Văn hóa giao thông phải là một giá trị

KTNT - Chưa bao giờ vấn đề an toàn giao thông và việc tuân thủ luật giao thông lại nhận được sự quan tâm của xã hội nhiều như hiện nay. Hạn chế, bất cập của hệ thống hạ tầng, ý thức người tham gia giao thông,… đã được “mổ xẻ” nhiều nhưng chưa đến hồi kết.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, cho biết:

Theo cách nhìn của riêng tôi, cái gọi là văn hóa giao thông, nghĩa là các thành viên xã hội, những người tham gia giao thông tuân thủ các luật định tương tác lẫn nhau trong quá trình giao thông. Theo đó, họ không cản trở, xâm phạm vào các quy định. Khi nói văn hóa giao thông, việc thực hiện phải thành tự giác, ý thức có tính chất sâu sắc, bền vững. Tinh thần ấy phải trở thành một thứ giá trị - người ta chỉ có thể làm tốt chứ không phá ngang vào trật tự ấy.

Hiện chúng ta có văn hóa giao thông chưa, thưa ông?

Chúng ta chưa có văn hóa giao thông. Thực tế là chưa có sự tự giác, bởi khi vắng bóng lực lượng chức năng lập tức người ta không tôn trọng luật lệ, giành đường, vượt ẩu, đi lên vỉa hè, vượt đèn đỏ…

Nếu coi văn hóa giao thông như một giá trị ở thang điểm 10, ông đánh giá chúng ta đang ở điểm nào?

Cho điểm thoáng sẽ được 6, nghiệt ngã hơn chưa được điểm trung bình. Đây là cái nhìn cảm tính của riêng tôi. Nó cũng mang tính tương đối. Cá nhân tôi nghĩ điểm 8 và điểm 10 là khoảng cách không đáng kể, nhưng để từ mức trung bình lên được điểm 8 là rất khó.

Khi văn hóa giao thông được nhìn nhận như một giá trị, người ta sẽ phấn đấu chinh phục nó, như khát vọng vươn lên. Với tình trạng như hiện nay, tôi nghĩ các nhà chức trách sẽ còn khá mệt mỏi…

Thưa ông, có ý kiến cho rằng muốn nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, chúng ta phải tăng mức xử phạt. Cách làm này dường như chỉ chặt ngọn chứ không phải làm từ gốc, chỉ chống chứ không phòng?

Nói chính xác thì khâu tuyên truyền chúng ta đã làm khá nhiều, nhưng chưa tốt, chưa trúng. Mỗi đợt ra quân rầm rộ của lực lượng chức năng, các phương tiện truyền thông đều vào cuộc nhưng kết quả sau những chiến dịch ấy lại không vững chắc. “Ngụy kết quả”: có vẻ như ai cũng ngậm bồ hòn khen ngọt. Chúng ta phải xem xét cả các yếu tố căn cơ khác như cơ sở hạ tầng và các điều kiện kèm theo.

Đáng buồn là cách tuyên truyền hiện tại có vẻ bị trượt ra ngoài tai đối tượng mà nó hướng đến. Lâu nay chúng ta hy vọng truyền thông sẽ làm thay đổi hành vi. Hãy xác định, thay đổi hành vi giao thông là vấn đề rất lâu dài, khó khăn, nếu không muốn nói là cực kỳ nan giải. Đừng mong có kết quả một sớm một chiều. Việc truyền thông thay đổi hành vi còn phải quan tâm đến gốc gác tiểu nông, ý thức, lề thói cũ,…

Ông có thể ví dụ một bài học về cách làm trúng của truyền thông?

Đơn giản thôi, ngay như con trẻ của chúng ta đi học, các thầy cô nói cho các con nhiều về vấn đề ý thức khi tham gia giao thông. Ở nhà, cha mẹ cũng dạy các con những điều ấy. Thế nhưng, có khi vô tình học trò lại nhìn thấy thầy cô mình đi lấn đường, vượt đèn đỏ; thấy cha mẹ đi trên vỉa hè. Con trẻ sẽ nghĩ ngay những lời người lớn nói chỉ để cho hay! Người lớn, khi bị phát giác, sẽ biện minh là do vội, do một hoàn cảnh đặc biệt…, nhưng tất cả những điều này tạo thành xã hội chưa thật sự tôn trọng lề luật duy lý mà duy tình, duy cảm. Vì ở đâu đó, khi vi phạm luật giao thông, người ta có thể dùng mối quan hệ, nhờ cậy để xin được tha. Nếu vẫn còn quan hệ kiểu “Chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu…” thì sẽ còn nhiều chuyện để bàn. Tinh thần và ý chí của luật pháp đã không được tôn trọng ở đâu đó và luật pháp cũng không công bằng với các lớp người khác nhau trong xã hội.

Thưa ông, tai nạn giao thông đã được gọi là thảm họa của quốc gia, thu hút sự vào cuộc của rất nhiều ban ngành và cũng tốn nhiều tiền của… Theo ông, thời gian tới chúng ta sẽ làm gì để đẩy lùi vấn nạn này?

Sẽ không phải là giải pháp đơn lẻ mà là giải pháp mang tính đồng bộ. Chúng ta không chỉ nói chuyện ý thức đơn thuần trong điều kiện cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Những người chấp hành nghiêm luật giao thông, có thể họ sẽ mất hàng giờ đồng hồ mà không qua được một ngã tư giờ cao điểm. Trong khi những người cướp đường “về đích” sớm mà có khi vẫn tránh được lực lượng chức năng. Đây là sự không tương thích giữa các lĩnh vực, điều kiện, khía cạnh của câu chuyện giao thông. Dù vậy, ý thức của con người là nhân tố quyết định nhất trong số những tồn tại đó. Nếu chúng ta không giải quyết được tồn tại trong khâu ý thức thì tình trạng vẫn lộn xộn như hiện tại.

Có người đưa ra những hình mẫu giao thông của các nước trong khu vực, thậm chí trên thế giới để chúng ta làm theo. Tôi nghĩ làm cách này chúng ta sẽ bị “chênh” do điều kiện kinh tế - xã hội và xuất phát điểm rất khác nhau. Ý kiến của ông như thế nào?

Việc học hỏi là đương nhiên. Học hỏi để sửa chữa, điều chỉnh, du nhập. Có điều là nếu lấy những mô hình của Nhật Bản, Singapore thì không ổn. Nên xem những quốc gia có cái nền tương đồng hơn, như Trung Quốc, Thái Lan. Thậm chí, ngay cả trong nước, có nhiều địa phương làm tốt việc này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Quỳnh Chi (thực hiện)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/vanhoa/2012/4/33701.html