Vẫn phải lo chuyện... miếng ăn

Không chỉ có vụ việc xảy ra tại TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) với hơn 500 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, mà gần đây liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm tại nhiều địa phương. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước xảy ra 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.100 người nhập viện điều trị, 28 người tử vong. Riêng quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ làm 659 người ngộ độc, 3 người tử vong.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, về tình trạng có nhiều đoàn đến kiểm tra một cơ sở về cùng nội dung trong một thời điểm, gây phiền hà cho các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh trong công tác an toàn thực phẩm (ATTP). Theo Bộ Y tế, nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra đã được quy định tại Luật Thanh tra. Đồng thời, nguyên tắc kiểm tra được quy định tại thông tư 48/2015 của Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 17/2023 do Bộ Y tế ban hành.

Được biết, Bộ Y tế với trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ATTP, phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, các bộ, ngành thành viên ban chỉ đạo và UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác bảo đảm ATTP theo trách nhiệm được phân công.

Nhiều năm qua, vấn đề ngộ độc thực phẩm luôn được đặt trong tình trạng báo động. Trong khi việc mua bán, tiêu thụ thực phẩm, nguyên liệu chế biến món ăn thông qua các chợ truyền thống và hệ thống quán xá đường phố nhỏ lẻ còn khá phổ biến. Việc kiểm soát chất lượng qua các kênh này là vô cùng khó khăn; nếu người bán dễ dãi hay thiếu lương tâm thì họ không khó vượt qua các công đoạn kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Trong năm 2023, các cơ quan trung ương đã tổ chức kiểm tra, thanh tra hơn 400.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, qua đó phát hiện hơn 50.000 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng cộng hơn 170 tỉ đồng. Chỉ riêng tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã tổ chức đến 900 đoàn kiểm tra về ATTP, qua đó phát hiện 10.000 cơ sở vi phạm…

Trở lại với vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), qua báo cáo của đại diện tiệm bánh mì Băng, có thể thấy thực phẩm dùng để chế biến bánh mì kẹp được lấy từ nhiều hộ kinh doanh khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là chỉ có thịt lợn được cung cấp theo hợp đồng mua bán còn các thực phẩm khác như dưa leo, củ cải, cà rốt, thịt nguội, chả lụa… đều không có hợp đồng mua bán. Cách quản lý thực phẩm đầu vào dựa trên niềm tin và kinh nghiệm mà không ràng buộc trách nhiệm bằng hợp đồng mang tính pháp lý, vừa không đúng quy định, vừa đặt cơ sở kinh doanh trước rủi ro tiềm ẩn.

Một điểm đáng chú ý nữa là khi kiểm tra, tiệm bánh mì Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có giấy phép kinh doanh.

Hiện đang trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 (15/4 - 15/5). Nhiều địa phương trong cả nước đã và đang triển khai công tác thanh kiểm tra, tuyên truyền và vận động người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo vệ sinh ATTP trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm nhằm đảm bảm an toàn thực phẩm.

Nhưng, cần phải nói rằng, bất cứ thời thời điểm nào trong năm thì ATTP cũng đều rất quan trong. Miếng ăn vào miệng phải là miếng ngon, an toàn chứ không phải là nỗi lo. Muốn vậy, ATTP phải đảm bảo từ đầu vào lẫn đầu ra. Thời gian qua, một số mô hình đã cho thấy hiệu quả cao, như mô hình “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt” ở tỉnh Bình Định; mô hình “Phụ nữ sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước; mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” ở Hà Nội... nhưng như vậy vẫn là chưa đủ khi các vụ ngộc độc thực phẩm vẫn cứ xảy ra.

Minh Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-phai-lo-chuyen-mieng-an-10279465.html