"Vàng, đô của tao... Vàng, đô của tao..."

- Tình “não” nhảy tưng tưng quanh đống “chiến lợi phẩm” tự tha về, thét lạc giọng: Vàng, đô của tao; Vàng, đô của tao... Đứa con gái tật nguyền khóc tu tu: Bố ơi, rác đấy!

Trẻ con xóm 2 xã Giao Lạc, Giao Thủy, Nam Định gọi anh Đinh Văn Tình (36 tuổi) là Tình “não”. Người đàn ông đầu tóc bù xù, mặc chiếc áo nhàu nát, cáu bẩn, quần ống cao ống thấp đứng ngơ ngáo trước cổng.

Chúng tôi hỏi: “Đây có phải nhà anh Tình không?”, chỉ thấy anh ta vừa cười vừa lẩm bẩm, vừa quày quả đi vào trong sân: “Nhà tao đấy, ruộng vườn cũng của tao hết”, sau đó bất ngờ anh ta thét lên: “Vàng, đô của tao”.

Anh Tình bị tâm thần đã nhiều năm nay

Căn nhà tuềnh toàng, nhếch nhác, rác rưởi vứt khắp nơi. Bên trong căn nhà không có lấy một tài sản có giá trị ngoài chiếc xe đạp đã han gỉ.

Chị Lành hàng xóm thấy có người lạ vội chạy sang: “Chú Tình bị tâm thần, có hỏi chú ấy cũng không biết đâu, Cô Lụa vợ chú Tình đang đi nhặt rác ngoài xóm 3, muốn hỏi gì các cô cứ ra đấy”.

Ngày bé, anh Tình bị đi ngoài kinh niên, gia đình có tới 8 người con, lại không biết cách chữa trị nên càng ngày bệnh càng nặng. Sau này, anh được người quen mai mối, giới thiệu cho chị Lụa, nhưng gia đình chị nhất định phản đối.

Cuối cùng, thương anh, chị Lụa nói với bố mẹ: “Sau này có đau khổ, bất hạnh con sẽ tự mình chịu, quyết không kêu ca hay oán trách ai”. Hai người dắt nhau về sống trên mảnh đất bố chồng chị Lụa cho để dựng tạm nhà ở.

Hai đứa con lần lượt ra đời. Anh Tình ngày càng yếu đuối, tâm thần ngu ngơ, không làm được việc gì, tất cả mọi gánh nặng đè lên vai người vợ trẻ. Đứa con trai đầu được sinh ra bình thường, khỏe mạnh. Đến đứa con gái thứ hai thì tay phải, chân phải con bé èo uột, càng lớn càng khoèo ra.

350 nghìn đồng/3 người/tháng

Chị Lụa xưng cháu - cách xưng hô thay con - khi nói chuyện với chúng tôi: “Nhà cháu cám cảnh lắm cô ạ. Bố các cháu thì tâm thần. Cháu trai vừa mới học hết lớp 9 phải cho nghỉ học. Hơn một tháng nay, nó theo người ta lên Hà Nội để học việc rồi. Em gái nó ốm yếu, sinh ra đã là người khuyết tật, đi lại khó khăn”.

Chúng tôi hỏi: “Sao không đưa anh Tình đi bệnh viện”, chị Lụa lí nhí: “Cháu đi nhặt rác cho xã, một tháng cả nhà bốn người, giờ là ba người, chỉ có 350 nghìn để sống. Ăn còn phải chạy từng bữa. Tháng nào cũng nơm nớp không biết tháng sau có còn được nhặt rác kiếm 350 nghìn không?.

Tài sản quý giá nhất của nhà chị Lụa

Nhà cháu cũng đã vay mượn hết mọi nơi, được một chút tiền cho nhà cháu đi viện tâm thần, nhưng chỉ được vài tháng. Bệnh tình mãi không khỏi, tiền vay cũng hết nên hai vợ chồng cháu đành phải đùm rúm nhau về, số tiền vay mượn đến bây giờ cũng chưa trả hết được”.

