Văn hóa đọc thấm sâu đến từng cán bộ, chiến sỹ

BHG - Đối với cán bộ, chiến sỹ (CBCS) sách báo là sản phẩm văn hóa tinh thần giúp tích lũy tri thức, khả năng tư duy, rèn luyện nhân cách quân nhân và tính giải trí cao. Văn hóa đọc trong các đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh từng bước đi vào nền nếp, là nhu cầu thiết yếu, tinh thần say mê đọc của CBCS.

Thực hiện Thông tư số 138/2020 của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần, LLVT tỉnh đã đảm bảo bình quân thực hiện tiêu chí đọc 300 trang sách/người/năm. Thư viện Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh có trên 4.000 đầu sách với đủ thể loại như lịch sử, hồi ký, truyện ngắn, văn học, tiểu thuyết, sách pháp luật… Đối với báo chí, ngoài Báo Hà Giang còn có Báo Quân đội Nhân dân, Nhân dân, Tuổi trẻ, Pháp luật, Thể thao, Phụ nữ, Sức khỏe và Đời sống… bảo đảm nhu cầu cung cấp thông tin, sự kiện, nghiên cứu cho bộ đội.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Minh Khôi, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Đọc sách báo vừa để CBCS nắm bắt thông tin, trang bị kiến thức quân sự, chính trị, pháp luật, đời sống vừa để giáo dục truyền thống, rèn luyện phẩm chất của người lính vững vàng trước mọi âm mưu thủ đoạn của các các thế lực thù địch. Chính vì vậy các cấp ủy, chỉ huy khuyến khích CBCS thực hiện đọc sách thường xuyên. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu đọc của bộ đội.

Trung đoàn 877 tổ chức Ngày hội nâng cao văn hóa đọc cho chiến sỹ mới.

Thiếu úy Hoàng Ngọc Hà, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh một trong những đọc giả quen thuộc chia sẻ: Ngoài đọc báo tôi thường tìm đọc truyện ngắn hay những quyển hồi ký của những vị tướng trong Quân đội. Khi đọc sách báo mình hiểu biết nhiều hơn, tư duy hơn và được thư giãn hơn giúp ích cho bản thân trong học tập, công tác.

Hiện tại ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 877 có phòng Hồ Chí Minh được trang bị đầy đủ các loại báo, tạp chí theo quy định. Đại úy Lý Sào Bình, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 877 cho biết: Tôi thường tìm đọc được những quyển hay viết về lịch sử, về Bác, về biển đảo và những tác phẩm văn học mang tính giáo dục cao. Đây là tư liệu sẽ góp phần giúp tôi thực hiện tốt vai trò chính trị viên trong tuyên truyền giáo dục CBCS đơn vị mình, là cách để mở mang tầm nhìn, tri thức

Phong trào đọc sách còn được duy trì trong các giờ nghỉ ngoài thao trường. Trước mỗi buổi huấn luyện, các loại sách báo, tạp chí được tập hợp vào “Hộp báo thao trường” và mang ra thao trường để CBCS tranh thủ đọc lúc nghỉ giải lao. Đồng thời, định hướng các nội dung bổ ích, để CBCS kịp thời nắm bắt thông tin, trang bị kiến thức quân sự, chính trị, pháp luật, đời sống. Qua đó, xây dựng ý chí, bản lĩnh vững vàng trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để thông tin xấu xâm nhập vào đơn vị, gây ảnh hưởng tới quá trình học tập, rèn luyện của CBCS.

Tại Ban CHQS phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, một tủ sách nhỏ đặt trong phòng làm việc của đơn vị với nhiều loại sách, báo, tạp chí được sắp xếp một cách khoa học. Đây cũng là nơi giải trí, trau dồi thêm kiến thức của CBCS dân quân thường trực phường sau những giờ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Hằng tuần, Ban CHQS phường sẽ bổ sung thêm các loại báo mới để làm phong phú thêm tủ sách của đơn vị. Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Nguyễn Trãi, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Bên cạnh các loại sách, báo liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự, còn có các loại sách về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, giáo dục, pháp luật, thể thao, giúp các chiến sỹ cập nhật thông tin kịp thời và bổ sung nhiều kiến thức bổ ích.

Xác định phát triển văn hóa đọc trong LLVT tỉnh là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CBCS, Bộ CHQS tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi CBCS có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của việc đọc sách. Đại tá Nguyễn Hoài Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Đọc sách, báo cũng như nghiên cứu tài liệu đã giúp CBCS trong toàn LLVT tỉnh nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của mình, điều này đã được thể hiện qua kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng CBCS. Qua đó, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”.

Với người lính sách là kho tàng tri thức để nâng cao bản lĩnh, hiểu biết văn hóa góp phần xây dựng Quân đội “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Với sự vào cuộc, quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp nâng cao văn hóa đọc chắc chắn sẽ thấm sâu đến từng CBCS.

Bài, ảnh: Quốc Hoàn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202405/van-hoa-doc-tham-sau-den-tung-can-bo-chien-sy-a8d1fb6/