Văn hóa - nền tảng của phát triển bền vững

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, tổ chức văn hóa, nghệ thuật. Đây sẽ là cơ sở để Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp, lãnh đạo xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Hội nghị cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ Trung ương đến địa phương.

Chú trọng giáo dục văn hóa đạo đức cho học sinh

Làm công tác quản lý trong ngành giáo dục, thạc sĩ Đỗ Mạnh Toàn, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bình Long (TX. Bình Long) rất quan tâm đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra. Ông cho rằng, hội nghị lần này mang tính lịch sử, được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". “Tôi tin rằng hội nghị sẽ trở thành động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp nhân dân; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Hội nghị cũng là một điểm tựa để ngành giáo dục tiếp tục đổi mới, phát triển lên một tầm cao mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay” - thạc sĩ Toàn bày tỏ niềm tin.

Một trong nhiều hoạt động văn hóa tại Trường THPT chuyên Bình Long (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa nói chung và văn hóa nhà trường nói riêng nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngay từ năm học đầu tiên, Trường THPT chuyên Bình Long luôn chú trọng tới xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường. Chi bộ, Ban giám hiệu trường tập trung hướng đến mục tiêu xây dựng trường học thân thiện với chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu, luôn đổi mới, phát triển trường theo tôn chỉ “Hôm nay các em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường tự hào về các em”. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục và hội nhập, mục tiêu trường hướng đến là đào tạo học sinh thành những con người năng nổ, nhiệt tình trong công việc, yêu lao động, sống có trách nhiệm, lòng nhân ái, hòa nhập tốt trong cộng đồng và luôn có khát vọng vươn lên. Chính vì vậy mà từ khi thành lập đến nay, ban giám hiệu cùng tập thể trường luôn chú trọng tạo dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, nền nếp, kỷ cương, có chất lượng để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển năng lực, tư duy sáng tạo, có khả năng thích ứng mạnh mẽ và trở thành công dân tốt.

Việc xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa nhà trường sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục trong giai đoạn hiện nay mà đặc biệt là vẫn giữ được nét truyền thống dân tộc Việt Nam. Xây dựng văn hóa nhà trường thành công sẽ tạo nên chất lượng và thương hiệu của trường.

Thạc sĩ ĐỖ MẠNH TOÀN,
Phó hiệu Trường THPT chuyên Bình Long

Gìn giữ văn hóa: nhiệm vụ của toàn xã hội

Nhắc lại khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị: “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất; hạnh phúc của con người không phải ở chỗ nhiều tiền và được ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở chỗ phong phú về tâm hồn, được sống trong tình thương và lòng nhân ái…” - thạc sĩ Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc Nhà thiếu nhi TP. Đồng Xoài tự tin Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Hội nghị một lần nữa tiếp thêm sức mạnh, động lực cho những người làm văn hóa, giúp họ phát huy tinh thần yêu nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Khẳng định nhiệm vụ quan trọng của chúng ta hiện nay là không để văn hóa lỡ nhịp “chuyến tàu” phát triển nhưng thạc sĩ Nguyễn Văn Sáng cũng cho rằng, để văn hóa ngày càng phát huy giá trị cao đẹp trong đời sống dân tộc là nhiệm vụ của toàn xã hội, chứ không phải chỉ những người làm công tác văn hóa.

Một ngày trải nghiệm công việc làm nông của thiếu nhi thành phố Đồng Xoài (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Cũng theo ông Sáng, cụ thể tình yêu văn hóa dân tộc, Nhà thiếu nhi TP. Đồng Xoài đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như các hoạt động về nguồn, tổ chức lớp học làm người có ích, hội thi tìm kiếm tài năng nhí, trung thu cho các em ở khu cách ly và một số hoạt động mang tính giáo dục khác. Đây là những hoạt động trải nghiệm thực tế giúp các em hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam để từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc ngay từ khi còn nhỏ.

Báo chí phải phát hiện và nêu gương điển hình

Nhà báo Đoàn Như Viên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho rằng: 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận, đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai chủ trương, đường lối các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung và các nhà báo nói riêng là phải chuyển tải nội dung, thông điệp Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa đến người dân một cách sinh động, kịp thời, mang hơi thở của cuộc sống.

Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, công tác truyền thông, báo chí phải tập trung vào việc phát hiện và nêu gương điển hình người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhà báo phải luôn luôn học tập nâng cao kiến thức về văn hóa, đạo đức; bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để có cái nhìn sáng hơn, sát hơn khi thực hiện các đề tài về văn hóa trên các loại hình báo chí. Trong thời gian tới, cùng với các cấp, ngành, Hội Nhà báo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí, hội viên tập trung tuyên truyền đậm nét để “Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc", như lời Tổng Bí thư khẳng định.

Nhà báo Đoàn Như Viên,
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh

Đức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/128800/van-hoa-nen-tang-cua-phat-trien-ben-vung