Vận dụng linh hoạt chính sách để giảm nghèo bền vững

Huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả giảm nghèo đáng khích lệ nhờ biết vận dụng linh hoạt các chính sách giảm nghèo và sự nỗ lực của người dân.

Lâm Hóa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa với một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân trong xã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo…Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2019, gia đình ông Hồ Phình, người Mã Liềng ở bản Kè, xã Lâm Hóa được hỗ trợ 2 con bò cái từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Từ tiền bán keo, ông Hồ Phình mua thêm 3 con bò cái sinh sản.

Các cơ sở hạ tầng, trường học được đầu tư xây dựng

Đến nay ông đã có đàn bò 12 con, giá trị ước tính hàng trăm triệu đồng. Cùng với nuôi bò, gia đình ông còn chăn nuôi gà, lợn và trồng rừng kinh tế, thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Sự vươn lên làm ăn của gia đình ông Hồ Phình được bà con người Mã Liềng noi theo và người ta càng thêm quí mến ông bởi ông đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để nhường nguồn hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn.

Ông Hồ Phình chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn còn khó khăn nhưng mà phải cố gắng, làm ăn phát đạt hơn nữa. Dù vẫn còn nghèo nhưng mình vẫn khấm khá hơn bà con một tý. Tôi viết đơn ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo để Đảng, Nhà nước giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Những nhà khó khăn thì tôi cũng giúp đỡ bà con, chưa biết làm vườn thì mình hướng dẫn bà con làm vườn”.

Diện mạo nông thôn tại huyện Tuyên Hóa ngày càng thay đổi, khang trang.

Không chỉ tận dụng các nguồn lực của địa phương, tham gia phát triển mô hình sản xuất kinh tế, nhiều xã còn phát huy vai trò "gương mẫu đi đầu" của những người đứng đầu địa phương. Muốn vận động bà con Mã Liềng phát triển kinh tế thì các đảng viên phải thoát nghèo trước, nói đi đôi với làm thì bà con mới tin theo.

Bà Cao Thị Vân, Trưởng bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, vai trò của đảng viên trong hành trình giảm nghèo tiếp thêm nghị lực cho người Mã Liềng tự tin hơn khi thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế.

“Đi từng nhà giải thích, động viên bà con, nếu gặp những khó khăn gì thì giúp đỡ. Để vận động bà con ở đây thì cán bộ phải “miệng nói nhưng kèm theo cầm tay chỉ việc” bà con mới hiểu được. Thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, giúp đỡ bà con rất nhiều, bà con ngày càng phát triển, có nhà ở, đường sá, điện sáng và có trường học cho học sinh" - bà Vân bày tỏ.

Lâm Hóa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa với một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trong những năm qua, riêng năm 2022 giảm trên 5%.

Ông Đinh Văn Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác của Đảng viên phát huy được hiệu quả trong việc tuyên truyền vận động bà con nhân dân về phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh tại các bản. Cuộc sống thay đổi rất nhiều, đặc biệt bà con tự giác trong phát triển kinh tế, xã hội".

Theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều tại Nghị định của Chính phủ, áp dụng thực hiện cho giai đoạn 2022-2025, đầu năm 2022 toàn huyện Tuyên Hóa có gần 2.200 hộ nghèo (chiếm 8,78%) và gần 1.600 hộ cận nghèo (chiếm 6,37%).

Đến đầu năm 2023, số hộ nghèo chỉ còn gần 1.700 hộ, số hộ cận nghèo giảm còn 1.333 hộ. Chính quyền huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng chính sách hỗ trợ cho người nghèo như tập trung giải ngân vốn vay kịp thời; xây dựng và nhân rộng các mô hình về xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trồng rừng giúp bà con miền núi thoát nghèo.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động cũng là một trong những hướng đi giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Đề án xuất khẩu lao động của huyện cũng tác động mạnh đến nông thôn. Con em đi xuất khẩu lao động có trường hợp mỗi tháng gửi về nhà hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Khi có thu nhập thì xây dựng nhà cửa, đường sá được đầu tư và diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi".

Năm nay, tỉnh Quảng Bình phấn đấu giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo, tương ứng với giảm 2.045 hộ trong tổng số hơn 12.800 hộ nghèo; giảm 0,5% tỷ lệ hộ cận nghèo tương ứng với giảm 1.285 hộ trong tổng số gần 12.250 hộ cận nghèo.

Nhiều chương trình giảm nghèo đã được các cấp, các ngành lồng ghép hiệu quả như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Đây là "đòn bẩy" giúp các địa phương nhanh chóng giảm số hộ nghèo, cận nghèo.

Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống 2,5% và mọi người nghèo đều được hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh dưới 5%, nhưng hộ nghèo và cận nghèo thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số lại chiếm đến 95%, cho nên công tác dân tộc phải gắn liền với công tác xóa đói giảm nghèo. Có rất nhiều chương trình cần phải đảm bảo người dân được hưởng lợi như chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc, chính sách giáo dục, y tế, phải vận dụng làm sao cho tốt để chính sách đến đúng đối tượng và thực sự có hiệu quả”.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/van-dung-linh-hoat-chinh-sach-de-giam-ngheo-ben-vung-post1029304.vov