'Vào bếp khó gì' vì đã có Chef Phạm Tuấn Hải

Với kinh nghiệm gần 20 năm làm đầu bếp, từng đảm nhận vị trí bếp trưởng tại nhiều khách sạn lớn không chỉ ở Viêt Nam mà còn tại nước ngoài; 10 năm làm tư vấn ẩm thực cho một tập đoàn lớn và 3 năm liên tiếp là giám khảo cuộc thi Master Chef Việt Nam... Cái tên Phạm Tuấn Hải luôn nằm trong dánh sách trong những đầu bếp nổi tiếng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ít ai ngờ tới, trước đây anh từng theo học ngành Y chứ không phải là nghề đầu bếp như hiện nay. Nói về cơ duyên đến với nghề, anh tâm sự: "Một lần được cùng bố đi tới một khách sạn lớn, Hải vô tình đi qua khu vực bếp ăn của họ, nhìn thấy rất nhiều người mặc đồng phục trắng, làm việc nghiêm túc, các món ăn được mang ra thì vô cùng đẹp mắt. Lúc đó, Hải thực sự ấn tượng và yêu thích công việc này. Sau đó tìm hiểu thêm mình biết được ẩm thực cũng chính là văn hóa của một quốc gia nên Hải quyết tâm theo nghề đầu bếp".

Quả thực, với bất cứ nghề nghiệp nào, muốn đạt được thành công chúng ta cũng cần có sự khổ luyện, cần đam mê và với nghề làm bếp cũng vậy. Vị Giám khảo Master Chef Việt Nam chia sẻ, với những người đầu bếp như anh, đam mê thôi chưa đủ, để gắn bó anh còn phải có đủ quyết tâm, thậm chí chấp nhận hy sinh. "Hy sinh ở đây, thứ nhất là hy sinh bản thân. Người đầu bếp muốn giữ cho vị giác của mình tốt và chính xác thì điều tối kỵ là uống nhiều bia, rượu. Lúc nào cũng say xỉn thì làm sao nấu được! Bên cạnh đó, hút thuốc lá hoặc ăn nhiều thức ăn có gia vị quá cay, nồng cũng sẽ làm giảm độ chính xác trong nêm nếm. Hy sinh thứ hai là hy sinh thời gian dành cho những người thân yêu. Vào các dịp Lễ, Tết, cuối tuần, người ta có thể dành thời gian cho gia đình, còn mình thì phải dành cho công việc và đồng thời phải làm việc với cường độ cao hơn rất nhiều. Đó chính là những sự hy sinh mà tôi nhắc đến".

Giờ đây khi đã trải qua bao khó khăn, thử thách và đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, đầu bếp Phạm Tuấn Hải cảm thấy may mắn bởi mình đã được sống trọn với đam mê và anh muốn truyền lửa đam mê cho những người xung quanh. Tuy nhiên, chia sẻ về điều này anh vẫn còn nhiều điều day dứt bởi càng đi nhiều, tiếp xúc nhiều anh càng thấy có rất ít những người đàn ông chịu vào bếp để nấu ăn cho gia đình, vợ con mặc dù họ có thể nấu được. Bản thân là một người đàn ông, hơn ai hết, anh hiểu rất rõ những trở ngại của bản thân mình và cả những người đàn ông nói chung khi khoác trên mình chiếc tạp dề bởi quan niệm "đây là công việc của đàn bà". Có lẽ đó cũng chính là một trong những lý do mà dù bận trăm công nghìn việc, vị bếp trưởng này vẫn dành thời gian để tham gia chương trình "Vào Bếp Khó Gì" của Đài Truyền hình Việt Nam.

