Văn hóa doanh nghiệp: Chuyện nghiêm túc

Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân được hâm nóng những ngày qua nhân câu nói một vị lãnh đạo 'đã qua thời sáng kinh doanh, tối đi quan hệ'. Chủ đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân vì sự phát triển bền vững do Bộ VHTTDL chủ trì thu hút gần 50 ý kiến từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa.

Một cuộc hội thảo về văn hóa doanh nghiệp thu hút đông đảo doanh nhân.

Một cuộc hội thảo về văn hóa doanh nghiệp thu hút đông đảo doanh nhân.

Manh nha văn hóa doanh nghiệp Việt

“Không ít doanh nghiệp xây dựng văn hóa nhưng phần lớn mới dừng lại ở bề nổi, phong trào, nghi lễ còn phần chìm, cốt lõi quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp như thái độ, trách nhiệm, niềm tin, tiêu chuẩn chưa thực hiện được bài bản, rõ ràng”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Bà Từ Thị Loan, Giám đốc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đồng quan điểm, cho rằng, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, chưa được hiểu thấu đáo và nhiều doanh nghiệp thường chọn cách xây dựng hình ảnh bên ngoài ở khẩu hiệu, nói năng, phong trào sinh hoạt văn hóa nghệ thuật nhưng chưa dựa trên nền tảng và đặc thù của doanh nghiệp.

Nhiều nhà nghiên cứu dẫn ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói về văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt: Người Việt có tài xoay xở nhưng thiếu căn cơ, dễ hứa hẹn nhưng rất khó thực hiện, một người thì giỏi, nhiều người thì kém, giỏi thích nghi nhưng ít sáng tạo, coi trọng hình thức nhưng không quan tâm đầy đủ đến thực chất, tham cái nhỏ bỏ cái lớn. Gần đây, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp còn được nhắc đến nhiều ở khía cạnh vô trách nhiệm với khách hàng, môi trường như vô tư xả thải, tràn lan thực phẩm bẩn.

Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân hay phát triển bền vững còn khá mới ở Việt Nam, tuy nhiên, mới được mổ xẻ ở mặt lý thuyết là nhiều. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đề cập và thực hành ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây.

Bên cạnh những giá trị hữu hình thể hiện qua logo, slogan, mẫu mã sản phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được bản sắc riêng khi thể hiện văn hóa doanh nghiệp ở cả yếu tố vô hình như triết lý kinh doanh, chiến lược phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn. Có thể kể đến số doanh nghiệp sớm tìm thấy con đường đi đúng như Vingroup, Viettel, FPT, Trung Nguyên, Vinamilk.

Làm thế nào?

“Phải nói rằng năng lực kinh doanh của người Việt Nam còn có thể mở rộng, phát triển hơn nữa bởi sự cần cù, dũng cảm, thông minh và sáng tạo. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân chưa được coi trọng”, ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu ý kiến.

Ông kể lại câu chuyện đề cao “tinh thần doanh nhân”-một trong số yếu tố giúp Hàn Quốc từ một nước nghèo thế kỷ trước tăng trưởng ngoạn mục ở giai đoạn này: Ông Lee Byung-chul người sáng lập tập đoàn Samsung và Chung Ju-yung, sáng lập tập đoàn Huyndai được coi là kiểu mẫu tiêu biểu trong các doanh nhân Hàn Quốc. Dù mỗi người phương thức nhưng gặp nhau ở ý tưởng về sự tích cực và dám đương đầu với khó khăn.

Sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam hơn 20 năm khoe có nghiên cứu khá cặn kẽ lịch sử và văn hóa Việt Nam, ông Hong Sun khuyến cáo dù kinh tế và tình hình kinh doanh ở Việt Nam còn đang phát triển nhưng không có nghĩa không cần hoặc không quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp. “Hiện tượng hàng giả, hàng nhái hàng không đảm bảo chất lượng cùng thái độ hách dịch vẫn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp. Khi đi vào thị trường thế giới và khu vực mà không có sắc thái kinh doanh riêng thì các doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài, bền vững được, nguy cơ thất bại cao”, ông Hong Sun nói.

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhắc tới bài học của Patagonia, một doanh nghiệp Mỹ chuyên về quần áo dã ngoại nhận giải thưởng doanh nghiệp đạo đức nhất thế giới của Viện Ethisphere trong sáu năm liên tiếp kể từ 2007. Tuyên bố sứ mệnh của họ là “xây dựng sản phẩm tốt nhất, không tạo ra những tổn hại không cần thiết, sử dụng kinh doanh để truyền cảm hứng và áp dụng các giải pháp cho khủng hoảng môi trường”.

Họ luôn khuyên khách hàng “mua và tiêu dùng ít hơn” để bảo vệ môi trường, nhưng năm nào họ cũng tăng trưởng ổn định. Doanh nghiệp này tự nguyện sử dụng 1% doanh thu để tài trợ cho các tổ chức môi trường, năm 2015 là 76 triệu USD cho nhiều tổ chức môi trường trên thế giới. Trong khi đó một nghiên cứu của VCCI về đóng góp từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam lại cho thấy phần lớn hoạt động này thực hiện chủ yếu với mục đích truyền thông, ngắn hạn.

Việt Nam chấp nhận cuộc chơi ở biển lớn khi tham gia và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do. Văn hóa doanh nghiệp được các chuyên gia nhắc đến như yếu tố quan trọng quyết định thành bại, nhất là môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI đồng tình với nhiều chuyên gia khi cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần tìm bản sắc riêng, không thể bưng nguyên tắc của Mỹ, Nhật Bản hay Hàn về Việt Nam. Ông Tuấn nhắc đến quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt để tạo nên hình ảnh quốc gia. Ông kể một cô bán hàng tạp hóa nhỏ ở Na Uy dù chưa từng đặt chân đến châu Á nhưng vô cùng cảm tình Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan qua các sản phẩm thường sử dụng.

Hội thảo Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững, do Bộ VHTTDL tổ chức nằm trong Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, triển khai Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/van-hoa-doanh-nghiep-chuyen-nghiem-tuc-1063446.tpo