Chị Lụa vừa tiếp chúng tôi vừa lầm lũi nhặt rác, không ngừng tay lúc nào, cũng không kịp cả ngẩng mặt lên. Thỉnh thoảng, mặt chị như giãn ra khi nhặt được một vài chiếc chai nhựa. Chị bảo, nếu như hôm nào nhặt được nhiều chai lọ nhựa thì hôm đấy chồng và con chị sẽ có thêm được một chút thức ăn.

“Cháu chỉ ước một đôi dép không rách”

Chị Phạm Thị Pha (chị dâu cả của anh Tình) cho biết: “Chú Tình lúc bình thường thì yếu ớt lắm, chỉ lảm nhảm nhận hết mọi thứ ruộng vườn về mình hay đi nhặt rác rưởi về góc sân rồi bảo đấy là tiền, vàng, đô la thôi. Nhưng những lúc hung lên, chú ấy khỏe lắm, vác gậy đuổi cô Lụa khắp nơi. Vớ được gì là đánh túi bụi, cô ấy vùng ra được thì chú ấy lại đuổi, chồng vừa đuổi vừa gào thét, vợ chỉ biết khóc và chạy, cứ thế ầm ĩ hết cả làng. Phải mấy người mới lôi được chú ấy ra, không thì có khi đánh chết vợ”.

Hàng ngày chị Lụa chở Là, đứa con gái tật nguyền đi học bằng xe đạp, những lúc mẹ về muộn hoặc bận việc nhặt rác, cháu đành phải lê từng bước thật chậm mới về được đến nhà.

Cháu Là đi chân đất đến trường và dùng túi nilông thay cặp

Là chỉ lên chiếc áo khoác đã cũ, cáu bẩn đen sì treo trên tường nhà, hớn hở khoe: “Mẹ cháu mới xin cho cháu đấy, nhưng mẹ bảo hôm nào trời thật lạnh mới được mặc, không thì nhanh hỏng, đến lúc rét đậm lại không có áo mà mặc. Cháu thích mặc áo trường (áo đồng phục - PV) lắm. Áo trường vừa ấm vừa đẹp, nhưng mẹ phải đóng tiền thì mới có áo mặc cơ”.

Tôi nhìn đôi chân đen sì, sẹo dọc sẹo ngang của Là, bảo nó đi dép vào không dẫm phải mảnh thủy tinh. Nó mếu máo: “Cháu không có dép ạ”. Thực ra, chị Lụa cũng đã xin về cho con được một đôi dép, nhưng rách quai gần hết, lại rộng quá nên khi xỏ vào cứ tượt ra, nhất là bên cái chân khoèo.

Con bé Là bảo: “Cháu chỉ ước một đôi dép không rách thôi. Nếu dép lành, nó sẽ không tượt ra đâu cô ạ”. Rồi nó cười toe, cười toét khoe với chúng tôi: “Tối nay nhà cháu sẽ được ăn thịt, lại còn là thịt chó cơ, người ta mới vừa cho lúc trưa, đợi khi nào mẹ về, mẹ sẽ nấu cho cả nhà ăn”.

Bữa tối của gia đình chị Lụa sẽ có món đùi chó thiu.

Chiếc đùi chó treo lủng lẳng trong gian buồng rách nát, mùi ôi thiu sặc sụa. Lúc đầu chúng tôi tưởng đó là mùi xú uế sau nhà bốc lên, ai ngờ đó là mùi từ cái đùi chó.

Trời đã nhá nhem tối, chị Lụa vẫn chưa về, trong căn nhà tuyềnh toàng, người cha điên dại lúc này cứ vừa đi lại vừa cười lẩm bẩm một mình, đứa con gái khấp khởi chờ mẹ về chế biến món thịt chó thiu. Chờ mãi không được, nó vùi đầu vào bài toán cô giáo giao về nhà. Nó đâu biết mẹ nó đang vật vã với suy nghĩ, rồi cũng phải cho nó nghỉ học sớm thôi, chứ 350 nghìn/tháng...

Vân Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201111/Chong-dien-con-khoeo-va-350-nghin-dong-rac-nuoi-1815858/