Đầu bếp Phạm Tuấn Hải đang hướng dẫn khách mời tham gia chương trình Vào bếp khó gì

Đầu bếp Phạm Tuấn Hải đang hướng dẫn khách mời tham gia chương trình Vào bếp khó gì

Đây là một chương trình thực tế dành riêng cho những người đàn ông, dù trước đây họ đã từng vào bếp hay chưa, có biết nấu ăn hay không... thì đều có thể trổ tài một món ăn bất kỳ với những nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh của gia đình nhờ sự hướng dẫn của Đầu bếp Phạm Tuấn Hải. Người thưởng thức những món ăn đó không ai khác mà chính là những người vợ, người mẹ hay người bạn gái của họ. Mỗi món ăn không chỉ là tâm huyết của người nấu mà nó còn chứa đựng rất nhiều kỷ niệm, những câu chuyện thú vị của các nhân vật tham gia. Bên cạnh đó, trong mỗi chương trình vị đầu bếp giàu kinh nghiệm còn chia sẻ rất nhiều bí quyết nấu ăn ngon, cách lựa chọn nguyên liệu tươi ngon và phù hợp nhất...khiến cho việc vào bếp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Anh hào hứng nói: "Vào Bếp Khó Gì hay ở chỗ nó không phải là một cuộc thi, cũng không hẳn là dậy nấu ăn. Chương trình mang tới một phong cách nấu ăn mới. Người tham gia thích nấu món gì cũng được miễn sao món đó có ý nghĩa với bản thân họ hoặc khiến cho người thân cảm thấy vui vẻ khi thưởng thức".

Diễn viên Trung Dũng không còn sợ vào bếp nữa vì đã có sự hướng dẫn của Master Chef

Không chỉ được đánh giá cao về tính nhân văn khi hướng tới mục tiêu gắn kết tình yêu gia đình, mang mọi người lại gần nhau hơn nhờ những bữa cơm ấm áp, Vào Bếp Khó Gì cũng phần nào xóa bỏ quan niệm "vào bếp không phải chuyện của đàn ông". Bởi trên thực tế, trong chương trình có rất nhiều người đàn ông thành đạt ngoài xã hội nhưng về nhà họ vẫn sẵn sàng vào bếp nấu ăn, dù trước đó họ chưa từng nghĩ đến. Thông qua chương trình, Giám khảo Master cũng chia sẻ thêm: "Phụ nữ vào là chuyện thường tình, còn khi người đàn ông vào bếp sẽ đón nhận được nhiều ánh mắt thân thiện, vui vẻ từ người thưởng thực. Lúc này chuyện vào bếp không còn là suy nghĩ nặng nề nữa mà nó trở thành một thú vui. Hãy thử tưởng tượng khi mời bạn bè về nhà, bạn nói "Tôi nấu đãi ông nhé " , hay nói với vợ con " Hôm nay bố sẽ nấu cho gia đình mình ăn " thì rõ ràng niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội. Vì vậy, với những người đàn ông hiện đại, tôi chỉ muốn nói rằng: Hãy vào bếp đi! Khi vào bếp, hình ảnh của bạn sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều trong mắt những người thân yêu!"

Để có cơ hội được chính tay Đầu bếp Phạm Tuấn Hải tới nhà và hướng dẫn nấu các món ăn mà bạn yêu thích, hãy đăng ký tham gia làm nhân vật trải nghiệm trong chương trình "Vào Bếp Khó Gì" được phát sóng định kỳ vào 21h05 trên kênh VTV2 của Đài THVN. Chương trình được tài trọ bởi nhãn hàng Bia Sài Gòn thuộc Tổng công ty cổ phần Bia Rượu NGK Sài Gòn (SABECO) và được Công ty CP truyền thông Trương Thanh phối hợp với Ban Khoa giáo cùng sản xuất.

Mọi thông tin đăng ký vui lòng gửi qua FP Vào Bếp Khó Gì (Link: https://www.facebook.com/pg/vaobepkhogi) hoặc gửi email tới địa chỉ hòm thư vaobepkhogi@gmail.com.

PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xem-nghe-doc/vao-bep-kho-gi-vi-da-co-chef-pham-tuan-hai-20171019101408078.htm