Văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ

Thời gian gần đây, một số nghệ sĩ bằng lời nói hay hành động chưa chuẩn mực của mình, ít nhiều đã gây nên những điều tiếng không hay trong xã hội: nhẹ thì công chúng phàn nàn, nặng thì bức xúc. Vậy nên nhận thức thế nào về văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ với công chúng?

Từ “thung lũng đau thương” trong quá khứ…

Suốt cả nghìn năm của chế độ quân chủ phương Đông truyền thống, các tầng lớp nhân dân trong xã hội chỉ được chia làm 4 loại người (còn gọi là “tứ dân”): SĨ, NÔNG, CÔNG, THƯƠNG. Đương nhiên, trong “tứ dân” không có chỗ cho người nghệ sĩ nên một thời gian dài, họ chịu điều tiếng “xướng ca vô loài”.

Thời Lê Thánh Tông - đỉnh cao nhất của chế độ quân chủ Đại Việt - nhà vua đã ra quy định: “Nhà phường chèo con hát” và những kẻ phản nghịch ngụy quan, có tiếng xấu bản thân và con cháu không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người khác làm hộ thì trị tội theo luật” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Mà nào đã hết, trong 24 huấn điều gắn với tên tuổi vị minh quân này, điều 1 có những nội dung hết sức rõ ràng: “Cha mẹ dạy con phải đúng khuôn phép, hợp với lẽ phải: con trai, con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được buông tuồng đắm đuối vào cờ bạc, rượu chè, tập nghề hát xướng để hại đến phong tục” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Bộ “Lê triều hình luật” cũng “thẳng mực tàu” rằng: “Con trai nhà xướng ca không được dự thi, con gái không được lấy nhà quyền quý, quan chức lấy con gái nhà xướng ca làm vợ, làm thiếp bị đánh 70 trượng và biếm ba tư, con cháu nhà quan chức lấy con gái nhà xướng ca cũng bị phạt đánh 60 trượng và nhất thiết bắt ly dị”. Tới những thập niên đầu thế kỷ XX, cách nhìn thiếu thiện cảm của xã hội với những người nghệ sĩ vẫn còn đó và chỉ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mọi thứ mới thay đổi.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng và Nhà nước với những văn nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc.

…đến “cánh đồng vui” thời đại Hồ Chí Minh

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc đổi đời của cả một dân tộc. Trong cuộc đổi đời đó, thân phận người nghệ sĩ cũng không còn như trước. Họ được trân trọng, tôn vinh, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc trường chinh 30 năm, đóng góp xứng đáng vào hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Những năm tháng chiến tranh, chúng ta chưa có điều kiện ghi nhận, tôn vinh người nghệ sĩ bằng những danh hiệu, phần thưởng cao quý thì khi non sông thu về một mối không lâu, chúng ta đã có các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú…

Tính từ đợt phong tặng đầu tiên (năm 1984) đến đợt phong tặng lần thứ 10 (cuối năm 2023), chúng ta đã có hơn 570 nghệ sĩ được nhận danh hiệu cao quý này. Với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, chúng ta cũng có 10 đợt trao tặng với gần 1.800 anh chị em nghệ sĩ “có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật” được vinh danh… Đến cuối thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta có thêm các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật dành tặng các văn nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là sự quan tâm, ghi nhận, nguồn động viên lớn với giới văn nghệ sĩ cả nước!

Và văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ với công chúng

Từ vị trí của những kẻ bên lề “tứ dân” đến lúc có chỗ đứng, được ghi nhận, tạo mọi điều kiện để cống hiến sáng tạo, phục vụ nhân dân, Tổ quốc và những nghệ sĩ xuất sắc thì được tôn vinh là cả một chặng đường dài. Vinh dự, hào quang bao giờ cũng đi kèm với trách nhiệm. Thật may khi phần đông văn nghệ sĩ ta đều là những công dân tốt, ý thức được chỗ đứng, hành động và phát ngôn của mình. Với số ít văn nghệ sĩ thời gian qua có hành động, phát ngôn chưa đúng mực, thiết tưởng anh chị em cần nhận thức đúng hơn về vị trí, tư cách của mình bởi công chúng luôn đa dạng về lứa tuổi, ngành nghề; đa dạng về trình độ văn hóa, gu thẩm mỹ… dẫn đến những nhận thức, thẩm bình khác nhau. Nhận thức, thẩm bình khác nhau thì ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều là tất yếu. Coi thường, miệt thị công chúng khi gặp ý kiến khác biệt, trái chiều không làm người nghệ sĩ cao hơn, thậm chí còn “kéo” nghệ sĩ xuống thấp khi tư cách, đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sĩ không tương xứng với vị trí đang có.

