Vận dụng STEM vào môn khoa học xã hội

Môn khoa học xã hội vẫn có thể vận dụng STEM, tuy nhiên việc triển khai dễ nhầm lẫn với hoạt động trải nghiệm kiến thức.

Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) và học trò trong giờ học.

Môn khoa học xã hội có thể áp dụng định hướng dạy học STEM

Cô Nguyễn Thị Diến, Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học).

Đây là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì học từng môn tách biệt, rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp trẻ tìm hiểu tường tận nguồn gốc của vấn đề bằng cảm nhận tai nghe, mắt thấy, tay làm.

Là giáo viên dạy Lịch sử, cô Nguyễn Thị Diến nhận định: STEM áp dụng trong dạy học các môn khoa học tự nhiên sẽ phù hợp, phổ biến, có lợi thế hơn; tuy nhiên, định hướng dạy học STEM không phải là đặc quyền của các môn khoa học tự nhiên. Môn Lịch sử hoàn toàn có thể áp dụng định hướng dạy học STEM.

Việc áp dụng mô hình STEM trong dạy học Lịch sử, theo cô Nguyễn Thị Diến, cũng rất hiệu quả, tạo hứng thú, giúp học sinh rèn được nhiều kỹ năng và phát triển năng lực.

“Học sinh thường rất hứng thú và bị lôi cuốn khi được nhìn tận mắt, sờ tận tay... các hiện vật lịch sử; hoặc xúc động khi được xem, nghe trực tiếp video, lời thuyết minh, các bộ phim, các tư liệu lịch sử. Đặc biệt, nếu tự tay các em phục dựng, mô phỏng, tái hiện lại các nhân vật, hiện vật, sự kiện, hiện tượng lịch sử thì càng tuyệt vời hơn”.

Dù vậy, cô Nguyễn Thị Diến cho rằng, áp dụng STEM trong dạy học Lịch sử khó thực hiện hơn so với các môn khoa học tự nhiên. Giáo viên có thể cho học sinh xem hoặc nghe lại các video, phim, tư liệu... bằng phim ảnh; đưa học sinh học ở thực địa: bảo tàng, khu di tích, khu tưởng niệm…

Học sinh đóng vai, đóng phim, hoạt cảnh, diễn kịch... để tái hiện lại một sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử; phục dựng lại mô hình, sa bàn, bản đồ các trận đánh; hoặc trải nghiệm làm bánh chưng, bánh dày, cơm nếp, cơm tẻ… khi học về đời sống vật chất của cư dân cổ Văn Lang - Âu lạc…

“Học sinh cũng có thể thiết kế, trình diễn trang phục các dân tộc, dựng lại mô hình các loại nhà của các đồng bào khi học về đời sống của người Việt cổ, hay của các dân tộc…”, cô Nguyễn Thị Diến cho hay.

Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) trong giờ học.

Tránh nhầm lẫn giữa vận dụng dạy học STEM và dạy học trải nghiệm

Giáo dục STEM là thế mạnh của các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ và Tin học”.

Khẳng định điều này, thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, Cần Thơ lý giải: bản chất của giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.

Các môn khoa học xã hội vẫn có thể vận dụng STEM. Tuy nhiên, giáo viên cần phải hết sức thận trọng và xem yêu cầu cần đạt của bài học, bối cảnh và cách làm cụ thể.

Nếu yêu cầu cần đạt của bài học/môn học cần phải giải quyết vấn đề bằng cách tìm tòi, khám phá thông qua các yếu tố kĩ thuật thì việc vận dụng STEM vào để giúp học sinh chiếm lĩnh được kiến thức sẽ rất hay và thiết thực.

Mặt khác, nếu yêu cầu cần đạt của các môn khoa học xã hội không yêu cầu như trên thì không nên. Bên cạnh đó, cũng có giáo viên chưa hiểu bản chất của giáo dục STEM nên có thể đâu đó còn nhầm lẫn giữa vận dụng dạy học STEM và dạy học trải nghiệm.

“Như đã chia sẻ ở trên, việc vận dụng giáo dục STEM vào dạy học là nhằm giải quyết vấn đề, giáo viên là người hướng dẫn học sinh khám phá kiến thức và đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề và có thể thông qua các thử thách kĩ thuật.

Đối với dạy học trải nghiệm cũng có nhiều hình thức, tuy nhiên hoạt động trải nghiệm kiến thức là hình thức dễ nhầm lần với giáo dục STEM nhất. Nghĩa là giáo viên sẽ dạy kiến thức cho học sinh, sau đó sẽ yêu cầu học sinh làm mô hình, thí nghiệm,… để mô tả lại kiến thức đã học”, thầy Trang Minh Thiên lưu ý.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-dung-stem-vao-mon-khoa-hoc-xa-hoi-post665274.html