Vận dụng sáng tạo hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu

Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972, ngoài việc vận dụng các biện pháp tác chiến, hình thức chiến thuật thì thủ đoạn chiến đấu-một nội dung rất quan trọng, mang tính độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật tác chiến phòng không đã được lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) thực hiện hiệu quả, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972, Bộ đội Tên lửa và pháo phòng không của Quân chủng PK-KQ chủ yếu vận dụng hình thức chiến thuật “đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu”; không quân vận dụng chiến thuật “đánh chặn” cản phá từ xa; phòng không bộ đội địa phương và dân quân tự vệ thực hiện “phục kích đón lõng đường bay” là chủ yếu. Từng hình thức chiến thuật luôn vận dụng sáng tạo các thủ đoạn chiến đấu như: Chốt bảo vệ mục tiêu, đánh tiêu diệt, cơ động... phù hợp với khả năng tác chiến của các lực lượng và phát huy hiệu quả tác chiến đối với từng hình thức chiến thuật cụ thể.

Trong từng cụm khu vực cũng như cụm bảo vệ mục tiêu đều bố trí thành hai vòng liên kết với nhau. Đối với vòng trong, tên lửa và pháo phòng không xác định các trận địa chốt có ý nghĩa lớn về chiến thuật bảo đảm đánh địch trên nhiều đường bay, có thể tiến công mục tiêu bảo vệ từ nhiều hướng. Đồng thời có một bộ phận luôn cơ động quanh vị trí chốt để hình thành cụm hỏa lực đánh tập trung. Chiến thuật “đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu” đã phát triển một hình thức mới: Chốt kết hợp với cơ động quanh chốt trực tiếp bảo vệ mục tiêu.

Bộ đội Tên lửa chuẩn bị chiến đấu, năm 1972. Ảnh tư liệu.

Một trong những yêu cầu của “đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu” là phải tiêu diệt địch trước khi chúng cắt bom. Để đánh B-52 trước khi nó cắt bom, tên lửa phải bố trí vòng ngoài là chủ yếu. Nhưng trong chiến dịch phòng không này, lực lượng tên lửa ở Hà Nội quá ít; nếu đưa ra vòng ngoài thì không thể tập trung được hỏa lực để đánh tiêu diệt, nếu đưa vào vòng trong thì lại không đánh được B-52 trước khi chúng cắt bom. Mâu thuẫn này được Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ phân tích khoa học. Xuất phát từ yêu cầu phải bắn rơi tại chỗ B-52, bắt sống giặc lái, ta quyết định đưa toàn bộ tên lửa vào vòng trong để tập trung tiêu diệt B-52 tại chỗ, kể cả khi nó cắt bom xong. Giai đoạn 2 của chiến dịch, khi có thêm lực lượng tên lửa từ Hải Phòng, ta bố trí hai tiểu đoàn ở vòng ngoài và đã tiêu diệt được B-52 trước khi nó cắt bom (đêm 27-12).

Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối tháng 12-1972, vấn đề tiêu diệt B-52 và bắt sống giặc lái là mục tiêu hàng đầu của lực lượng phòng không. Ở giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh, không quân Mỹ sử dụng "con bài chiến lược" B-52 gây sức ép với ta. Do đó, quyết tâm tiêu diệt B-52, bắt sống giặc lái là nét độc đáo trong xác định mục tiêu chiến dịch. Có thể thấy rõ, hệ thống mục tiêu bảo vệ nằm trên địa bàn rộng lớn, trong đó Hà Nội là khu vực bảo vệ chủ yếu. Tuy bị tổn thất nhưng nhìn chung, Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm khác vẫn được giữ vững. Qua đó cho thấy, ta lấy tập trung bắn rơi nhiều B-52 tại chỗ, bắt sống giặc lái làm mục đích hành động, buộc địch phải dãn khỏi Hà Nội, kết thúc sớm cuộc tập kích đường không.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến dịch, không quân tiêm kích sáng tạo ra hình thức chiến thuật riêng: Phục kích đánh địch từ xa kết hợp với đánh chặn cản phá đội hình tiến công của địch ngoài khu vực mục tiêu là chủ yếu. Để đánh B-52, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích hướng bay, không quân đã tìm ra phương pháp tiếp cận tốp B-52 từ bên sườn, phía sau, táo bạo, bất ngờ thọc sâu qua hàng rào F-4 phóng tên lửa vào B-52 rồi nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực tác chiến.

Để thực hiện được cách đánh táo bạo đó, không quân cơ động đến các sân bay vòng ngoài, tổ chức trực ban chiến đấu. Khi mục tiêu xuất hiện thì cất cánh, bay thấp để giữ bí mật, đến khu vực có địch mới nhanh chóng nâng độ cao, thực hiện đánh bất ngờ từ phía sau. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch, nhiều sân bay đã bị địch đánh phá liên tục không cho ta khôi phục, nhất là các sân bay vòng ngoài. Chúng chủ quan cho rằng không quân ta không thể cất cánh từ các sân bay đã bị đánh phá. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp, ta đã nhanh chóng khôi phục, bí mật cơ động đưa máy bay đến sẵn sàng xuất kích đánh địch; đồng thời tổ chức hệ thống dẫn đường kế tiếp nhau nhiều tuyến, kết hợp dẫn đường từ sở chỉ huy cơ bản với sở chỉ huy bổ trợ, bảo đảm cho không quân đánh B-52. Trong hai đêm 27 và 28-12-1972, không quân ta đã cất cánh từ hai sân bay vòng ngoài, tạo bất ngờ và giành chủ động tiêu diệt hai máy bay B-52.

Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp tác chiến, hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu trong từng trận đánh, dựa trên cơ sở ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị có trong biên chế của lực lượng PK-KQ đã góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đại tá, PGS, TS LÊ ĐÌNH NHUỆ, nguyên cán bộ Học viện Quốc phòng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/van-dung-sang-tao-hinh-thuc-chien-thuat-va-thu-doan-chien-dau-755718