Ở phương diện khác, muốn hay không, người nghệ sĩ dù tài năng đến đâu cũng có những giới hạn nhất định: giới hạn của thời đại và giới hạn của bản thân (nhân vô thập toàn). Không có người nghệ sĩ nào toàn thiện, toàn mỹ. Mà có là nghệ sĩ thực sự xuất sắc đi chăng nữa thì cũng không có gì đảm bảo mọi tác phẩm anh sáng tác, tham gia biểu diễn đều ở trên đỉnh cao của nghệ thuật. Đó là điều bình thường. Thật không thỏa đáng khi người nghệ sĩ không biết đến những giới hạn của bản thân. Mình có giới hạn nhất định trong khi cái hay của nghệ thuật và mong muốn của công chúng là vô cùng thì cũng có lúc, mình không đáp ứng được mong muốn của ít nhất một bộ phận công chúng chứ? Trong trường hợp đó, người nghệ sĩ nên ghi nhận, tiếp thu ý kiến, còn ghi nhận, tiếp thu được đến đâu tùy thuộc vào nhận thức, bản lĩnh của mỗi người!

Gặp nhau cuối năm là chương trình hài giải trí được mong đợi nhất trong năm.

Cũng thật không công bằng khi người nghệ sĩ chỉ thích đón nhận những lời khen của công chúng, còn với những lời chê thì sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”. Đôi khi những nhận xét chưa hay đó còn xuất phát từ sự yêu mến, muốn người nghệ sĩ ngày càng tốt hơn, có đóng góp nhiều hơn để xứng đáng với sự mến mộ của công chúng. Sao lại chọn lối hành xử: được khen thì mừng vui hồ hởi, nhận lời góp ý thì sẵn sàng “ăn thua đủ”? Chẳng phải Tuân Tử từng nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta” sao?

Viết đến đây, chúng tôi thấy cần phải nhắc lại câu chuyện đã diễn ra cách đây ít lâu như một bài học về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng. Chuyện là một chương trình giải trí vẫn được phát sóng vào dịp năm cùng tháng tận. Vì là chương trình phát vào giờ vàng, mỗi năm chỉ có một lần, công chúng vốn rất yêu thích và chờ đợi chương trình này nên năm nào cũng háo hức và đặt kỳ vọng lên chương trình rất nhiều.

Nói một cách công bằng thì chương trình trước thềm Xuân Quý Mão 2023 có phần không hay bằng những năm trước. Thế là bắt đầu có những ý kiến trên mạng xã hội. Thay vì lắng nghe để có những bước hoàn thiện chương trình cho năm sau hay hơn năm trước thì một nghệ sĩ tham gia chương trình đã viết status trên Facebook về “cái tát của mẹ”. Anh đưa ra ẩn ý về người mẹ nọ quanh năm đầu tắt mặt tối, vất vả lo cho gia đình, con cái nhưng người con không biết điều, chỉ có đòi hỏi này khác và đỉnh điểm là chê nồi bánh chưng mẹ nấu. Người mẹ đã cho con cái tát như một bài học hữu ích!

Ơ hay! Sao lại có thể lấy câu chuyện về hai mẹ con nhà kia để “ẩn ý” về lời chê của một bộ phận khán giả, công chúng? Nghệ sĩ có phải là “người mẹ” và công chúng có phải “đứa con” đâu mà lại hàm ý “đứa con - công chúng” vô ơn? Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng là mối quan hệ “mẹ - con” ư? Công chúng không có quyền góp ý cho nghệ sĩ cũng như “con” không có quyền chê “mẹ”? Chưa nói đến, công chúng mới nhận xét chung về một chương trình giải trí, chưa nhận xét riêng về phần tham gia của bất kỳ nghệ sĩ nào mà đã đứng ra phản pháo như mình là người chịu trách nhiệm tối cao về chất lượng nghệ thuật của chương trình giải trí kia thì cũng lạ!

Những lời khen, tiếng chê từ công chúng khi tiếp nhận các tác phẩm, chương trình nghệ thuật là điều quá đỗi bình thường ở thời buổi bùng nổ các mạng xã hội và ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình, miễn ý kiến đó không vi phạm pháp luật hay có hại đến thuần phong mỹ tục.

Tiếp nhận các ý kiến khen chê, để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, đánh mất hình ảnh với công chúng, ngoài tài năng ra thì người nghệ sĩ cũng phải bình tĩnh, khách quan nhìn nhận lại mình; có thái độ cầu thị; có “phông” văn hóa nhất định; không nên đặt cái tôi cá nhân cao hơn công chúng hay cộng đồng khán giả.

Đừng quên ở thời đại 4.0, những phương tiện ghi âm, ghi hình rất sẵn, chỉ trong chốc lát đã được chia sẻ hay phát tán trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Xảy chân còn gượng được chứ lỡ lời hay ứng xử một cách khinh suất hầu như không có cơ hội sửa sai. Những nghệ sĩ vừa có tài năng, vừa có văn hóa ứng xử với công chúng mới là nghệ sĩ lớn đích thực!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/van-hoa-ung-xu-cua-nguoi-nghe-si-i723904/