Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng

Trước thực trạng khó khăn về nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ các công trình, dự án đang triển khai kéo dài thời gian qua, từ ngày 15-24/8/2023, Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các đợt kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và đơn vị cung ứng vật liệu đất đắp phục vụ các công trình có nhu cầu sử dụng đất đắp lớn trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tình trạng 'thừa mà thiếu' nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ các công trình, dự án hiện nay cũng như cho các năm tới. Đây là vấn đề rất được quan tâm mà báo Quảng Trị đã phản ánh qua loạt bài 'Gỡ vướng cho nguồn cung vật liệu đất san lấp bằng cách nào?'.

Giải quyết cơ bản tình trạng khó khăn về đất san lấp

Các nội dung được thực hiện kiểm tra gồm công trường, điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và đơn vị cung ứng vật liệu đất đắp của 12 công trình có nhu cầu sử dụng đất đắp lớn trên địa bàn tỉnh; tình hình triển khai, khả năng cung ứng đất đắp tại 1 đơn vị được UBND tỉnh cho phép khai thác và 6 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2023.

Các đơn vị khai thác đất lòng hồ Triệu Thượng làm vật liệu đất san lấp - Ảnh: Lê AN

Các đơn vị khai thác đất lòng hồ Triệu Thượng làm vật liệu đất san lấp - Ảnh: Lê AN

Kiểm tra tình hình thực tế cho thấy, các vị trí nạo vét lòng hồ, các mỏ đất được cấp phép đang có nguồn cung sẵn sàng, đảm bảo chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các đơn vị cung ứng thì số lượng khách hàng mua đất đắp vẫn hạn chế, một số lòng hồ nạo vét có đất nhưng không bán được (hồ Triệu Ái, đất tận thu mỏ đá Hải Lệ...).

Công ty TNHH MTV Toàn Thịnh Quảng Trị, đơn vị đủ điều kiện được UBND tỉnh cho phép khai thác mỏ đất Hải Lệ năm 2023 cho biết, trữ lượng đơn vị được phép khai thác là hơn 2,7 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp, công suất khai thác 100.000 m3/năm. Mỏ đất có trữ lượng lớn, kết nối giao thông khu vực thuận lợi, thuận lợi cho việc cung cấp đất đắp cho các công trình trên địa bàn thị xã Quảng Trị và các địa bàn lân cận.

Ông Phạm Sương, Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty đã có văn bản đề nghị công bố giá vật liệu đất san lấp, theo đó, giá đất đắp K95-K98 là 55.000 đồng/m3, đất đắp K85-K90 là 45.000 đồng/m3 (giá chưa có thuế VAT, đã bao gồm chi phí gom, tập kết, xúc lên xe). Thực tế hơn một tháng nay, không có nhà thầu nào đặt vấn đề cung ứng nguồn vật liệu đất san lấp. Trên địa bàn tỉnh có nhiều mỏ hoạt động, tùy theo vị trí, đặc thù công trình để chủ đầu tư lựa chọn mỏ đất cung ứng. Đối với mỏ đất Hải Lệ, chúng tôi đã tính toán, nghiên cứu để xây dựng giá đất vật liệu hài hòa, phù hợp mặt bằng chung của thị trường đất đắp khu vực. Mong muốn Sở Xây dựng sớm công bố giá vật liệu đất đắp tại vị trí khai thác mỏ đất Hải Lệ 1, làm cơ sở lập dự toán, dự thầu, đáp ứng nhu cầu đất đắp của thị trường”.

Hiện có 6 dự án khai thác mỏ đất đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2023, tổng trữ lượng dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 9,3 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp, công suất khai thác 820.000 m3 /năm. Các nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định, cơ bản đảm bảo theo tiến độ dự án.

Ông Thái Anh Giang, Chỉ huy trưởng Ban điều hành công trường Gói thầu XL2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, đơn vị được giao 3 mỏ đất là Vĩnh Hà 1, Linh Trường 1 và Vĩnh Sơn 5. Hiện nay, công ty đang lập dự án đầu tư, sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thì sẽ tiến hành làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trình UBND tỉnh, thỏa thuận với hộ dân để bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), dự kiến thuận lợi thì tháng 10/2023 hoàn tất các thủ tục để đưa vào khai thác.

“Hiện nay đối với doanh nghiệp, nhu cầu nguồn vật liệu đất san lấp mặt bằng cũng không còn cấp bách như giai đoạn trước vì đơn vị đã thực hiện cơ bản xong phần diện tích mặt bằng được tỉnh bàn giao để thi công công trình. Chúng tôi nỗ lực hoàn tất thủ tục đối với mỏ đất Vĩnh Sơn 5 để dự nguồn vật liệu đất đắp cho giai đoạn 2”, ông Giang chia sẻ.

