Văn nghệ kháng chiến vì độc lập tự do và phẩm giá con người

Trường hợp Nguyễn Đình Thi chỉ là một ví dụ cho cả một thế hệ văn nghệ sĩ mò mẫm tìm đường trong bóng tối, bừng thức trong Cách mạng Tháng Tám và dấn thân, đồng hành hết mình trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đĩnh đạc và tự tin nhận lấy trách nhiệm của lịch sử xây móng đắp nền cho một nền văn nghệ mới, chiến đấu cho những lý tưởng cao cả vì độc lập tự do, vì phẩm giá của con người. "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ". Đó là lời thề, là quyết tâm chính trị của toàn dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhớ lại: Buổi chiều ngày 19 tháng 12 năm 1946, quanh Hồ Hoàn Kiếm vắng hoe. Tiếng xe xích háp-tô-rắc của quân Pháp sục sạo trên phố Tràng Thi. Đầu đường Tràng Tiền đã mọc lên các chiến lũy bằng bàn ghế, thanh gỗ, giường, tủ. Các chiến sĩ tự vệ đang đục các bức tường tạo đường giao thông bí mật giữa các ngôi nhà. Chạng vạng tối, anh được một chiếc xe hơi nhỏ của Ban Tuyên giáo Trung ương đến đón, sau đó vòng ra một xóm nhỏ phía Cầu Giấy đón thêm đồng chí Trần Huy Liệu, rồi chạy thẳng về phía Hà Đông.

Đi quá nửa đường, bỗng ánh điện phụt tắt. Hà Nội chìm trong những chớp đạn từ pháo đài Láng và những tiếng nổ lớn trong trung tâm thành phố, tiếp đó là những tiếng súng máy, súng trường. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu!

Tại Hà Đông, trong nhà một cơ quan của Đảng, đồng chí Trường Chinh trao đổi công việc với đồng chí Trần Huy Liệu, rồi đến đưa cho anh Nguyễn Đình Thi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch và giao nhiệm vụ mang ngay đến Ủy ban kháng chiến Hà Nội và truyền bá bằng mọi phương tiện thông tin. Nhận mệnh lệnh xong, anh Nguyễn Đình Thi vội chia tay đồng chí Trần Huy Liệu và đồng chí lái xe, rồi chạy bộ trở lại Hà Nội. Anh chạy ngược dòng người tản cư đông đúc lặng lẽ trở về làng Láng, gặp bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội.

Trong lúc chờ đánh máy Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác, anh nhận ra tiếng nói quen thuộc ở phòng bên cạnh của đại tá Vương Thừa Vũ đang chỉ huy bộ đội và tự vệ chiến đấu ở khu Bắc bộ phủ, khách sạn Mê-tơ-rô-pôn và nhà băng Đông Dương. Sau đó, anh xin một bản vừa đánh máy xong, bỏ túi áo ngực, chạy vội về phía làng Sét, nơi đóng trụ sở của báo Cứu quốc. Quá nửa đêm, anh mới tìm được tòa soạn, rồi cùng với nhà văn Thép Mới, cho dỡ khuôn tờ báo, dàn lại các trang, in lên trang nhất Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, viết xã luận, tùy bút, bài phóng sự đến gần sáng thì đưa đi in.

Chỉ vài tiếng sau, toàn quân và dân thủ đô đã được đọc những lời hịch đánh giặc cứu nước của Bác: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Sau mấy ngày đưa Đoàn đại biểu Quốc hội và Mặt trận đi tuyên truyền kháng chiến ở Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Kiến An và trực tiếp dự một trận tập kích lớn đầu tiên của quân ta vào một đồn binh Pháp ở ngoại thành Hải Phòng, anh Nguyễn Đình Thi trở lại báo Cứu quốc lúc ấy đã chuyển ra thị xã Hà Đông. "Một điều tình cờ may mắn, trong nhà tôi ở có một đàn pi-a-nô cũng của một gia đình người Hà Nội. Một buổi tối, tôi ngồi vào đàn gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu óc tôi vang lên những nhịp pháo gầm.

