Vay ngân hàng này trả ngân hàng khác ế khách, vì sao?

Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi quy định khách hàng có thể vay tiền tại ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, Hải Dương vẫn chưa có trường hợp nào vay mới để trả nợ cũ.

Dù không ít khách hàng có nhu cầu chuyển khoản vay, song vì một số vướng mắc nên việc vay ngân hàng này trả ngân hàng khác chưa thể thực hiện (ảnh minh họa)

Mới nhưng vướng

Một trong những điểm mới nổi bật của Thông tư 06 là các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay vốn để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với mục đích vay “mở hơn” so với Thông tư 39 cũ (ban hành năm 2016, hiệu lực từ tháng 3/2017). Đó là vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống thiết thực như mua nhà, mua ô tô.

3 năm trước, anh N.Đ.T. ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vay gần 1,3 tỷ đồng của một ngân hàng trong tỉnh để mua một căn nhà nhỏ trong thành phố. Sau thời gian ưu đãi, hiện lãi suất khoản vay này đang ở mức 11%/năm. “Trung bình mỗi tháng cả gốc và lãi, gia đình tôi phải trả ngân hàng khoảng 15 triệu đồng. Tôi tìm hiểu về Thông tư 06 và đã hỏi bộ phận tín dụng một ngân hàng khác, song đến giờ vẫn còn một số vướng mắc nên chưa thể vay ngân hàng mới để trả khoản nợ cũ”, anh T. chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số vướng mắc mà anh T. vừa nêu là vấn đề phối hợp cung cấp thông tin khoản vay từ phía ngân hàng mà anh T. đang vay, việc giải chấp tài sản bảo đảm, nhất là phí trả nợ trước hạn ở ngân hàng cũ. Đây cũng là vấn đề mà chị D.T.T.T. ở xã Tân Trào (Thanh Miện) gặp phải. “Nhân viên ngân hàng cũ không gây áp lực gì để giữ khoản vay của gia đình tôi, song họ khuyên chúng tôi cân nhắc bởi phí trả nợ trước hạn ở mức hơn 2% tính trên số dư nợ còn lại, chưa kể một số khoản phí phát sinh theo quy định khác. Do vậy khi cộng với mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên tại ngân hàng mới thì lãi suất cơ bản cũng không quá chênh lệch so với ngân hàng đang vay, tức là thực tế không được hưởng lợi quá nhiều. Vì vậy, chúng tôi cũng đang nghe ngóng thêm chứ chưa quyết định”, chị T. thông tin.

Đây là một số vướng mắc nổi cộm trong suốt gần 2 tháng qua khi Thông tư 06 có hiệu lực.

Cần “mẫu số” chung

Tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương cùng một số ngân hàng thương mại trong tỉnh chiều 17/10, các ngân hàng đều cho biết chưa thực hiện giải ngân khoản tín dụng nào để phục vụ khách hàng trả nợ trước hạn theo Thông tư 06. Thậm chí, có ngân hàng cho biết đến nay hội sở chính chưa ban hành hướng dẫn thực hiện thông tư này.

Hầu hết các ngân hàng ở Hải Dương, đặc biệt là nhóm Big 4 đều chung quan điểm rằng mức độ chấp nhận rủi ro khi thẩm định phê duyệt một khoản vay của khách hàng nào đó phụ thuộc từng ngân hàng. Song cơ bản không có sự khác biệt với những khoản vay khác. “Với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt thì ngân hàng đang có khoản vay sẽ cố gắng để níu giữ, có thể thông qua việc giảm lãi suất hiện tại hoặc có chính sách ưu đãi khác. Với khách hàng có lịch sử xấu thì dù ngân hàng đang vay không giữ nhưng ngân hàng mới chưa chắc đã chấp nhận, bởi sẽ tăng nguy cơ nợ xấu, ảnh hưởng chỉ tiêu tăng trưởng”, đại diện một ngân hàng trong nhóm Big 4 ở TP Chí Linh chia sẻ.

Một vấn đề khác cũng khiến việc vay ngân hàng này trả ngân hàng khác ế khách, đó là tính chất đặc thù của các dự án bất động sản có liên kết ngân hàng. Trên cả nước, rất nhiều dự án chung cư, khu đô thị chưa có "sổ hồng", khách hàng mua nhà ở những dự án này thường phải vay vốn ở các ngân hàng thương mại có liên kết với chủ đầu tư. Ở Hải Dương là trường hợp của khu đô thị Ecorivers. Vì vậy, nếu khách hàng muốn chuyển nợ sang ngân hàng khác không nằm trong danh sách liên kết với chủ đầu tư dự án sẽ gặp vướng mắc trong thẩm định hồ sơ, thủ tục tài sản thế chấp.

Vay ngân hàng này trả ngân hàng nọ không làm tăng mức tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng cần đẩy mạnh sản phẩm, dịch vụ mới với nhiều ưu đãi hơn để kích cầu tín dụng thị trường (ảnh minh họa)

Trong trường hợp khách hàng đủ điều kiện để chuyển khoản vay, lúc này ngân hàng cho vay mới lại phải đối mặt với độ trễ trong tiếp nhận tài sản bảo đảm. Khi chuyển nợ từ ngân hàng A sang ngân hàng B, hai ngân hàng này sẽ phối hợp cung cấp hồ sơ, giải chấp tài sản bảo đảm của khách hàng tại ngân hàng A để thế chấp tại ngân hàng B. Tuy nhiên, quá trình giải chấp-thế chấp này được thực hiện trong bao lâu phụ thuộc nhiều yếu tố. “Khoảng thời gian trống tài sản ấy sẽ tạo áp lực rất lớn đối với ngân hàng tiếp nhận, bởi chúng tôi phải chấp nhận cho vay tín chấp với khách hàng chưa chắc đã đủ điều kiện để vay tín chấp”, đại diện một ngân hàng ở TP Hải Dương chia sẻ.

Thông tư 06, nhất là nội dung về việc vay ngân hàng này trả ngân hàng khác được nhiều người đón nhận, góp phần tạo điều kiện giúp khách hàng có thêm cơ hội tiếp cận tín dụng, lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt trong bối cảnh hoạt động cho vay có dấu hiệu chững lại trong những tháng vừa qua. Điều này cũng gia tăng áp lực, buộc các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh về lãi suất để vừa duy trì tập khách hàng hiện hữu, vừa thu hút thêm khách hàng mới.

Thiết nghĩ, các ngân hàng thương mại cần đề xuất giải pháp để giải quyết triệt để những “điểm nghẽn” như vừa nêu. Ít nhất nên có quy định cụ thể về thời gian tiến hành chuyển nợ.

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vay-ngan-hang-nay-tra-ngan-hang-khac-e-khach-vi-sao-360656.html