Văn hóa từ hai bàn tay

Những ngày vừa qua, hình ảnh về hai người đàn ông giơ tay túm áo đánh mạnh vào đầu một nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài làm cho cô gái phải đến bệnh viện khám vì “nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn”… là một sự kiện buồn khiến dư luận bất bình. Tất cả mọi người cũng như các nhà xã hội học, nhà tâm lý học đều cho rằng dù bất kể vì lý do gì thì hành vi đánh phụ nữ là hành vi không thể chấp nhận được và rất cần có sự can thiệp của pháp luật.

Trong các bộ phận trên cơ thể con người, đôi bàn tay luôn được đánh giá và xếp hạng quan trọng. Bởi lẽ, “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Nghĩ về đôi bàn tay là chúng ta nghĩ về sự lao động với đôi bàn tay siêng năng làm lụng để chứng tỏ sức lực, niềm đam mê cũng như ý chí vươn lên không ngừng của mỗi người. Khi người phụ nữ tin tưởng ở người đàn ông là họ muốn được nghe người ấy nói rằng: “Đã có đôi bàn tay này, nàng không phải lo” và chắc hẳn đã có không ít phụ nữ Việt Nam đã đặt niềm tin lớn lao ở những đôi tay như thế. Đôi bàn tay chính là chỗ dựa, là niềm tin, là tiền bạc, là chở che vỗ về bao bọc.

Con người khi còn bé, ai cũng phải di chuyển bằng bốn “chân”. Khi em bé tập bò, hai bàn tay chính là đôi chân thứ hai giúp nâng đỡ cơ thể nhích dần lên một bước tiến mới, để đón cả một thế giới với những văn hóa văn minh mới khiến cho em bé không ngừng nỗ lực tập luyện để đứng thẳng. Trong đời sống thường ngày của xã hội đôi bàn tay còn là văn hóa, là ngôn ngữ trong giao tiếp ứng xử giữa người với người. Đôi bàn tay biết chia sẻ, biết cho, biết nhận trong tình tương thân tương ái, trong niềm kính trọng, trong ý thức nhân văn, trong tư duy tiến hóa cao nhất của loài người.

Xã hội rồi sẽ ra sao khi đang thiếu dần đi những đôi bàn tay biết yêu thương và siêng năng làm lụng. Những đôi bàn tay thờ ơ vô cảm, ích kỉ, thiếu nhân cách con người xuất hiện ngày càng nhiều. Khi những đôi bàn tay kia chỉ còn biết dùng để gạt trúng má khiến gãy răng người khác, hay tóm cổ đánh phụ nữ ở sân bay… thì lúc đó hai bàn tay có khác gì hai bàn chân chỉ quen chạy nhảy, leo trèo, giẫm đạp. Muốn duy trì phát triển thể chất con người chỉ cần nạp đủ dinh dưỡng trong một thời gian ngắn, nhưng muốn đứng thẳng và đi bằng hai chân lại phải trải qua cả một quá trình tập luyện rất dài, dài bằng cả một kiếp người.

Hàng ngày, bạo lực gia đình vẫn còn đang tồn tại ở khắp các vùng miền trên toàn đất nước Việt Nam chúng ta. Mong sao trong xã hội mà chúng ta đang sống, ai cũng biết đứng thẳng với lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh làm người khi những câu chuyện về đàn ông đánh phụ nữ vẫn đang còn dài và chưa có hồi kết.

Nguyễn Thúy Hạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/van-hoa-tu-hai-ban-tay/130930