Vẫn gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn biến phức tạp và đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Đáng lo ngại, do chủ quan và lơ là trong việc khám và điều trị bệnh đã khiến không ít người đối mặt với những biến chứng sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm như: Giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, tràn dịch màng phổi…

Gia tăng bệnh nhân nhập viện điều trị

Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Chỉ trong một tuần, Thủ đô ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sốt xuất huyết. Các chuyên gia đánh giá dịch năm nay diễn biến rất phức tạp và phá vỡ quy luật so với các năm. Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô đang đối mặt với áp lực điều trị rất lớn khi bệnh nhân sốt xuất huyết mới liên tục nhập viện.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Đơn cử, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hơn 1 tháng nay, mỗi ngày đón khoảng 180-200 bệnh nhân. Hơn 90% là mắc sốt xuất huyết, nhiều trường hợp rất nặng. Trung bình mỗi ca trực cấp cứu có 2 bác sĩ, 4 y tá, giờ số lượng tăng lên cấp rưỡi, có ngày gấp đôi, vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu. Tại Khoa Các bệnh nhiệt đới có 84 giường, đều kín hết, toàn bộ là bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông phải huy động thêm 3 khoa trong viện để tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, chiếm gần một nửa số giường bệnh của cả bệnh viện. Số ca bệnh nặng, phải thở máy cũng tăng cao.

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị nội trú tại cơ sở này lên tới 300 ca/ngày, tăng gấp 3 lần mọi năm. Bên cạnh gia tăng số lượng, điều lo ngại hơn cả là diễn biến chuyển nặng của bệnh nhân rất nhanh. Chia sẻ với báo chí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp sốt xuất huyết là sản phụ, mang thai 32 tuần được đưa vào viện điều trị. Khi mới vào viện, lượng tiểu cầu trong máu của bệnh nhân là 116, nhưng chỉ sau 2 ngày, tiểu cầu giảm rất nhanh, chỉ còn 18. Theo bác sĩ Hương, tình trạng này chưa từng ghi nhận.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác là người trẻ, khỏe, nam giới, phải nhập viện gấp vì lượng tiểu cầu giảm mạnh.Theo các bác sĩ, hiện nay nhiều người vẫn chủ quan với sốt xuất huyết trong khi đây là căn bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả.“Khi có biểu hiện bệnh, nhiều người dân tự điều trị tại nhà. Nhất là khi hết sốt, họ thường chủ quan mà không biết rằng đây mới là giai đoạn cần theo dõi kỹ” - bác sĩ Lan Hương cho biết.

Theo đó, giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Bệnh nhân có thể vẫn còn sốt hoặc đã hết. Bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như thoát huyết tương, phù nề mi mắt, tràn dịch màng phổi, gan to, da lạnh ẩm, li bì, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít... Vào ngày thứ 4 của bệnh, xét nghiệm thường thấy số lượng tiểu cầu giảm đáng kể. Do đó, chỉ đến ngày thứ 8 của bệnh, khi tình trạng bình thường, người dân mới có thể yên tâm.

Thăm khám sớm, điều trị kịp thời

Cũng theo các chuyên gia y tế, có 2 cơ chế bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất, khi vi rút tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, vi rút làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch gây hậu quả là cô đặc máu. Từ đó, bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn. Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

Bởi vậy, bác sĩ Hương khuyến cáo tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người dân lưu ý khi sốt xuất huyết phải uống nhiều nước điện giải, nước trái cây, ăn thêm trái cây. Bởi không uống nhiều nước, bệnh nhân dễ bị cô đặc, rối loạn đông máu.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, từ ngày 20 đến 27/10, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.579 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Con số này giảm gần 200 trường hợp so với tuần trước đó. Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 100 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã, giảm 13 ổ dịch so với tuần trước đó. Như vậy, tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.520, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động tại 29 quận, huyện, thị xã.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc mới trong tuần qua ghi nhận giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, tình hình dịch có thể gia tăng trong các tuần tới.

Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.“Mỗi người dân trên địa bàn phải nâng cao ý thức, tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch”, ông Bùi Văn Hào nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều người chủ quan cứ nghĩ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế là nhiều trường hợp sốt nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết, nhưng bị cô đặc máu dẫn đến sốc. Lúc này, việc điều trị rất khó khăn, thậm chí dễ tử vong. Do đó, khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu, chẩn đoán xác định bệnh và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/van-gia-tang-benh-nhan-sot-xuat-huyet-162187.html