Những tiếng súng, trên một nền âm thanh bát ngát, dịu dàng, và bầu trời Hà Nội cháy hiển hiện trở lại. Những câu hát tự hiện lên dần: ... Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây... Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội... Hà Nội cháy khói lửa ngập trời... Cứ thế, dòng cảm xúc tuôn chảy và đến hôm sau, "Bài hát của một người Hà Nội" (sau này tên chính thức là Người Hà Nội) được in trang trọng trên số đặc biệt đúng vào dịp Tết kháng chiến đầu tiên.

Và rất nhanh, bài hát đã được chiến sĩ ta hát vang lên trên các chiến hào của Thủ đô kháng chiến. Âm hưởng vừa trang nghiêm vừa tha thiết của "Bài hát của một người Hà Nội" là tình cảm cháy bỏng của hàng triệu con người đáp lại tiếng kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Trường hợp Nguyễn Đình Thi chỉ là một ví dụ cho cả một thế hệ văn nghệ sĩ mò mẫm tìm đường trong bóng tối, bừng thức trong Cách mạng Tháng Tám và dấn thân, đồng hành hết mình trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đĩnh đạc và tự tin nhận lấy trách nhiệm của lịch sử xây móng đắp nền cho một nền văn nghệ mới, chiến đấu cho những lý tưởng cao cả vì độc lập tự do, vì phẩm giá của con người.

"Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Đó là lời thề, là quyết tâm chính trị của toàn dân tộc. Đó cũng là sự lựa chọn dứt khoát của lớp văn nghệ sĩ kháng chiến đầu tiên. Sau Ngày độc lập ít lâu, Nguyễn Tuân và nhiều văn nghệ sĩ đã lên đường Nam tiến. Sau chuyến đi về, ông lên thẳng Việt Bắc, tham gia Đoàn kịch kháng chiến, rồi nhập ngũ, được giao một chiếc trống to, và cùng với anh lính kèn thúc lệnh cho bộ đội xung phong trong trận Đại Bục, Đại Phác. Ít lâu sau, tập tùy bút nổi tiếng Đường vui của ông ra đời, tiếp sức khỏe tinh thần cho dân tộc đang chiến đấu.

Từ một tay cầm trống chầu nổi tiếng ở phố ăn chơi Khâm Thiên đến người thúc trống trận trong kháng chiến là cả một cuộc đổi đời to lớn, đồng thời là câu trả lời chính xác nhất: văn nghệ tiếp sức cho kháng chiến, kháng chiến làm giàu cho văn nghệ. Sau những ngày gian nan tiễu phỉ ở Lào Cai, Văn Cao trở về đại bản doanh văn nghệ kháng chiến ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Và ngay sau chiến thắng Thu Đông 1947, Trường ca Sông Lô ra đời, một ca khúc làm vẻ vang cho âm nhạc Việt Nam kháng chiến. Tiếp đó là Làng tôi, là Ngày mùa. Sự nghiệp âm nhạc của tác giả Quốc ca cứ được bồi đắp lên mãi... Rồi từ bưng biền Đồng Tháp, họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ bức tranh Bác Hồ và ba thiếu nhi Bắc Trung Nam bằng máu dâng lên Hồ Chủ tịch.

Với phương châm "vừa kháng chiến vừa kiến quốc", "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến", Đảng chủ trương xốc lại mặt trận văn nghệ. Nhà thơ Tố Hữu đang làm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa được điều ra Trung ương lãnh đạo công tác văn nghệ. Sau khi nhận nhiệm vụ trực tiếp của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, Tố Hữu vượt qua các vòng vây của địch trong cuộc hành quân Thu Đông 1947 với hai gọng kìm hòng tìm bắt đầu não kháng chiến của ta, cuối cùng anh đặt đại bản doanh văn nghệ tại Hạ Hòa, Phú Thọ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948) được triệu tập, đồng chí Trường Chinh đọc bản báo cáo quan trọng "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam." Cũng trong năm 1948, Đại hội Hội văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức với khẩu hiệu Xây dựng nền văn nghệ nhân dân, bầu cơ quan lãnh đạo do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng thư ký. Đại hội quyết định thành lập Nhà xuất bản Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ. Liên hiệp các khu, miền cũng thành lập các chi hội văn nghệ của mình. Tổ chức được củng cố thống nhất thổi một luồng gió mới với biết bao tin tưởng và hy vọng vào hàng ngũ văn nghệ kháng chiến.

