Văn hóa xếp hàng

Khi nhắc đến văn hóa xếp hàng, nhiều người thường lắc đầu, ngán ngẩm bởi liên tưởng đến cảnh chen lấn, xô đẩy ở những nơi công cộng như bến xe, bến tàu, sân bay... Tuy nhiên, ngày nay, khi nhắc đến văn hóa xếp hàng, bạn sẽ nhận được câu trả lời và phản ứng hoàn toàn mang tính tích cực.

Lúc nhỏ, tôi thường đòi mẹ dẫn đi chợ quê ngày gần tết. Cảnh tượng diễn ra không được thanh bình và êm đẹp như tôi nghĩ. Trái lại là hình ảnh xô bồ, chen lấn, tranh giành mua những món hàng và để được đi nhanh về nhà trước.

Tôi từng nhìn thấy nhiều người tranh giành, không ai chịu nhường ai, khi một cửa hàng đang có chương trình bán hàng giảm giá.

Khi chuyển ra trường thị trấn học cấp hai, tôi chứng kiến cảnh tượng các phụ huynh đến rước con chen lấn, tranh nhau chỗ đậu xe, bóp còi inh ỏi. Cha mẹ nào cũng muốn đón con mau về nhà sớm để được nghỉ ngơi, ăn uống. Ai cũng hối hả, muốn đón con trước cổng trường nơi dễ nhìn thấy và gần nhất nên vô tình làm mọi thứ trở nên khó khăn, bất tiện và lâu hơn.

Lớn lên, tôi rời quê để lên trung tâm thành phố học đại học. Khác với những ngày còn thơ đi chợ quê với mẹ, nhìn thấy sự chen lấn, bộn bề và hối hả, nay tôi lại nhìn thấy trước mắt mình hình ảnh văn minh. Những đoàn người đứng theo thứ tự xếp hàng khi ở trung tâm mua sắm hay chỉ là một cửa hàng nhỏ đang đông khách.

Đến khi đi làm, tôi chứng kiến và nghe kể nhiều câu chuyện về văn hóa xếp hàng. Thay vì mất trật tự, chen lấn nhau, giờ đây chúng ta bắt gặp những hình ảnh vô cùng đẹp. Nhiều người xếp hàng để đợi đến lượt mua vé ở các khu vui chơi, rạp chiếu phim.

Những người trẻ lẫn các cụ già vẫn đứng xếp hàng theo thứ tự để chờ mua một ly cà phê mang đi.

Người dân xếp hàng đợi đổ xăng tại cửa hàng xăng, dầu Tuyết Nga, khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Người dân xếp hàng đợi đổ xăng tại cửa hàng xăng, dầu Tuyết Nga, khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Thường ghé các cửa hàng như Bách hóa xanh để mua hàng tiêu dùng, tôi không cảm thấy khó chịu lúc cửa hàng có quá nhiều người cần tính tiền. Bởi thay vì chen nhau, mọi người tự ý thức xếp hàng, ai lựa chọn sản phẩm xong trước sẽ được tính tiền trước và đến người kế tiếp, lần lượt theo thứ tự, không phải chen lấn, xô đẩy gây khó chịu, mệt mỏi.

Anh Koan Châu Văn - quản lý chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh khu vực thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên (Kiên Giang) cho biết: “Lượng khách hàng đến cửa hàng từ 18 giờ 30 đến khoảng 20 giờ khá đông. Thế nhưng hầu như không có tình trạng chen lấn, xô đẩy ở quầy tính tiền. Người dân thường tự ý thức và có khi còn ưu tiên cho những bà mẹ có con nhỏ không thể đợi lâu được. Khách hàng sau khi lựa chọn hàng hóa và đến quầy thu ngân trước sẽ được tính tiền trước”.

Anh Phạm Hồng Thường - đại diện cửa hàng xăng, dầu Tuyết Nga, ngụ khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao (Kiên Giang) nói: “Khi đến cửa hàng đổ xăng, người dân tự ý thức và nhường người đến trước đổ mặc dù phương tiện họ gần nhân viên bán hàng”.

Văn hóa xếp hàng của người Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Ngày nay, văn hóa xếp hàng ngày càng phổ biến và được chú trọng trong giáo dục thế hệ trẻ ngay từ còn nhỏ.

Bài và ảnh: DU ANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//ban-doc/van-hoa-xep-hang-11428.html