Vào mùa sản xuất khô tết

Còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, những ngày này, các cơ sở làm khô phục vụ thị trường tết lại tất bật vào mùa.

Tất bật sản xuất khô bò

Thời điểm này, nhiều người dân xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đang tất bật sản xuất khô bò chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Đây là nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây.

Từ sáng sớm, hơn 10 lao động của Cơ sở sản xuất khô Tám Ben (ấp Hòa Hiệp 2, xã Hiệp Hòa) đã tất bật xẻ thịt, phơi thịt,... Theo ông Hồ Văn Ben - chủ Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben, những tháng cao điểm dịch Covid-19, cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng. Từ khi tỉnh thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, cơ sở mới dần khôi phục hoạt động.

Đặc sản khô bò vào mùa phục vụ thị trường tết

Đặc sản khô bò vào mùa phục vụ thị trường tết

Ông Ben cho biết, hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sức mua chưa hoàn toàn phục hồi. Tuy nhiên, thời điểm này, sức mua tăng nên cơ sở tăng công suất hoạt động. Mỗi tuần, cơ sở sản xuất khoảng 300kg khô bò các loại, cao gần gấp đôi so với ngày thường. Cơ sở phải đầu tư máy móc, thiết bị và thuê thêm lao động để kịp giao hàng cho khách. Trung bình, khoảng 3kg thịt bò tươi sẽ thu được 1kg khô bò, giá bán từ 350.000 - 650.000
đồng/kg (tùy loại).

Nhờ hương vị thơm ngon, giá cả hợp lý nên nhiều năm qua, đặc sản khô bò của cơ sở Tám Ben được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Không chỉ có mặt khắp các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khô bò Tám Ben còn tiêu thụ mạnh ở TP.HCM, Hà Nội,... “Từ tháng 10 Âm lịch hàng năm, cơ sở tăng công suất hoạt động vì đơn hàng nhiều hơn. Hiện tại, tổng đơn đặt hàng mà gia đình tôi đã nhận cho vụ tết năm nay khoảng 2 tấn khô. Tuy giảm khoảng 1/2 so với những năm trước nhưng trong tình hình dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ như vậy là khá tốt” - ông Ben cho biết thêm.

Được biết, đặc sản khô bò của cơ sở Tám Ben đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019. Đây là động lực để cơ sở mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: “Vừa qua, đoàn công tác của Sở Công Thương đã đến khảo sát Cơ sở khô bò Tám Ben về công tác chuẩn bị cho thị trường tết năm nay, nhìn chung, cơ sở đang tăng cường sản xuất để đủ sản lượng cung ứng cho khách hàng. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben cũng như các cơ sở sản xuất khô bò của huyện Đức Hòa trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, góp phần đưa đặc sản này được tiêu thụ rộng rãi hơn trên thị trường”.

Với tiêu chí thơm ngon, an toàn, bảo đảm chất lượng, đặc sản khô bò ở xã Hiệp Hòa không chỉ là sự lựa chọn của người dân địa phương mà còn được nhiều khách hàng trong nước tin dùng.

Đặc sản vùng Đồng Tháp Mười vào vụ tết

Vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại đặc sản, trong đó có các loại cá đồng như cá chốt, cá trèn, cá chạch, cá lóc, cá trê,... Không chỉ dùng để chế biến các món ăn tươi, ngon, cá còn được làm khô để ăn dần và dùng làm quà biếu nhân các dịp lễ, tết. Lâu dần, các loại khô này trở thành đặc sản vùng Đồng Tháp Mười. Để cho ra những mẻ khô ngon, chất lượng, người làm phải thực hiện nhiều công đoạn từ làm sạch, loại bỏ xương (tùy loại khô), ướp gia vị, sau cùng là phơi nắng. Trong đó, khâu ướp gia vị là quan trọng nhất bởi đây là khâu quyết định đến chất lượng khô. Tùy theo khẩu vị, bí quyết riêng của người làm mà khô có hương vị riêng.

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh khô tết đang vào mùa

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh khô tết đang vào mùa

Từ đầu tháng 11 Âm lịch, gia đình bà Đỗ Thị Ngân (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) bắt đầu làm khô phục vụ thị trường tết. Đầu tháng Chạp là thời điểm cơ sở của bà tất bật nhất. Mỗi ngày, cơ sở nhận vài chục đơn hàng từ khắp các tỉnh, thành. Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường trầm lắng, sức mua chậm. Bà Ngân bộc bạch: “Thời điểm này, gia đình chỉ làm cầm chừng, khoảng vài chục kilôgam cá tươi (chủ yếu cá lóc, trê, trèn, chạch,...), trung bình 4kg cá tươi được 1kg khô, sản lượng khô thành phẩm từ 10-20kg/ngày. Gia đình không dám làm nhiều vì sợ khó tiêu thụ”.

Tương tự bà Ngân, bà Dương Thị Gái (thành viên Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Tân Hưng) chia sẻ: “Ngày thường, gia đình tôi bán ra thị trường trên 200kg khô các loại, khách hàng chủ yếu từ TP.HCM, các tỉnh miền Đông. Riêng dịp tết, các thương lái ở khắp nơi gọi điện thoại đặt hàng rất nhiều, tôi phải thuê thêm người làm mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Trung bình một mùa tết, tôi cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn khô các loại nhưng năm nay do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người nên sức mua giảm 50% so với mọi năm. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường nên tôi không sản xuất nhiều, khách đặt hàng đến đâu thì làm đến đó và làm một ít giao cho khách lẻ”.

Tuy vào mùa cao điểm sản xuất khô nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở vẫn chưa thể vận hành hết công suất do sức mua chưa ổn định. Các cơ sở sản xuất khô tết dự báo sản lượng năm nay sẽ bằng hoặc thấp hơn so cùng kỳ năm 2021. Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Tân Hưng - Nguyễn Thanh Nhã khẳng định: “Giá nguyên liệu không tăng nên giá các loại khô cũng ổn định. Hiện các cơ sở sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng. Hy vọng đến gần tết, sức mua sẽ tăng để người làm khô có thêm thu nhập trang trải những ngày tết”.

Năm nay, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng những người làm khô vẫn tất bật chuẩn bị cho ra thị trường những mẻ khô ngon nhất, góp phần mang hương xuân đến với mọi nhà, mọi người./.

Minh Tuệ - Minh Thư

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vao-mua-san-xuat-kho-tet-a128701.html