Văn hóa đại chúng và đòi hỏi tôn trọng tiếng Việt

Khi các nền tảng OTT xem nội dung trực tuyến, mạng xã hội… cả trong nước lẫn quốc tế đua nhau khai thác thị trường trăm triệu dân ở Việt Nam, đó cũng là lúc các nội dung trăm hoa đua nở. Và để tiếp cận tốt hơn nữa khán giả Việt, phần Việt ngữ cũng đã được quan tâm tới nhưng liệu sự quan tâm đó đã đủ cho thấy tiếng Việt đang được tôn trọng đúng mực?

1. Cái thời mà người Việt muốn thưởng thức một nội dung nghệ thuật, giải trí mới phát hành trên toàn cầu thì phải đợi một thời gian sau khi đã trình chiếu ở các quốc gia khác đã không còn nữa. Khi mọi ngóc ngách trên thế giới kết nối với nhau chỉ bằng một cú chạm từ ngón tay cái, khán giả Việt đã có một quyền bình đẳng nhất định về thời gian thưởng thức sản phẩm so với khán giả ở bất kỳ quốc gia nào. Tất nhiên, miễn là bạn phải có tiền đăng ký thuê bao hàng tháng với một khoản chi phí phổ cập thường là 99.000 đồng.

Điển hình cho tình trạng nói chêm tiếng Anh là chương trình Rap Việt.

Điển hình cho tình trạng nói chêm tiếng Anh là chương trình Rap Việt.

Đối với những nhà cung cấp, những đơn vị khai thác nội dung, một thị trường có 100 triệu dân như Việt Nam chắc chắn là miếng bánh cực kỳ béo bở mà họ cần phải chiều chuộng. Nói gì thì nói, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có trên 100 triệu dân trên thế giới với tỷ lệ dân số vàng; Việt Nam lại đang trên đà phát triển với nhu cầu cực lớn của giới trẻ là được tiếp cận hơn nữa những giá trị bên ngoài. Những yếu tố đó đủ cho thấy chúng ta là một cái mỏ có trữ lượng dồi dào đối với những nhà sản xuất, kinh doanh nội dung văn hóa đại chúng nước ngoài. Chính vì thế, để tiếp cận cộng đồng này, Việt hóa ngôn ngữ các nội dung là hành động đã được thực hiện từ rất sớm. Nếu mở các bộ phim trên Apple TV, Netflix…, chúng ta sẽ thấy đa số đều đã được trang bị phụ đề tiếng Việt và trong tương lai gần, rất có thể sẽ còn có cả lồng tiếng Việt cho khán giả dễ theo dõi hơn.

Song, sự chiều chuộng kể trên liệu đã là đủ? Để xem và hiểu đơn thuần, có lẽ nhiều người sẽ nói là đủ. Còn để xem và hiểu với một tâm thế không phải lo ngại tác động tiêu cực nào, sẽ có không ít người cùng chia sẻ một cảm nhận “tiếng Việt của chúng ta chưa được tôn trọng đúng nghĩa”.

Một ví dụ điển hình là trong chuỗi phim truyền hình có tên “Fuba” mới ra mắt năm 2023 này trên Netflix với nam tài tử Arnold Schwarzenegger thủ vai chẳng hạn. Ngay từ tập 1, đập vào mắt của khán giả là một loạt những phụ đề với những từ tục tĩu bắt đầu bằng chữ cái “đ”. Sẽ có vài người cho rằng “Ơ, thì bản gốc nó văng tục như thế tại sao cấm bản Việt không dịch sát nghĩa? Phim phải thực như đời mới hay chứ”. Nhưng đó chỉ là kiểu chống chế vụng không hơn không kém. Nhập gia tùy tục. Chúng ta có thể có thói quen văng tục nhưng nếu bước vào những căn nhà mà gia chủ nghiêm cẩn trong ngôn từ, liệu chúng ta có tự kiểm duyệt chính mình? Hơn nữa, không thiếu cách dịch vẫn có thể bật ra được cái gay gắt của câu chửi thề kia nhưng lại khá sạch sẽ đối với mọi tầng lớp người xem. Chúng ta đã từng dịch rất nhiều bản phim theo cách đó mà kết quả là các bộ phim ấy không hề suy giảm đi chút hấp dẫn vốn có nào.

