Văn hóa và bản sắc

1. Vượt lên trên tất cả mọi sự thay đổi theo lối "học hỏi” hết sức nhanh nhạy của người Việt Nam với văn hóa ngoại lai, Tết cổ truyền dường như là "pháo đài” bất khả xâm phạm về sự "bảo thủ” của người Việt. Ề à, dềnh dang, long trọng chuẩn bị, Tết kéo dài tới hàng nửa tháng trước Tết (trong thực tế còn nhiều hơn) và hàng tháng hội hè sau Tết. Tết dù quanh năm đã thừa mứa vẫn là cuộc mua sắm "vĩ đại” nhất trong năm. Ùn ùn kéo nhau mua hàng đống hàng hóa từ chợ, từ siêu thị. Thi nhau tìm mua đặc sản làm quà cho tặng lẫn nhau. Kể cả với một "nhãn hàng” có ý nghĩa tinh thần là hoa, đó cũng là cuộc chơi hoa "vĩ đại” nhất của người Việt trong một năm: Cất công tìm cho bằng được một chậu hoa càng độc, càng lạ càng tốt. Tết - năm này qua năm khác - chưa bao giờ vơi sự long trọng…

Chợ hoa Xuân Hà Nội

Ảnh: HOÀNG LONG

Đó liệu có phải chính là bản sắc văn hóa dân tộc?

Nếu đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này chắc chắn sẽ khơi nguồn cho một cuộc tranh luận kịch liệt.

Đương nhiên, những gì tồn tại ngàn đời phải có lý do mới tồn tại được. Nhưng cũng không thiếu những trường hợp cố giữ một tập tục rồi khăng khăng bảo đó là bản sắc.

Tết - đương nhiên - khiến người ta nghĩ đến văn hóa dân tộc. Nhưng còn Tết cổ truyền (thậm chí nghỉ Tết tới tận 9 ngày như năm nay) không đồng nghĩa với bản sắc văn hóa còn nguyên vẹn. Sau một năm toàn những chuyện giật gân về xuống cấp đạo đức, văn hóa và tính người, những nhà nghiên cứu văn hóa ngơ ngác: Văn hóa đang ở đâu? Có một câu hỏi được một tờ báo đặt ra trong một diễn đàn từ nhiều năm trước nay càng phải được đặt ra: Văn hóa giúp được gì cho xã hội, cho con người để nâng cao đạo đức xã hội và tính người trong mỗi chúng ta?

2.

Năm 2013 tròn 70 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam. Chúng ta giật mình vì từ rất sớm, sớm tới mức còn chưa ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các lãnh tụ cách mạng thời ấy đã nhìn thấy ý nghĩa soi đường của văn hóa. Sau này, nhà nghiên cứu Văn hóa, GS Trần Ngọc Thêm gọi Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 là "Đề cương văn hóa của một dân tộc yêu chuộng văn hóa”. Giờ đây chúng ta nhắc nhiều đến hình ảnh văn hóa phải là "chân phanh” đặt cạnh "chân ga” kinh tế. Còn Bác Hồ hồi ấy đã nói, giản dị nhưng minh triết: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Năm 2013 cũng tròn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về xây dựng Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giữa một nền văn hóa Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 với xây dựng Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chỉ là một sự tiếp nối, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về văn hóa không đưa ra những khái niệm quá mới mẻ. Nhưng 15 năm sau, trong cơn cuồng phong của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, chủ quan và trung thực đánh giá, nền văn hóa đang mất dần "bản sắc” mà "hiện đại” thì chưa chạm tới.

3.

Như đã nói ở trên là đôi khi chúng ta nhầm lẫn tưởng tập tục (thậm chí là hủ tục) là bản sắc. Và tưởng cách điệu áo dài là vừa "đậm đà bản sắc” vừa "tiên tiến”. Lại đôi khi vì quá chú trọng tới tiết kiệm, chống lãng phí mà cứ hễ thấy đầu tư là la ó. Nhất là đầu tư cho văn hóa, thậm chí đầu tư cho văn hóa là dễ bị phản đối nhất với lý luận không có văn hóa không làm sao trong khi dân còn đang thiếu trường học và bệnh viện. Nên nhớ lúc cách mạng còn trong trứng nước, các nhà tư tưởng đã khởi thảo Đề cương Văn hóa Việt Nam mà nếu không có đường lối về văn hóa, không thể tập hợp được trí thức, văn nghệ sĩ theo cách mạng.

Sự xuống cấp của đạo đức hôm nay bắt nguồn từ chính sự rẻ rúng văn hóa trong những năm đầu nền kinh tế chuyển theo hướng thị trường. Những năm sau, khi đã có "bát ăn bát để”, văn hóa giải trí mặc sức phát triển, lai căng như cỏ dại, văn hóa chiều sâu gấp gáp chạy đua theo. Đình chùa mỗi ngày một to lớn, khang trang, phá cả di sản để xây theo hướng tân kỳ.

4.

Khi thế giới trong những cuộc cách tân nghệ thuật không ngừng đã bão hòa ý tưởng, sự khác lạ của những nền văn hóa còn thuần khiết được ngưỡng mộ. Các nghệ sĩ chen nhau quay về với bản sắc dân tộc. Nhưng không phải cứ hoa văn trống đồng, chim lạc… là thành bản sắc. Bản sắc phải bắt đầu từ tự thân một tâm hồn Việt. Như nhạc sĩ Phạm Duy – người "yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi”, người vừa chia tay chúng ta vào những ngày cuối năm này – từng nói rằng âm nhạc của ông mang âm hưởng dân ca là tất yếu, bởi vì ông là một người Việt Nam.

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61113&menu=1384&style=1