Qua kiểm tra thực tế, cơ bản các địa phương đều có điểm khai thác, nạo vét lòng hồ để tận thu đất san lấp, phục vụ nhu cầu đất đắp cho các công trình trên địa bàn và khu vực lân cận. Riêng đối với địa bàn huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa không có vị trí khai thác, nạo vét đảm bảo theo quy định, gây khó khăn cho công tác khảo sát, lập dự toán các mỏ đất nằm cách xa công trình.

Như vậy có thể khẳng định, thời điểm hiện tại các vị trí được UBND tỉnh cho phép khai thác mỏ đất, nạo vét lòng hồ thủy lợi đã và đang có đủ điều kiện thuận lợi để cung cấp đất đắp ra thị trường.

Lại vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vốn

Điểm chung của 12 công trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng đất đắp lớn hiện đang chậm tiến độ là do vướng GPMB, hoặc là thiếu nguồn vốn cấp trong năm 2023. Đối với các công trình này, vấn đề thiếu đất đắp trong thời điểm hiện tại đã được giải quyết, không còn là yếu tố làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân đầu tư công.

Đơn cử, công trình Đường Trần Nguyên Hãn giai đoạn 2 (TP. Đông Hà) mới chỉ hoàn thành 60% công tác GPMB, đã giải ngân, tạm ứng 13,2 tỉ đồng/44 tỉ đồng (đạt 30%). Tại thời điểm kiểm tra, công trình cơ bản hoàn thành đắp đất nền đường đoạn 1.000m/1.600m, công trường thi công có dấu hiệu cầm chừng, thiết bị máy móc chuyên dụng bố trí không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu.

Các khu tái định cư chưa có khối lượng thi công do vướng mặt bằng chưa được bàn giao cho đơn vị thi công. Khối lượng đất đắp cho toàn công trình 48.184 m3, hiện nay đã thi công được 5.000 m3; nhu cầu đất đắp còn lại 43.184 m3.

Nguồn đất đắp lấy từ nạo vét lòng hồ Nghĩa Hy, thị trấn Cam Lộ, điều kiện, chất lượng và trữ lượng khai thác đất đắp tại thời điểm kiểm tra đáp ứng yêu cầu, đủ cung cấp cho công trình. Tuy nhiên khối lượng đất đắp đưa vào công trình còn hạn chế, không đảm bảo theo hồ sơ tiến độ do chưa có mặt bằng để thi công.

Theo kiến nghị của một số doanh nghiệp, thời gian qua, các đơn vị gặp khó khăn về thiếu mặt bằng sạch để thi công, thiếu nguồn cung cấp đất đắp do phụ thuộc vào nguồn đất đắp nạo vét lòng hồ, trong khi các mỏ đất chưa được cấp phép hoặc có mỏ đất nhưng nằm cách xa công trình.

Đơn giá dự toán vật liệu đất đắp, nhân công thấp hơn nhiều so với giá hiện nay trên thị trường, thiếu nguồn vốn bố trí cho công trình, tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn chung. Các doanh nghiệp đề xuất chủ đầu tư quan tâm bố trí nguồn vốn theo kế hoạch năm 2023 để đơn vị thi công có cơ sở triển khai thi công theo kế hoạch.

Đối với các công trình còn lại, đơn vị thi công đều có chung kiến nghị chủ chủ đầu tư quan tâm, tập trung công tác GPMB để bàn giao mặt bằng sạch để triển khai đảm bảo tiến độ...

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng

Để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đang gặp phải tại các công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, các đơn vị chủ đầu tư, chính quyền địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh công tác GPMB theo đúng tiến độ đã lập, có kế hoạch triển khai cụ thể các công tác đang chậm tiến độ để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, đặc biệt là các công trình sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ. Đồng thời cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng với phương châm “vướng mắc ở khâu nào thì tập trung tháo gỡ khâu đó”.

Theo đó, cần có sự rà soát tình hình giải ngân nguồn vốn, các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện từng dự án, thời gian thực hiện dự án để có phương án tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ dự án có tỉ lệ giải ngân thấp, gặp vướng mắc lớn khó tháo gỡ sang dự án có điều kiện thi công thuận lợi đảm bảo theo quy định.

Nghiên cứu cơ chế cho phép các đơn vị chủ đầu tư tạm ứng, vay vốn từ Quỹ Phát triển đất tỉnh trong kế hoạch năm 2023 để bổ sung nguồn vốn cho dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ngành chức năng sớm tổ chức thẩm định giá đất cụ thể theo đề nghị của các địa phương, hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt.

Mặt khác, cần đôn đốc các nhà đầu tư dự án khai thác mỏ đất được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt. Các đơn vị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công tập trung đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị theo hồ sơ tiến độ thi công dự thầu để tập trung thi công trong phạm vi đã GPMB và phần vốn đã tạm ứng, bố trí, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức tập kết, thi công các hạng mục có liên quan đến đất đắp cho công trình.

Thanh Trúc- Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/vao-cuoc-dong-bo-quyet-liet-de-d-ay-nhanh-tien-do-cac-cong-trinh-du-an-quan-trong-tren-dia-ban-tinh/179802.htm