính toán, cân nhắc rất kỹ.

Nếu một dự án có khả năng khai thác cao, hiệu quả thu hồi vốn nhanh thì hoàn toàn có thể huy động vốn từ các nguồn lực xã hội mà không nhất thiết phải sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Ngược lại, một dự án đầu tư có nguồn vốn cao nhưng không mang lại hiệu quả, thì cuối cùng chỉ gây lãng phí cho ngân sách, trở thành gánh nặng cho xã hội. Do đó, chúng ta phải tính toán kỹ là vì thế.

Chúng ta đã biết, Việt Nam đang rơi vào tình trạng trần nợ công rất cao, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển còn bị hạn chế, việc huy động ngay một lúc đủ nguồn lực từ ngân sách để thực hiện dự án trên là bất khả thi. Vì vậy, quan điểm của tôi vẫn cho rằng, nếu thực hiện dự án trên nên thực hiện theo phương án xã hội hóa, dứt khoát không sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ đáp ứng một nguồn ngân sách cơ bản, còn lại giao doanh nghiệp tự thu xếp vốn.

Khi doanh nghiệp tự đứng ra thu xếp vốn, họ sẽ lựa chọn, cân nhắc được nguồn vốn nào là tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất với mục đích đầu tư của doanh nghiệp.

Cũng cần phải lưu ý rằng, song song với dự án trên chúng ta đã có dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng toàn tuyến QL1A cũ với tổng số vốn đầu tư khoảng 126.415 tỉ đồng. Đây là một dự án lớn, xuyên suốt chiều dài đất nước vì vậy cần đặt vấn đề xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam thời điểm này đã phù hợp và cần thiết hay chưa? Và nếu thực hiện thì phải thực hiện thế nào? Nên thực hiện ngay một lúc toàn dự án hay nên chia dự án làm nhiều phân kỳ, nhiều giai đoạn? Chỗ nào cần thì làm trước, tuyến nào chưa cần thiết thì để làm sau?

Trở lại với đề xuất vay vốn từ Trung Quốc để xây dựng dự án trên. Quan điểm của tôi là không phân biệt nguồn gốc đồng vốn đó đến từ nước Nhật, nước Trung Quốc hay Pháp... tôi chỉ quan tâm tới hiệu quả sử dụng của nguồn vốn đó thế nào? Nguồn vốn đó có đáp ứng được nhu cầu huy động của doanh nghiệp và có giúp doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh doanh hay không?.

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay còn phải đáp ứng được tiến độ giải ngân cũng như những điều kiện ràng buộc đi kèm của nhà cung cấp vốn phải thể hiện cụ thể, chi tiết. Nguồn vốn vay phải đáp ứng được mục tiêu của nhà đầu tư nữa.

Khi đề cập tới vốn vay từ Trung Quốc bao giờ người ta cũng nhìn thấy những cái lợi thế ban đầu như: ít bị phụ thuộc vào biến động của tỉ giá dựa trên mối quan hệ giữa hai nước, hay chi phí vay vốn thấp, thủ tục nhanh gọn... Tuy nhiên, dù vay vốn của nước nào mà không xem xét kỹ lưỡng những điều kiện ràng buộc kèm theo và không có đánh giá kỹ tính ổn định, tính khả thi của nguồn vốn thì những lợi thế lại trở thành rào cản. Vì thế, người ta hay nói vay vốn Trung Quốc rẻ lại hóa đắt là như vậy.

PV:- Đề cập đến vốn vay từ Trung Quốc, dư luận cũng như các chuyên gia đều lo ngại, bài học của đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ lặp lại. Việt Nam sẽ không chủ động được về nguồn vốn, công nghệ, chậm tiến độ, đội vốn... Ông chia sẻ thế nào với những lo ngại trên?

ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Đấy là những vấn đề như tôi đã nói. Ở đây là phụ thuộc vào những cam kết, ràng buộc giữa bên vay vốn và nhà cung cấp vốn. Thông thường ở những nước có cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư phát triển, họ sẽ đưa ra các phương án tính toán xây dựng dự án cũng như phương án sử dụng vốn hết sức chặt chẽ. Bao gồm cả việc dự tính các yếu tố có khả năng phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đó. Do đó, khi triển khai dự án những yếu tố phát sinh rất ít, thậm chí gần như bằng 0.

Chính vì sự khắt khe đó mà ngay trong giai đoạn trình dự án người ta thường nhìn thấy những phương án của các nước này có chi phí vay vốn cao hơn, thủ tục vay vốn cũng khó khăn hơn. Đây là lý do khiến chúng ta e ngại và muốn lựa chọn nguồn vốn cũng như nhà thầu dễ tính hơn như Trung Quốc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vay-von-trung-quoc-lam-cao-toc-bac-nam-mat-can-doi-3321953/