Nhưng không hẳn cứ đưa nguyên văn các từ tục tĩu vào là đã sát nghĩa. Ví dụ, trong phim kinh điển “Heat” (1995) của đạo diễn Michael Mann với 3 nam tài tử Al Pacino, Robert de Niro, Val Kilmer tham gia diễn xuất, ở màn thanh tra cảnh sát theo dõi băng cướp và quyết định chưa bắt vì lý do chưa đủ chứng cứ, Al Pacino có câu thoại “No f..king way” và từ đệm bắt đầu bằng chữ cái “f” trong tiếng Anh ở trường hợp này chỉ mang ý nghĩa nhấn mạnh không hơn không kém. Thế nhưng ở phụ đề tiếng Việt, bản dịch vẫn cố nhét một từ tục tĩu vào đó trong khi có nhiều phương án dịch hấp dẫn hơn mà vẫn sạch sẽ hơn rất nhiều.

Sử dụng từ tục tĩu là một chuyện, xu hướng nghiêm trọng hơn hiện nay đang là dùng các từ, cụm từ, thành ngữ lóng mang tính thời thượng. Cách lồng các từ, cụm từ… kiểu này nhiều khi làm bản dịch trở nên thú vị hơn song không phải bất kỳ cách nói thông tục nào ngoài đời cũng nên được đưa lên phim. Ví dụ điển hình, trong tập 1, mùa 3 phim truyền hình dài tập “Ted Lasso” mới vừa được Apple TV phát hành cách đây 1 tháng có đoạn thoại bị dịch rất thiếu tôn trọng ở phút thứ 31 giây 52. Khi nhân vật tỏ ra đồng ý với một quan điểm bằng câu thành ngữ “Bingo el Ringo”, lẽ ra chỉ cần dịch “chính xác” hoặc đời thường hơn thì “chuẩn không cần chỉnh” thì biên dịch lại dịch là “chuẩn như Lê Duẩn”. Việc lấy tên một lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào bối cảnh dịch thuật này là thiếu tôn trọng, thiếu lễ độ, thiếu văn hóa và kém về ý thức thực sự.

Được biết, các nền tảng kể trên thường thuê các công ty truyền thông nhỏ chuyên làm dịch vụ lồng tiếng, dịch phim ở Việt Nam thực hiện biên dịch phụ đề. Các công ty đó lại chia thầu ra ngoài cho các nhóm dịch mà trong đó, đa số là những người trẻ vốn dĩ chỉ giỏi ngoại ngữ mà thiếu đi sự tỉnh táo cũng như độ cẩn trọng về ngôn từ. Với cách dịch mà họ cho rằng “có thể thu hút được cư dân mạng”, họ đang biến các bản dịch phim ở Việt Nam trở thành nơi mà tiếng Việt không còn được tôn trọng và mất đi sự trong sáng mà bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn kêu gọi gìn giữ.

2. Nhưng những gì đề cập ở trên mới chỉ lột tả được một khía cạnh của việc tiếng Việt không được tôn trọng ở mảng phim chiếu trên các nền tảng xem trực tuyến trên mạng mà thôi. Còn ở mảng các chương trình, gameshow được tổ chức bởi các nhà sản xuất trong nước, tiếng Việt lại đang bị xem nhẹ theo góc độ khác. Đó là sự kệch cỡm của việc liên tục chêm tiếng Anh trong các đối thoại trên truyền hình đến mức độ dày đặc.

