Văn hóa kinh doanh Nhật: Không chỉ là cái cúi đầu!

... Chúng ta không đòi hỏi một cái cúi đầu hay khom lưng trong kinh doanh, nhưng chúng ta mong muốn học sự sự tử tế...

LTS:- Về những ồn ào từ cái cúi đầu của vị giám đốc kinh doanh xăng dầu người Nhật tại Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn - (Giáo sư Khoa Y, Đại học New South Wales, và Đại học Công nghệ Sydney) đã có bài viết thể hiện góc nhìn riêng theo quan điểm cá nhân ông. Báo Đất Việt xin đăng tải nội dung bài viết của ông về vấn đề này.

Ông chủ cây xăng lặng lẽ đứng cúi chào khách.

Sự xuất hiện của doanh nghiệp xăng dầu do người Nhật đầu tư đã gây ra vài ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng cái cúi đầu của doanh nhân Nhật là không thật lòng. Cũng có ý kiến cho rằng sự hiện diện của doanh nghiệp Nhật là một sự cần thiết cho cạnh tranh lành mạnh. Ở đây, tôi nghĩ có thể nhìn sự hiện diện của doanh nghiệp Nhật một cách tích cực hơn, nhất là sự tử tế và văn hoá kinh doanh của họ sẽ đóng góp phần tích cực vào văn hoá kinh doanh Việt Nam.

Tôi có vài lần trải nghiệm với văn hóa ứng xử Nhật và không thể nào quên được sự tử tế cùng tính lịch lãm của họ. Có lần tôi sang dự hội nghị quốc tế ở Osaka, chuyến bay đáp xuống phi trường ngoài biển lúc hơn 11 giờ đêm. Tôi thích đi xe điện, nên quyết chí đi xe điện của Nhật để trải nghiệm và so sánh với xe điện bên Úc.

Xe điện của Nhật thật là không chê được. Từ khâu mua vé đơn giản, giờ khởi hành chính xác đến từng giây, đến vị trí lên tàu điện chính xác ngay nơi khách đứng, làm tôi thán phục tính chính xác của người Nhật. Sau này tôi đi nhiều chuyến xe điện xuyên thành phố và cũng chứng kiến tính chính xác tuyệt vời. Lên xe thấy ghế vừa tiện nghi vừa sạch sẽ, làm cho chuyến đi về trung tâm thành phố hết sức thoải mái. Xe chạy ngang qua những tòa nhà tôi thấy đèn điện còn sáng chưng, và nhìn kĩ thì thấy vẫn có người làm việc lúc đó (tức gần nửa đêm). Sau này tôi mới biết người Nhật làm việc quá giờ hành chánh là bình thường. Họ làm xong việc chứ không hẳn là xong giờ.

Khi xuống ga tôi phải đón xe taxi về khách sạn, và lúc này thì trải nghiệm mới hay. Tôi đến một anh tài xế taxi gần đó, và nói một tràng tiếng Anh là về khách sạn Nikko. Anh tài xế taxi tay đeo găng tay trắng, khom lưng một cái, trả lời bằng một tràng tiếng Nhật, rồi đưa tay chỉ trỏ vài con đường gần đó. Tôi chẳng hiểu anh ta nói gì, nhưng ngạc nhiên vì anh ta không mở cửa taxi cho tôi vào. Tôi nói lại nhu cầu đi taxi, nhưng lần này thì nói chậm hơn, và chìa ra cái tên khách sạn cho anh ta thấy. Anh ta cười nói một tràng tiếng Nhật, nhưng vẫn không chịu mở cửa xe!

Tuy nhiên, nhìn thái độ thì anh ta không có vẻ gì kém thân thiện, mà muốn giúp. Lần này tôi viết ra tên khách sạn và cho anh ta xem bản đồ, anh ta chỉ vào đồng hồ xe rồi nói một tràng tiếng Nhật. Nhưng lần này anh ta mở cửa xe cho tôi vào. Hóa ra, khách sạn nằm gần chỗ ga xe điện, nên khi xe chạy thì cái đồng hồ nó tự động tính tiền km đầu tiên (tôi không nhớ giá tiền), và anh ta không muốn tôi tốn tiền vô lí vì tôi có thể đi bộ về khách sạn. Chính vì không muốn tôi tốn tiền như thế, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên anh không còn cách nào khác là cho tôi … chi tiền. Đó là một sự tử tế vậy.

Lần thứ hai là câu chuyện xử lí truyền thông về "sự cố" sữa hết hạn. Lúc đó tôi đi công tác ở Nagoya. Đi đường đâu cũng thấy có người đứng ở ga xe điện, trạm xe bus, và một số ngã tư đừng khom lưng như hối lỗi. Có người phát cái tờ rơi giải thích sự việc, tiếng Nhật và tiếng Anh, thì tôi mới biết câu chuyện. Hóa ra, một công ty địa phương bán sữa nhưng chẳng may có một số sữa hết hạn sử dụng và có vài người bị tiêu chảy. Thế là công ty phát động một "chiến dịch xin lỗi". Nhưng cách xin lỗi của họ là biến thành một chiến dịch củng cố thương hiệu. Họ mướn người đứng ở những nơi có nhiều người qua lại để xin lỗi. Chẳng những thế, họ mướn giờ tivi, mướn giờ đài truyền thanh, và dùng phone để nói lời xin lỗi khách hàng dù khách hàng chẳng gặp "sự cố" sức khỏe. Quả là một chiến dịch hết sức ấn tượng!

Dĩ nhiên, cái "lớn" của người Nhật không chỉ qua hai trải nghiệm trên. Trong những biến cố lớn như thiên tai vừa qua, chúng ta càng chứng kiến người Nhật quả thật hơn hẳn các sắc tộc khác, kể cả các sắc tộc có thời tự hào là thượng đẳng thế giới. Hình ảnh một em bé bình thản đứng xếp hàng để nhận hàng cứu trợ làm cả thế giới thán phục tinh thần kỉ luật của người Nhật. Càng thán phục hơn ở năng lực phục hồi các cơ sở vật chất sau trận động đất lịch sử. Những xa lộ bị nứt và đứt lìa được khôi phục nhanh chóng sau đó, những tòa nhà tan hoang được xây dựng lại, hàng đống rác xe và máy bay được dọn dẹp chỉnh chu rất nhanh sau thiên tai. Người Nhật đã chứng minh cho cả thế giới thấy sức mạnh và khả năng hoàn thành những điều tưởng như không thể.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/van-hoa-kinh-doanh-nhat-khong-chi-la-cai-cui-dau-3345201/