VASEP nhìn nhận để hoàn thiện

(VEN) - Trong nhiệm vụ hỗ trợ DN thành viên tăng xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thiết lập được quan hệ với nhiều tổ chức, DN nước ngoài, thu hút được nguồn lực quốc tế phục vụ công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên phát biểu trong Đại hội toàn thể lần thứ 4 của VASEP Tuy nhiên, trong Đại hội toàn thể lần thứ 4, tổ chức tại TP.HCM vừa qua, VASEP cũng nhìn nhận là vẫn còn nhiều bất cập, bất ổn trong triển khai các hoạt động, một trong những trở ngại lớn là việc đoàn kết các thành viên trong lĩnh vực xuất khẩu và đối phó với các rào cản thương mại, những thông tin bôi nhọ từ việc cạnh tranh không lành mạnh. Hỗ trợ DN thành viên tăng cường XTTM. Theo VASEP, chỉ trong 5 năm trở lại đây, hiệp hội đã thiết lập được thêm quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế và hiệp hội thủy sản các nước như Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), Hiệp hội Nhập khẩu và Chế biến Thủy sản EU (SIPA), Trung tâm Dịch vụ tư vấn - thông tin tiếp thị thủy sản khu vực Ả rập (Infosamak)…; đồng thời cũng tham gia nhiều hoạt động quốc tế liên quan đến lĩnh vực thủy sản quốc tế như phối hợp với GAA tổ chức Hội nghị tôm toàn cầu 2005 (GSOL 2005) tại Việt Nam, tham dự tọa đàm với chuyên gia thương mại thủy sản của FOA tại Đức (2006), Hội thảo ASEM về các quy định VSATTP (2006)… và hàng loạt các sự kiện khác. Trong chương trình XTTM quốc gia, VASEP cũng đã tổ chức được cho DN hội viên tham gia hầu hết các hội chợ thủy sản lớn trên thế giới. Riêng trong nhiệm kỳ III, hiệp hội tổ chức trên 36 đoàn DN tham dự hội chợ thủy sản tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Nga, Trung Đông, Tây Ban Nha…, hỗ trợ DN đi khảo sát thị trường Ai Cập, Ma rốc, Chile, Brazil… Ngoài ra, VASEP còn tổ chức cho phóng viên một số tạp chí chuyên ngành thủy sản quốc tế như Seafood International, Asia Pacific Aquaculture, Intrafish… đến các DN thành viên tìm hiểu, viết bài giới thiệu, quảng bá rộng rãi những thành tựu trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu của thủy sản Việt Nam. Đặt biệt, trong 2 vụ kiện chống bán phá giá cá tra và tôm tại Mỹ, Ủy ban Cá nước ngọt VASEP đã cùng các DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) tiến hành nhiều cuộc vận động hành lang liên quan đến Luật Farm Bill 2008 của Mỹ, chống lại việc đưa cá tra Việt Nam vào định nghĩa “catfish” và đã mang lại hiệu quả bước đầu; đồng thời đề nghị và được Chính phủ đồng ý khiếu kiện ra WTO về việc Mỹ vi phạm các quy định của WTO trong quá trình tính toán, áp đặt thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam. Vụ khiếu kiện được xem là mở đầu cho những động thái chủ động hơn của Việt Nam trong sử dụng quyền hội viên WTO trong các tranh chấp quốc tế. VASEP cũng tổ chức thành công 12 hội chợ quốc tế thủy sản Việt Nam (Vietfish) tại Việt Nam, đưa Vietfish trở thành sự kiện thủy sản có uy tín trong khu vực và thế giới. Mới đây hiệp hội còn tổ chức cho DN thành viên tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), đã có 2 hội viên là Agifish, và Bình An được công nhận thương hiệu quốc gia trong 43 DN cả nước. Tăng cường đoàn kết các thành viên và đổi mới phương pháp XTTM Tuy nhiên, trong đại hội toàn thể lần thứ 4, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cũng nhìn nhận là vẫn còn một số bất cập trong triển khai các hoạt động của VASEP. Một trong những trở ngại lớn là việc đoàn kết các thành viên trong lĩnh vực xuất khẩu và việc phát triển quá nóng của ngành. Vẫn còn việc các thành viên không tin nhau, không phối hợp nhau, cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá… Do quá trình phát triển tự phát kéo dài nhiều năm, ngành thủy sản đang tồn tại những mâu thuẫn nội bộ, tích tụ những mất cân đối ở mức độ ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể là việc mất cân đối giữa cung cấp nguyên liệu và chế biến ngày càng trở nên trầm trọng, sản lượng cung cấp giảm bởi nuôi trồng vẫn phát triển tự phát, chưa quy hoạch theo công nghiệp hóa, trong khi năng lực và trình độ chế biến phát triển quá nhanh Cũng theo ông Hải, công tác XTTM vẫn theo phương pháp cũ, tính chuyên nghiệp chưa cao, kể cả trong các kỳ Vietfish mang tầm quốc tế hàng năm, nên hiệu quả có xu hướng giảm. Hơn thế, trong khi cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng gay gắt, các rào cản kỹ thuật, thương mại rất ngặt nghèo, quy định về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái và trách nhiệm xã hội của DN ngày càng cao… thì công tác nghiên cứu tổng hợp, phân tích xu hướng thị trường, tìm hiểu sâu môi trường kinh doanh, dự báo các tình huốngcó thể xảy ra từ VASEP nhằm giúp các thành viên chủ động đôíphó vẫn còn yếu. Trước những khó khăn, tồn tại trên, ngay tại đại hội, VASEP đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục và hạn chế những tồn tại, khó khăn như: Giảm thủ tục hành chính cho DN, liên kết nội bộ, chống cạnh tranh xấu, cải thiện chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao tính chuyên nghiệp của Hiệp hội… Tham dự và đóng góp ý kiến với đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, trước mắt, VASEP nên tìm cách khắc phục những bất cập trong tranh mua, tranh bán, song không nên dùng biện pháp hành chính mà nên vận động DN tham gia. Ngoài ra, hiệp hội tiếp tục tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam để chống việc bôi nhọ do cạnh tranh không lành mạnh ở nước ngoài. Công tác XTTM hỗ trợ DN xuất khẩu cũng phải đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của DN, nên đổi mới phương pháp XTTM./. Ngọc Long

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/14912/seo/vasep-nhin-nhan-de-hoan-thien/language/vi-vn/default.aspx