Thực tế, có những trường hợp vẫn có thể dùng tiếng Anh khi từ ấy đã trở nên “quốc tế hóa” hoặc nó là từ chỉ khái niệm chuyên môn đặc thù vốn dĩ chưa thể có được một cách Việt hóa hoàn hảo nhất, được chấp thuận rộng rãi nhất. Khán giả có thể dễ dàng mở lòng với những trường hợp “khó” như vậy nhưng ở những trường hợp phổ biến khác, lẽ ra có thể dùng từ tiếng Việt hoàn toàn dễ dàng thì các nhân vật trong các chương trình lại xổ tiếng Anh đúng theo trường phái “10 hạt cơm đơm hai ba hạt sạn”.

Không ít phim phụ đề tiếng Việt trên Netflix có những từ tục tĩu.

Không ít phim phụ đề tiếng Việt trên Netflix có những từ tục tĩu.

Nếu mở bất kỳ một gameshow thuộc hàng đứng đầu về xu hướng tìm kiếm, theo dõi trên YouTube, chúng ta sẽ tha hồ nhận được cả rổ tiếng Anh được chen vào các câu nói của những nhân vật xuất hiện trong các gameshow đó. Nó như một thói quen được hình thành và phải thừa nhận thẳng thừng, đó là một thói quen xấu. Thậm chí, có những phần thoại, diễn mà sau khi dùng từ tiếng Anh, nhân vật quay lại tìm kiếm mãi mới nhớ ra được từ đó cần được diễn tả trong tiếng Việt là gì. Nếu như những nhân vật ấy sinh ra, lớn lên ở nước ngoài thì khán giả có thể bỏ qua dễ dàng nhưng trớ trêu thay, họ lại là người Việt hoàn toàn, với quốc tịch Việt và thậm chí có người còn không hề học ở trường quốc tế khi còn nhỏ.

Điển hình, chương trình mắc lỗi này nhiều nhất chính là Rap Việt và lỗi ấy duy trì triền miên từ mùa đầu tiên cho tới tận mùa này, từ số đầu tiên cho tới số phát sóng mới nhất mà đỉnh điểm của nó là ngay từ màn mở đầu của Long Nón Lá ở số phát sóng tuần thứ tư, Trấn Thành quay sang hỏi ý kiến HLV bằng câu “What about you Andree?”. Với những người đang bênh vực lối nói chêm này, hãy thử đặt ra một câu hỏi rất dễ trả lời là “Trong khi chính thí sinh Long Nón Lá không hề hiểu tiếng Anh (sau phần nhận xét của HLV Thái VG) thì trao đổi bằng tiếng Anh trước mặt cậu ấy có phải là mất lịch sự?” và từ đó mở rộng ra cùng suy nghĩ “với khán giả thành thị, có trình độ ngoại ngữ thì không sao nhưng với những khán giả bình dân vốn không học ngoại ngữ thì liệu chuyện xổ tiếng Anh ra trong chương trình đang dành cho đại chúng như vậy có phải là một sự kênh kiệu vô lối?”.

Văn hóa đại chúng là dành cho đại chúng và đối với 100 triệu người Việt, tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ số 1. Và một khi chúng ta vẫn mạnh miệng bằng các khẩu hiệu của các chương trình kiểu như “tự hào Việt Nam”, việc tôn trọng tiếng Việt, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là điều tối quan trọng.

Trong việc duy trì nhiệm vụ quan trọng ấy, ý thức của từng cá nhân tham gia các dự án văn hóa; ý chí của những nhà sản xuất các nội dung và sự quyết liệt của các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan thuộc ngành Văn hóa, ngành Thông tin truyền thông là vô cùng cần thiết. Không thể để khán giả số đông có cảm giác các nội dung trên các nền tảng đang bị thả lỏng và đại đa số khán giả đang bị bỏ rơi, cảm thấy lạc lõng trong sự lung tung về ngôn ngữ của một bộ phận rất nhỏ đang cố gắng khoác cái áo quá lớn mang tên thời đại.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/van-hoa-dai-chung-va-doi-hoi-ton-trong-tieng-viet-i698157/