Vấn nạn 'treo đầu dê, bán thịt chó' thị trường sách trên mạng

Hằng năm, Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước đã kiểm tra hàng ngàn lượt cơ sở in, phát hành, đã phát hiện, xử lý hàng trăm cơ sở in, phát hành, photocoppy sai phạm, số tiền phạt hành chính hàng tỷ đồng.

Gần đây, Công an Hà Nội đã triệt phá đường dây sản xuất sách giả, thu giữ gần 100 tấn sách giả, hàng chục máy in, máy photocoppy… Cơ quan chức năng phát hiện 2 cơ sở in là Công ty cổ phần In và Truyền thông Kết Thành, Công ty TNHH Thương mại in công nghệ Cao Thuận Phát thực hiện in, gia công sau in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản và xuất bản phẩm không được cấp phép phát hành.

Cơ quan chức năng phát hiện hàng ngàn sản phẩm sách không rõ nguồn gốc tại tỉnh Đồng Nai.

Kết quả, cơ quan chức năng đã tạm giữ 8 đầu xuất bản phẩm với tổng số 4.400 xuất bản phẩm, 19.812kg bán thành phẩm và 177 bản kẽm, ước tính gần 21 tấn thành phẩm và bán thành phẩm. Nhà sách Ngoại ngữ ở Hà Nội cũng có dấu hiệu sản xuất, buôn bán sách giả. Đội liên ngành phòng, chống in lậu đã tạm giữ 393 đầu xuất bản phẩm với tổng số 74.636 cuốn sách, ước tính khoảng 40 tấn không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ.

Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2023 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho biết một số đối tượng sử dụng máy photocoppy, máy in màu, máy cắt, máy dập để nhái tem chống giả, văn bằng giả, tiền giả… Các đối tượng tổ chức sản xuất, phát hành theo quy trình khép kín, bí mật, thường vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, ngày nghỉ; liên kết thành từng nhóm để phân công chia nhỏ từng khâu, tổ chức in một nơi, gia công hoàn thiện một nơi, phát hành nơi khác.

Với xu hướng bán hàng online, các đối tượng tạo hàng trăm tài khoản mạng xã hội để quảng cáo rao bán sách. Các ấn phẩm quảng cáo đều là sách thật, khi người mua nhận được lại là sách in lậu, sách giả, chất lượng kém, bị hư gáy, chữ nhòe…

Khi bán qua mạng, các đối tượng giao sách qua công ty chuyển phát nhanh và che giấu địa chỉ giao sách, sử dụng địa chỉ giả. Tài khoản bán hàng online, sau một thời gian ngắn hoạt động, đối tượng sẽ thay đổi, tạo tài khoản khác, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, điều tra, xử lý.

Theo bà Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó Chánh Thanh tra, Sở TT&TT TP Hà Nội, Luật Xuất bản 2012 không có quy định cụ thể về việc xác định thế nào được coi là xuất bản phẩm, vì vậy, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình nhận diện và xử lý vi phạm. Việc giám sát cơ sở in đúng số lượng là rất khó. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc in lậu, in nối bản. Chưa có hướng dẫn cụ thể cách xác định thế nào được tính là một bản bán thành phẩm…

Bà Võ Thị Thu Sương, Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho biết, Đội Liên ngành phòng, chống in lậu hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm với nhân sự tham gia là lãnh đạo, cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị khác nhau. Do vậy, việc tập hợp lực lượng để triển khai thực hiện công tác kiểm tra đột xuất của Đội Liên ngành còn một số khó khăn, khó thường xuyên và kịp thời. Với sự phát triển của công nghệ, thiết bị in, việc in ấn không cần quá nhiều thời gian để thực hiện đã gây không ít khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện.

Luật gia Hoàng Duy (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, giám sát cơ sở in đúng số lượng theo quy định hay giấy phép xuất bản là rất khó. Tem chống giả trên xuất bản phẩm, mỗi nhà xuất bản một mẫu tem, chủng loại tem riêng hoặc ký hiệu, nhãn hiệu khác nhau nên cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng nhận diện sách giả, sách thật,...

"Phải quy định về việc dán tem chống giả đối với xuất bản phẩm để phòng, chống in lậu, in giả; nghiên cứu, triển khai phương án sử dụng chung một mẫu tem chống giả để dễ nhận diện sách thật, sách giả (như việc sử dụng tem chống giả cho lịch bloc).

Phát hiện sai phạm thì cung cấp danh sách xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, không giữ trên website hay nhà xuất bản mà gửi trước cho Thanh tra Bộ TT&TT, Sở TT&TT và Đội Liên ngành phòng, chống in lậu các tỉnh thành trước để tiến hành thu hồi. Nếu gửi đồng thời cho nhà xuất bản, họ sẽ nói đã thu hồi hết và họ thông báo các đại lý công ty dấu hết xuất bản sai phạm, khi Thanh tra Sở hay Đội, Tổ liên ngành kiểm tra sẽ không có hiệu quả", Luật gia Hoàng Duy đề xuất.

Vai trò của người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Nên mua sách tại các đơn vị được cấp phép để tránh mua sách giả, sách kém chất lượng, nội dung có thể sai so với sách thật.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/van-nan-treo-dau-de-ban-thit-cho-thi-truong-sach-tren-mang-i709315/