Sau một thời gian chuẩn bị, tạp chí Văn nghệ số 1 ra đời, với những tác phẩm cho đến nay vẫn còn có sức rung động lớn. Những người ở lại - kịch 5 hồi của Nguyễn Huy Tưởng, Vượt lên bão táp - truyện của Nam Cao, Thơ dâng Người của Văn Cao, Thư cho người mà tôi tin tưởng của Nguyên Hồng, Vỡ tỉnh - truyện dài của Tô Hoài, Nhận đường tùy bút của Nguyễn Đình Thi, Cá nước - thơ của Tố Hữu, Nhớ máu - thơ của Trần Mai Ninh… Theo bước chân giao thông, tạp chí đã đến với các mặt trận, đến tận cực nam của Tổ quốc, để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp về sức sống của nền văn học đang lên.

Sau đại hội văn nghệ toàn quốc, Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập do nhà văn Nguyên Hồng làm hiệu trưởng. Các tổ chức đầu tiên của các Hội nghệ thuật chuyên ngành ra đời: Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (tháng 4-1948), Đoàn Sân khấu (1948), Đoàn Nhạc sĩ (1948), Đoàn Nhiếp ảnh Việt Nam (1949), Trường Mỹ thuật Việt Bắc (9-1950), Trường Âm nhạc Việt Nam (1950). Trước đó, tại Quần Tín, Thanh Hóa, một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ do giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách, đã đào tạo hàng trăm văn nghệ sĩ trẻ bổ sung cho lực lượng văn nghệ kháng chiến.

Như vậy, chỉ sau hai năm ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Hội Văn nghệ Việt Nam - một tổ chức thống nhất của văn nghệ kháng chiến đã được thành lập; tiến hành tập hợp, đoàn kết và bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ cả nước, sát cánh cùng đồng bào và các chiến sĩ ngoài mặt trận, tạo nên một sức mạnh tổng hợp của toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.

Với phương châm "cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt", các văn nghệ sĩ nô nức tòng quân đi theo các đoàn dân công, tham gia vận động thuế nông nghiệp hoặc lặn lội vào các bản làng xa khuất trên những đỉnh núi cao về sống với đồng bào các dân tộc ít người. Với các chuyến đi đó, với tâm hồn rộng mở, tầm nhìn xa rộng, các văn nghệ sĩ tìm thấy nhân vật, vấn đề và những xúc động thẩm mỹ mới tạo ra gân cốt, máu thịt cho những tác phẩm mới.

Lần đầu tiên, những người lính, những bà mẹ, những người nông dân ít chữ, những bà mế còn chưa thạo tiếng Kinh, những người thợ trong các công binh xưởng đã đi vào tác phẩm như những nhân vật trung tâm của thời đại mới. Một cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp giữa nguyên mẫu với chủ thể sáng tạo, giúp cho văn nghệ sĩ vừa khám phá cuộc sống, vừa khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn trong bản thân mình.

Biết bao tác phẩm tươi ròng sự sống đã ra đời, tất cả tạo nên kho lưu giữ tinh thần vô giá về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nhiều văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh trong tư thế người chiến sĩ, như Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Nam Cao... Đó là những tấm gương cao đẹp, sống mãi, tiêu biểu cho tinh hoa của nền văn nghệ nước nhà.

Những gì mà thế hệ cha anh đã làm được trong cuộc kháng chiến chống Pháp mãi mãi là những bài học sáng ngời nhân cách nghệ sĩ vì Tổ quốc, vì nhân dân. Học tập, kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp của nền văn nghệ kháng chiến chống Pháp, các thế hệ hậu sinh ngày hôm nay đang lao động sáng tạo hết mình, đồng hành cùng dân tộc, phấn đấu cho những giá trị tối cao của dân tộc để làm cho mỗi con người xứng đáng với con người; góp phần và làm cho dòng chảy văn hóa Việt Nam mãi mãi là nguồn nuôi dưỡng tinh thần bất tận của nhân dân ta.

Hà Nội, 16-12-2016

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31587802-van-nghe-khang-chien-vi-doc-lap-tu-do-va-pham-gia-con-nguoi.html