Văn hóa phòng trà Hà Nội giờ ra sao?

Vài năm trở lại đây, văn hóa phòng trà của Hà Nội có nhiều thay đổi. Rất nhiều thương hiệu quen phải 'đứt gánh giữa đường' không thể duy trì hoạt động nghệ thuật do thua lỗ kinh doanh. Tuy vậy, văn hóa phòng trà ở Hà Nội vẫn hoạt động theo cách riêng dù không sôi nổi như ở TP Hồ Chí Minh.

Mối lo có thật

Với nhiều nghệ sĩ, không phải lúc nào cũng có “sô” biểu diễn trong những chương trình lớn diễn ra ở các nhà hát. Công chúng cũng chẳng phải ai cũng có điều kiện để thưởng thức những chương trình nghệ thuật này. Phòng trà là địa chỉ văn hóa để nghệ sĩ, khán giả được gặp nhau thân tình, gần gũi hơn.

Nhiều phòng trà của Hà Nội gặp khó khăn trong việc duy trì biểu diễn nghệ thuật.

Nhiều phòng trà của Hà Nội gặp khó khăn trong việc duy trì biểu diễn nghệ thuật.

Tại TP Hồ Chí Minh và các tính phía Nam, các phòng trà phát triển mạnh, trở thành những tụ điểm văn hóa thường xuyên để nghệ sĩ và công chúng sinh hoạt nghệ thuật. Văn hóa thưởng thức nghệ thuật tại các phòng trà ở những tỉnh phía Nam được duy trì đều đặn, trở thành thói quen của rất nhiều khán giả.

Trong khi đó tại Hà Nội và rất nhiều tỉnh phía Bắc, văn hóa phòng trà lại có phần trầm lặng hơn. Khán giả phía Bắc chưa có thói quen đến tụ điểm ca nhạc xem nghệ thuật theo kiểu “càfê cuối tuần”. Sự khó khăn trong kinh doanh tại các phòng trà Hà Nội là có thật.

Trước kia, Hà Nội từng có nhiều thương hiệu phòng trà lớn như Hồ Gươm xanh, Làn sóng xanh, Hale clup, phòng trà Opera… nhưng dần dần những địa chỉ này hoặc là biến mất, hoặc là nếu còn sinh hoạt nghệ thuật cũng không duy trì đều đặn. Một số phòng trà do các nghệ sĩ của Hà Nội đứng ra thành lập cũng đã trở thành dĩ vãng.

Phòng trà Aladin của NSND Thanh Hoa (ở Hàng Bột) từng là “địa chỉ vàng” của giới nghệ sĩ. Hoạt động kinh doanh trong gần 10 năm, từng có thời kỳ hoàng kim tập trung được nhiều giọng hát hay Hà Nội ở dòng nhạc đỏ nhưng khi NSND Thanh Hoa mở thêm địa cơ sở 2 tại khách sạn Thắng Lợi thì công việc kinh doanh không được như mong đợi. Sau 4 năm hoạt động cầm chừng, cả hai cơ sở Aladin đành phải đóng cửa trước nguy cơ bị thua lỗ.

Sau NSND Thanh Hoa, nhiều ca sĩ trẻ của Hà Nội cũng tìm cơ hội kinh doanh bằng cách mở phòng trà. Năm 2009, ca sĩ Lê Anh Dũng (giải nhất Sao Mai 2007 của dòng nhạc thính phòng) cùng một số anh em đầu tư 3 tỷ đồng mở phòng trà Bee Club (số 2B Phạm Ngọc Thạch). Toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng ở sân khấu phòng trà đều đạt tiêu chuẩn ngoại. Ban đầu, Lê Anh Dũng tham vọng "đỏ đèn" sân khấu phòng trà cả 6 đêm trong tuần. Song, chỉ sau hơn một năm hoạt động, Bee Club đã chật vật bù lỗ. Sau 1 năm hoạt động, nam ca sĩ đành phải bán phòng trà cho một chủ khác. Ngày nay, địa chỉ phòng trà này cũng bị xóa sổ, thay vào đó là sự hiện diện của một trung tâm thương mại lớn.

Ca sĩ Tuấn Hiệp - ông chủ một thời của phòng trà Malaideli (92 Trấn Vũ) cũng mang trong mình những ký ức buồn trong quá trình kinh doanh phòng trà. Phòng trà Malaideli duy trì được vài năm với 2 buổi biểu diễn trong tuần (thứ 5 và thứ 7), từng là “chốn đi về” của nhiều giọng hát tên tuổi như: Thanh Lam, Tùng Dương, Khánh Linh, Nguyễn Ngọc Anh… nhưng với việc chật vật trong việc kéo khán giả đến thưởng thức nghệ thuật, trong khi chi phí để nuôi phòng trà, trả cát-xê cho đồng nghiệp nên Tuấn Hiệp cũng phải chia tay với giấc mơ kinh doanh này.

Người Hà Nội thưởng thức nghệ thuật ở đâu?

Nhiều phòng trà tên tuổi dừng hoạt động nhưng sau đó lại có những địa chỉ văn hóa khác mọc lên và đến giờ vẫn duy trì sự ổn định kinh doanh. Hà Nội hiện nay, có những địa điểm phòng trà xây dựng được “gu” nghệ thuật riêng để lôi kéo khán giả. Phòng trà Swing (Tràng Thi), Trixie (Thái Hà)… dành cho giới trẻ với những dòng nhạc hiện đại. Phòng trà Hibar (Nhà hát nghệ thuật Âu Cơ) chuyên dòng nhạc dân gian, thính phòng…

Ca sĩ Nguyễn Hưng biểu diễn trong buổi ra mắt phòng trà mới - Big Bang tại Hà Nội.

Vào ngày 20-9 vừa qua, phòng trà Big Bang (Nguyễn Chánh) khai trương mang xu hướng nhạc trữ tình và có kết nối với nhiều nghệ si hải ngoại về nước biểu diễn. Ngay trong buổi ra mắt, nhiều ca sĩ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ở nước ngoài đã chia vui vì sự ra đời của địa chỉ văn hóa này. Ông Lê Gia Dáng - Chủ tịch Hội đồng quản trị của phòng trà này cho biết, mặc dù việc kinh doanh phòng trà gặp không ít khó khăn vì khán giả Hà Nội chưa có thói quen đến những tụ điểm âm nhạc để thưởng thức nghệ thuật nhưng các nghệ sĩ vẫn mong mỏi có những địa chỉ biểu diễn thường xuyên, gần gũi để dễ giao lưu khán giả.

Dù thừa nhận khó khăn và nhiều rủi ro trong việc duy trì hoạt động nghệ thuật kết hợp với kinh doanh, các phòng trà Hà Nội vẫn có cách để hoạt động riêng. Thị trường giải trí của Hà Nội diễn ra sôi động với muôn hình vạn trạng, những phòng trà này phần nào cũng tạo dựng thêm địa chỉ thưởng thức nghệ thuật cho công chúng.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/878579/van-hoa-phong-tra-ha-noi-gio-ra-sao