Văn hóa bản địa- 'chìa khóa' để phát triển du lịch

Khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số không chỉ góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc mà còn tạo sức hút trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hát giao duyên; biểu diễn cồng chiêng và các trò chơi dân gian... là những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường ở Nho Quan.

Hát giao duyên; biểu diễn cồng chiêng và các trò chơi dân gian... là những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường ở Nho Quan.

Ở thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc có 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Mường. Ở thôn đã thành lập CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT dân tộc Mường từ năm 2019.

Ông Bùi Thanh Mạnh, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, Chủ nhiệm CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT dân tộc Mường thôn Đồng Bài cho biết: Từ 30 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã thu hút 120 thành viên, với đa dạng lứa tuổi tham gia. Các thành viên trong CLB tự nguyện đóng góp kinh phí để củng cố đội cồng chiêng, mua sắm trang phục và biểu diễn trong những dịp lễ, tết, hội làng.

"Đặc biệt, những năm gần đây, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Bản sắc văn hóa đã mở ra cơ hội để chúng tôi làm du lịch cộng đồng thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng. Từ đó, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Không chỉ biểu diễn phục vụ khách du lịch ở địa phương, CLB còn nhận lời mời biểu diễn tại nhiều sự kiện của các địa phương khác trong và ngoài tỉnh"- ông Mạnh phấn khởi chia sẻ.

Mặc dù toàn xã chỉ có 2 thôn với trên 30 hộ dân là dân tộc Mường, tuy vậy, xã Xích Thổ cũng có nhiều nỗ lực nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Mường trong đời sống hôm nay.

Bà Bùi Thị Chiên, Phó Chủ nhiệm CLB dân tộc Mường xã Xích Thổ cho biết: CLB mới được thành lập từ tháng 10/2023 nhưng đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của không chỉ riêng đồng bào Mường ở Xích Thổ mà còn của nhân dân địa phương.

Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực nhằm khôi phục, tập luyện và biểu diễn các trò chơi dân gian, các điệu dân vũ đặc trưng được nhân dân địa phương rất thích thú.

Sắp tới, không chỉ cố gắng phục dựng, khơi dậy và trao truyền cho thế hệ trẻ nét văn hóa bản địa đặc trưng, chúng tôi cũng mong muốn được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để có thể phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào từ chính những nét văn hóa đặc sắc ấy.

Đi cà kheo- trò chơi dân gian hấp dẫn du khách.

Với mong muốn rất thiết thực ấy, khi huyện Nho Quan phối hợp tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể và tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường, những người làm văn hóa như bà Chiên hết sức phấn khởi và tích cực tham gia.

Bà Chiên bảo, những kiến thức rất thiết thực được chia sẻ từ các chuyên gia về: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; vị trí, vai trò của cán bộ văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín trong việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ở cơ sở; các học viên sẽ được hướng dẫn, truyền dậy những kỹ năng cơ bản đối với việc sử dụng các nhạc khí, nhạc cụ truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ; các bài thuốc dân gian; nghệ thuật ẩm thực đặc trưng của người Mường; truyền dạy tiếng nói, chữ viết và một số bài cúng dân gian của dân tộc Mường; cách phát huy giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng... đã giúp bà và nhiều học viên "vỡ vạc" ra nhiều thứ.

Tiến sỹ Đỗ Trần Phương, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một trong những giảng viên tham gia vào lớp bồi dưỡng cho biết: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là chủ trương đang được nhiều địa phương trong cả nước quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu của Dự án nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Trong chương trình tập huấn, nhiều nội dung được truyền tải nhằm hỗ trợ địa phương phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, chuyên nghiệp như: hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số phục vụ phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch…

Chúng tôi kỳ vọng rằng, những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm được chia sẻ sẽ phần nào hỗ trợ nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cách làm du lịch từ nền tảng bản sắc văn hóa một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, cũng theo tiến sỹ Đỗ Trần Phương, muốn gắn văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch thì các địa phương cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt… từ đó định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Những người làm du lịch cần thu hút khách bằng khai thác các hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng. Đó là cách vừa giữ gìn, lan tỏa được văn hóa bản địa, vừa phát triển được du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Các CLB văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo người dân tham gia.

Nho Quan là huyện miền núi có số dân trên 152 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mường) chiếm 17%, sống tập trung chủ yếu ở 7 xã trong tổng số 27 xã, thị trấn của huyện, gồm: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Thạch Bình, Văn Phương và thôn 4, thôn 5, xã Phú Sơn; thôn Đức Thành, thôn Hồng Quang, xã Xích Thổ. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện có những nét sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán riêng, do đó đã tạo nên những giá trị bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng.

Ông Trần Văn Mạnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nho Quan cho biết: Nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân, từ năm 2017 đến nay, huyện đã quan tâm duy trì tổ chức hằng năm Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan để nhân dân được tăng cường giao lưu, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian. Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện

Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường ở Nho Quan đang gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực và nhân lực.

Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể và kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường trên địa bàn huyện Nho Quan năm 2023 là công việc rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm kịp thời phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiểu biểu, đang có nguy cơ bị mai một và thất truyền.

Kết quả của các lớp tập huấn cũng là cơ sở để Phòng Văn hóa và Thông tin tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, đề án, dự án nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo.

Đào Hằng- Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/van-hoa-ban-dia-chia-khoa-de-phat-trien-du-lich/d20231129142824646.htm